Julio Noguera từng làm việc tại một cửa hàng bánh tại thủ đô Caracas của Venezuela. Nhưng giờ đây ông nhặt thực phẩm trong các bãi rác vào buổi tối.
“Tôi tới đây để tìm thực phẩm bởi nếu không làm vậy, tôi sẽ chết vì đói. Với tình hình hiện nay, không ai có thể giúp người khác có bữa ăn”, Noguera giải thích.
Những người thất nghiệp ở Caracas tập trung tại điểm tập kết rác ở trung tâm thành phố để tìm trái cây và rau hỏng mà những cửa hàng gần đó vứt. Thỉnh thoảng chủ doanh nghiệp nhỏ, sinh viên và người nghỉ hưu cũng bới rác, AP mô tả. Đó là những người tự coi họ thuộc tầng lớp trung lưu dù lạm phát 3 con số đã khiến mức sống của họ tuột dốc không phanh.
Hai người đàn ông tìm trái cây và rau tại một đống rác trên phố ở thành phố Caracas. Ảnh: AP. |
Tình trạng nghèo đói ở Venezuela giảm trong thời kỳ cố tổng thống Hugo Chavez nắm quyền. Nhưng một nghiên cứu của 3 trường đại học hàng đầu ở Caracas cho thấy 76% người dân Venezuela đang sống dưới mức trung bình, so với con số 52% vào năm 2014.
Chính phủ trợ giá những nhu yếu phẩm như bột ngô, dầu ăn. Giá của chúng khá thấp ngay cả khi tỷ giá ngoại tệ chính thức đạt mức cao nhất. Nhưng trái cây và rau trở thành xa xỉ phẩm mà nhiều gia đình Venezuela không thể mua.
“Chúng ta đang chứng kiến sự túng quẫn trong nhiều tầng lớp xã hội. Vài năm trước những người cực nghèo ở Venezuela cũng chưa phải ăn rác”, ông Carlos Aponte, một giáo sư xã hội học của Đại học Trung ương Venezuela, phát biểu.
Trong khi một số người tìm thực phẩm trong các đống rác, nhiều người khác cố gắng kiếm vài đồng bolivar bằng cách nhặt và bán lại những nông sản bầm dập.
Vào một buổi tối gần đây, Julio Noguera kiếm được hơn một chục củ khoai tây.
“Tôi là thợ làm bánh chuyên nghiệp, nhưng bây giờ tôi chẳng có việc. Vì thế tôi phải bới rác”, ông tâm sự.
Song không chỉ những người mất việc gia nhập đội quân bới rác. Jhosriana Capote, một nữ sinh viên trường nghề, tới bãi rác để tìm những thứ có thể giúp cô cảm thấy no hơn.
“Trước đây tôi có thể tìm được thức ăn ở bãi rác, nhưng bây giờ tình hình trở nên khó khăn hơn”, cô nói.
Bới rác không phải là hiện tượng mới ở Venezuela song nó đang phát triển. Giá dầu lao dốc cùng những vấn đề kinh tế khác đã đẩy cuộc sống của nhiều người dân Venezuela xuống vực thẳm.
Gần một nửa người dân thừa nhận họ không thể ăn 3 bữa mỗi ngày, theo kết quả một cuộc khảo sát 1.200 người trưởng thành hồi tháng 4 của công ty Venebarometro tại Venezuela.
Chính phủ đổ lỗi cho phe đối lập, cáo buộc họ phát động “chiến tranh kinh tế” để gây bất ổn và lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Bộ máy cầm quyền của ông Maduro đã thành lập các trang trại ở đô thị để giải quyết tình trạng thiếu lương thực.
Monica Espisona, một bà mẹ đơn thân, cùng hai con gái thường xuyên tìm thực phẩm ở bãi rác. Theo lời kể của Espisona, cô vẫn sở hữu hai căn hộ, nhưng phải kiếm tiền bằng cách nấu nước sốt từ những loại rau mà cô nhặt ở bãi rác rồi bán chúng cho các cửa hàng để kiếm khoảng 6 USDmỗi tuần.
“Tôi là mẹ đơn thân của hai đứa trẻ và công việc ấy giúp chúng tôi tồn tại”, cô nói.
Ở Venezuela, khi mà nhiều người phải đi bới rác tìm đồ ăn, đến tiền mua quan tài cho người chết cũng không có,…thì giới siêu giàu lại đang thưởng thức những bữa tiệc xa hoa, ăn các món đặc sản.
Nhiều gia đình không có cả tiền mua quan tài cho người chết!
Thủ đô Caracas những ngày này đang ở trong cảnh hỗn loạn vì khủng hoảng kinh tế đã đẩy gười dân đến mức đường cùng. Không thức ăn, nước uống, đồ dùng thiết yếu, ngay cả đến quan tài cũng không có mà chôn.
Ruben Dario – hưởng dương 55 tuổi bị bắt cóc và giết chết 2 ngày trước. Người ta tìm thấy thi thể anh trên một đường cao tốc ngoại ô Caracas – thủ đô của Venezuela.
“Anh tôi là một người tốt”. Đó là tiếng khóc của Julio Andrade – người nhà của nạn nhân xấu số đang đứng chờ để đưa thi thể anh về từ nhà xác thành phố Caracas.
Nhưng kiếp nạn của gia đình chưa hẳn đã kết thúc.
“Ngoài nỗi đau mất người thân, chúng tôi còn phải đối mặt với khoản chi phí mai táng cắt cổ giữa tình thế tồi tệ hiện nay ở Venezuela.” Andrade cho biết.
|
Ở Venezuela, cái chết quá đắt đỏ. |
Ở Venezuela, cái chết quá đắt đỏ. Lạm phát Venezuela đã tăng đến 700%. Người dân đánh nhau để có thức ăn, dược phẩm và thậm chí là một cuộn giấy vệ sinh. Trong khi hầu hết các loại hàng hóa khan hiếm và đồng tiền quốc gia ngày càng ít giá trị, tất cả mọi thứ đều trở nên đắt đỏ. Quan tài cũng không phải là ngoại lệ.
Nền kinh tế Venezuela chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng. Nhưng sự kiện giá dầu giảm mạnh xuống còn 39 USD/thùng thời gian gần đây đã khiến cho quốc gia này không còn đủ tiền để nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để làm quan tài. Tình trạng khan hiếm đã đẩy giá tăng cao.
Để có thể lo liệu cho một đám ma chay tử tế, một gia đình phải mất ít nhất 400.000 bolivar – tương đương với 400 USD tính theo tỷ giá chợ đen (tỷ giá phản ánh giá hàng hóa thực tại Venezuela). 400 USD không phải là con số cần phải suy nghĩ đối với người Mỹ hoặc người châu Âu nhưng đó lại là mức giá cắt cổ tại Venezuela hiện nay. Bởi một người Venezuela thu nhập với mức lương tối thiểu phải làm 27 tháng mới có đủ tiền để chi trả cho một đám tang chỉ diễn ra trong vài ngày.
Người sống ăn xoài trừ bữa, bới rác tìm đồ ăn
Mùa xoài ở Venezuela đang trở thành “cứu cánh” cho người dân nước này trong bối cảnh tình trạng khan hiếm lương thực – thực phẩm ngày càng trở nên tồi tệ.
Theo tin từ Reuters, cảnh thiếu bữa và nạn cướp bóc hàng hóa đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” tại Venezuela trong thời gian gần đây. Hàng hóa tại các siêu thị cạn kiệt, trong khi người dân phải kiên nhẫn xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để chờ tới lượt mua hàng.
Để chống đói, người dân quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên dầu lửa này đang tìm những cây ăn quả như xoài, dừa và đu đủ.
|
Một bé gái ăn hoa quả trên đường phố ở La Fria, Venezuela hôm 2/6/2016 – Ảnh: Reuters. |
Vào mùa xoài chín mỗi năm, trẻ em ở Venezuela vẫn thường trèo cây hái quả hoặc lấy đá ném cho quả rụng xuống. Tuy nhiên, năm nay, các công nhân cũng hái xoài để dùng làm bữa trưa. Các ông bố bà mẹ dùng những cây sào dài để chọc xoài, mang về làm đồ ăn trừ bữa cho cả gia đình.
“Nhiều lúc chẳng còn gì trong tủ lạnh, thế là cháu ăn hai quả xoài”, cô bé Juany Iznaga, 13 tuổi, cho biết. Gia đình cô bé đã lâm cảnh thiếu bữa kể từ khi mẹ cậu mất công việc tại văn phòng thị trưởng ở thị trấn La Fria gần biên giới giữa Venezuela với Colombia.
“Những quả xoài cũng giúp ích. Chúng giúp cháu được no”, Iznaga cho biết khi chia một miếng xoài cho đứa em gái.
Ở đất nước 30 triệu dân đang chìm trong khủng hoảng này, người dân đang phải ăn nhiều tinh bột và ít đạm hơn. Nhiều người nói họ không được ăn đủ 3 bữa mỗi ngày.
Bởi vậy, mùa xoài chín năm nay được chào đón nhiệt tình hơn bao giờ hết.
“Bây giờ chúng tôi không thể bỏ đi bất kỳ thứ gì, kể cả vỏ xoài”, bà nội trợ Iris Garcia, 58 tuổi, cho hay. Trong khi đó, con trai của bà Garcia đang hái xoài chín ở bán đảo Paraguana đầy gió bên bờ biển Caribbean.
Trong suốt hai ngày, Andrian Vega, một sinh viên 23 tuổi ở bang Bolivar của Venezuela, đã ăn bánh quy giòn với xoài. “Với tình hình hiện nay, tôi sẽ còn phải ăn xoài trong nhiều ngày tới, bởi đó là thứ duy nhất mà chúng tôi có”, Vega nói.
Tại khu ổ chuột tên là Petare của Caracas với 370.000 người sinh sống, những người trung lưu phải nhặt bắp cải thối, chanh héo và những mẩu thịt.
|
Nhiều người dân Venezuela phải nhặt bắp cải thối, chanh héo và những mẩu thịt ở các bãi rác. |
Cô Maria (27 tuổi) – bà mẹ 3 con đang ngồi bới tìm thực phẩm trong đống rác. “Tôi tới bãi rác bất cứ khi nào thể. Tôi đủ khả năng trả tiền xe buýt”, Maria nói.
Theo lời Maria, chồng cô là một thợ hàn, nhưng công việc này không thể đủ sống với mức lương bèo bọt. Thậm chí, cô phải xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để mua thực phẩm nhưng có khi không mua được thứ gì.
“Tôi không muốn đi bới rác. Tôi cảm thấy khó thở, đôi khi thấy như đang chết đuối vậy”, Maria buồn bã nói.
Mặc dù công việc vất vả nhưng chồng cô bị bệnh nên cô vẫn phải đi bới rác. Đứa con trai mới 12 tuổi tên là Julio cũng giúp mẹ nhặt rác sau giờ học.
Giới thượng lưu vẫn ung dung với những bữa tiệc xa xỉ
Trong khi đất nước Venezuela đang chìm trong cảnh khủng hoảng về thực phẩm, đối diện với mức lạm phát cao ngất ngưởng thì giới siêu giàu lại đang thưởng thức những bữa tiệc xa hoa, ăn các món đặc sản. Điều này trái ngược với hình ảnh tầng lớp trung lưu phải ra đường nhặt nhạnh các đồ ăn ở bãi rác để biến thành thực phẩm hay bán đi kiếm chút tiền.
|
Phóng viên tờ DailyMail đã đến Country Club sang trọng hàng đầu Caracas, một địa chỉ mà người giàu có thường lui tới, phần lớn trong số họ là các doanh nhân. Tại đây, những người phụ nữ mặc váy quyến rũ cầm cocktail ăn tôm hùm, thịt bò, sau lưng là những đĩa bánh tráng miệng nhiều màu sắc.
|
|||
|
Rõ ràng khung cảnh giữa Country Club và cuộc sống trong khu ổ chuột đối lập hoàn toàn. Một tay golf chia sẻ: “Đây là thế giới ngoài Country Club. Ở câu lạc bộ có bồi bàn phục vụ cocktail, đồ ăn nhẹ…Không phải là chúng tôi không quan tâm người nghèo, chúng tôi đã quyên góp nhiều tiền để làm từ thiện”.
TUYẾT MAI (Tổng hợp)