Home Cộng Đồng Vỡ mộng sang Úc lao động, mất hàng chục ngàn đô
Cộng Đồng

Vỡ mộng sang Úc lao động, mất hàng chục ngàn đô

Nhu cầu về lao động nông nghiệp ở Úc đang ở mức cao

Mong muốn đổi đời, hàng chục người lao động ở Nghệ An và một số tỉnh miền Trung đã bỏ ra hàng chục ngàn đô la Mỹ để được đi làm việc hợp pháp ở Úc. Tuy nhiên, họ đã không thể đến xứ sở Kangaroo tươi đẹp mà lâm vào bi kịch nợ nần.

“Tịt” đường không, “viễn vông” đường biển

Tiếp xúc với chúng tôi, những người quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho biết: Họ vừa gửi đơn đến cơ quan công an tố cáo một số người trong đường dây “chạy” đi Úc. Những người này cho biết, với mong muốn đi lao động tại Úc để cải thiện đời sống, qua người quen giới thiệu, họ đến gặp bà Trần Thị Thành (ở đường Trần Huy Liệu, phường Hưng Phúc, TP. Vinh) nhờ bà Thành tư vấn làm thủ tục để sang Úc. Khi đến nhà, bà Thành tự giới thiệu bà là người môi giới lâu năm cho một doanh nghiệp đưa người đi lao động ở Úc có tên là Polimex, địa chỉ tại số 9, ngõ 212 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội do ông Lê Duy Anh (hộ khẩu thường trú ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) là người đại diện pháp luật.

 Người lao động trong đường dây “chạy” đi Úc bức xúc vì cho rằng mình bị lừa mất tiền oan – Ảnh: Cao Sơn

Sau khi gặp bà Thành, họ được bà giới thiệu ra gặp ông Lê Duy Anh và ông Hoàng Văn Toản (là cộng sự của ông Anh) ở Hà Nội. Sau đó, bà Thành và ông Anh yêu cầu mỗi người đóng hàng chục ngàn USD để làm thủ tục xuất ngoại. Sau khi nộp tiền, từ năm 2016 đến 2018, ông Anh đã 3 lần đưa 19 người sang Malaysia để bay tiếp sang Úc. Tuy nhiên, sau khi ở Malaysia nhiều tháng trời, với lý do phía đối tác gặp trục trặc nên không thể sang Úc, 19 người này phải quay trở về.

Đầu tháng 12/2018, ông Anh thông báo với 19 người này là không thể đi bằng đường hàng không nên phải đi bằng đường biển và yêu cầu họ vào TP. Hồ Chí Minh chờ đợi tiếp một tháng. Thế nhưng, sau 1 tháng chờ đợi trong vô vọng, họ đã phải quay về quê mà không rõ lý do không thể xuất ngoại. Những người này sau đó yêu cầu ông Anh trả lại tiền như đã cam kết thì ông này hứa hẹn lần này, lượt khác. Họ đến nhà bà Thành để đòi số tiền mà họ đã nộp cho bà Thành, cũng bị bà Thành từ chối trả và còn tỏ thái độ thách thức.

Bắc thang đòi… tiền “chạy” việc

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người là “nạn nhân” của sự vụ này không khỏi bức xúc, mệt mỏi khi đi Úc không được, tiền đòi lại cũng không xong. Chị Trần Khánh Nhung ở phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cho biết: Do hoàn cảnh khó khăn, nên sau khi được người quen giới thiệu, chị đã mượn sổ đỏ của mẹ và lấy sổ đỏ của gia đình thế chấp vay ngân hàng và ra TP.Vinh gặp bà Thành. Sau đó, tin bà Thành vì biết bà Thành có con làm công an nên chị đã đóng cho bà Thành 3.000 USD và 45 triệu đồng. Sau đó, bà Thành giới thiệu chị ra Hà Nội gặp ông Lê Duy Anh và chị đã nộp tiếp cho ông Anh 17.500 USD để ông Anh lo thủ tục đi Úc lao động hợp pháp. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, sau 3 lần sang Malaysia và 1 lần vào TP. Hồ Chí Minh để sang Úc nhưng không được, chị đã đến nhà bà Thành và ông Anh đòi lại tiền nhưng không có kết quả. “Bà Thành với vai trò là môi giới, còn ông Anh là người tổ chức đưa chúng tôi sang Úc. Ngoài tiền đã nộp, riêng khoảng thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 9/2018, chúng tôi phải bỏ tiền túi cả trăm triệu đồng ăn nhờ, ở đậu ở Malaysia và TP. Hồ Chí Minh để chờ đi Úc. Tiền cọc đã nộp không đòi được để trả nợ, đất đai phải cắm ngân hàng giờ chỉ có nước ra đường mà ở” – chị Nhung bức xúc.

Bà Vũ Thị Bình ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành cũng cho biết, con trai là Nguyễn Thọ Lĩnh, sinh năm 1996. Sau khi học hết cấp 3, Lĩnh có nguyện vọng đi làm việc tại Úc theo con đường hợp pháp. Được người quen giới thiệu, tháng 3/2017, bà đã đến gặp bà Trần Thị Thành tại nhà. Qua trao đổi, bà Thành cho biết muốn đi Úc chi phí hết 4.000 USD. Nhưng sau đó, bà Thành và ông Lê Duy Anh đã yêu cầu bà Bình nạp 4 đợt lên tới tổng số tiền là 31.000 USD, chưa kể khi sang Malaysia, con trai bà Bình còn phải chi thêm 1.200 USD để đợi bay. Bà Bình nói trong nước mắt: “Con tôi sang Malaysia gần 1 năm nhưng không đi được sang Úc, ăn uống cực khổ, bị quản thúc. Thấy không thể đi được tôi đã gặp bà Thành yêu cầu bà can thiệp đưa cháu Lĩnh về và đòi lại toàn bộ số tiền. Cuối cùng cháu Lĩnh cũng được về nhưng đòi tiền thì bà Thành khất lần này, lượt khác. Bà Thành còn dọa bà ấy có người nhà làm công an nên không làm gì được bà ấy”.

Còn anh Nguyễn Anh Dũng, ở xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp, một trong những người nhờ đường dây này “chạy” đi Úc cho biết, để làm thủ tục, anh và nhiều người không được ông Lê Duy Anh làm hợp đồng mà chỉ được làm giấy ủy quyền. Nội dung là để nhờ ông Lê Duy Anh tư vấn về thông tin và làm các thủ tục cần thiết để xin visa đi Úc, các khoản phí liên quan anh Dũng và mọi người phải thanh toán. Ông Anh cũng cam kết, trong vòng 20 ngày, nếu không làm được thủ tục để đi Úc sẽ hoàn trả lại các khoản phí đã nộp. Thế nhưng, ông Anh đã không giữ lời hứa.

 Giấy cam kết là văn bản khiến người lao động tin tưởng để giao hàng chục ngàn USD cho ông Lê Duy Anh

Quá bức xúc khi biết mình bị mắc bẫy, trước tết Nguyên đán, những người đã nộp tiền cho ông Anh “câu lưu” ông này ở TP. Vinh để đòi tiền, nhưng sau đó đã phải thả ra. Đầu tháng 3/2019, anh Nguyễn Anh Dũng và nhiều người khác đã gửi đơn tố cáo bà Trần Thị Thành và ông Lê Duy Anh đến các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Anh Dũng cho biết, liên quan đến đường dây đưa lao động đi Úc này có khoảng 20 người, người đóng ít nhất là 20.000 USD. Hiện nay, những người tổ chức đường dây đã tìm cách khất lần, thậm chí thách thức, không trả lại tiền như đã hứa. Riêng ông Lê Duy Anh, họ không thể liên lạc được từ nhiều tháng nay. Điện thoại, zalo của ông Anh đã đóng, không thể liên lạc được.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Nghĩa Phượng, Phó Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh đã nhận được thông tin tố cáo của người dân và hiện đang xác minh để điều tra.

Theo Lao động Nghệ An

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *