Home Cộng Đồng Việt Nam 40 năm sau chiến tranh: Một góc nhìn
Cộng Đồng

Việt Nam 40 năm sau chiến tranh: Một góc nhìn

“Để tiến đến hòa giải cần sự quả cảm của cả hai bên để xóa bỏ quán tính đã kéo dài 40 năm qua.”

 
 

Năm 2002, nhà báo Huy Đức cho xuất bản cuốn sách “Bên Thắng Cuộc”. Tên sách đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong cộng động người Việt. Như một mẫu số chung, đa phần người Việt nhìn nhận “Bên Thắng Cuộc” là bên đã chiến thắng trong cuộc chiến tại Việt Nam, kết thúc vào ngày 30/4/1975.

Hôm 11/4/2015, trên trang Góc Nhìn Alan có đưa một bài viết được cho là của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn (MC nổi tiếng trong chương trình Thúy Nga Paris). Tổng kết bài viết của mình, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đưa ra một nhận định rằng, sau 40 năm nhìn lại thì những nước thuộc “thế giới tự do” mới thực sự là bên thắng cuộc, thế giới cộng sản đã sụp đổ.

Cũng một sự kiện, ở mỗi góc nhìn khác nhau, thời điểm khác nhau đều có thể dẫn đến những nhận xét khác nhau mà khó phân biệt được nhận xét của ai đúng, ai sai. Chỉ có một điều đúng duy nhất mà mọi người có thể cùng phải công nhận, đó là “Bên Thua Cuộc” là dân tộc Việt Nam, hàng triệu người đã hi sinh trong và sau cuộc chiến, lấy đi biết bao sinh lực của dân tộc và kéo lùi sự tiến bộ của đất nước.

Mình có may mắn khi còn nhỏ hay được bố chia sẻ những góc nhìn của bố về những biến cố xảy ra ở Việt Nam trước và sau 1975. Khi qua Úc, được tiếp cận nhiều thông tin hơn trên internet, cùng với những nhân chứng trong hành trình tháo chạy khỏi Việt Nam, tỵ nạn và xây dựng cuộc sống mới ở một vùng đất mới. Cơ hội đó đã cho mình cảm nhận khá sâu sắc về sự mất mát của người Việt trước và sau năm 1975. Giờ đây, so sánh người Việt Hải Ngoại với người Việt trong nước, có thể ví như hai người trong cơn bệnh nặng, một thì phải uống một liều thuốc thật đắng rồi khỏe mạnh trở lại. Người kia thì được cho một liều thuốc an thần, cơn bạo bệnh qua đi nhưng bệnh thì vẫn âm ỉ khiến người đó cứ dật dờ không thể tự đứng vững.

Bình minh trên tương đài chiến tranh (Flickr: ..Ross..)

Bình minh trên tương đài chiến tranh (Flickr: ..Ross..)
 

Năm ngoái, mình cũng viết về sự kiện 30/4, chia sẻ góc nhìn về cách ứng xử quân tử của những người chiến thắng với những người chiến bại, nhận định rằng chính phủ hiện nay cần có những cử chỉ tương kính và cởi mở với người Việt Hải Ngoại. Họ, những người tạm được cho là “bên thắng cuộc” cần phải xóa bỏ những tuyên truyền về hòa giải trong suốt 40 năm qua, ban hành những chính sách thực tâm và thực tiễn nhằm tiến đến hòa giải. Như vậy mới mong rằng người Việt Hải Ngoại gạt đi những quá khứ đau buồn và cùng nhau xây dựng hình ảnh một dân tộc văn minh, một đất nước tiến bộ, giàu mạnh.

Một năm trôi qua, mong muốn đó vẫn không thay đổi, nhưng thêm một nhận định mới.  Năm nay, người Việt ở Úc tổ chức Chương Trình Cảm Ơn Nước Úc nhân dịp 40 năm. Sau 40 năm, cộng động người Việt Hải Ngoại đã ổn định và phát triển qua hai, ba thế hệ, tại quốc gia thuộc nhóm có nền văn minh và dân chủ bậc nhất thể giới. Ngược lại, người Việt trong nước, thì vẫn tụt hậu về chỉ số dân chủ và phát triển quốc gia. Điều đó cho thấy người Việt trong nước cần một sự giúp đỡ lớn lao từ người Việt Hải Ngoại, để hiểu biết hơn về dân chủ, nền tảng xây dựng một quốc gia dân chủ, văn minh. Nhiều người sẽ nói rằng chính quyền Việt Nam sẽ ngăn chặn và cấm đoán sự giúp đỡ. Điều đó có lẽ đúng, nhưng, đối diện với độc tài, lạc hậu thì rất cần những suy nghĩ và hành động dân chủ ở đẳng cấp cao hơn. Chỉ như vậy mới có khả năng thuyết phục được những người ở trình độ thấp hơn. Mình chia sẻ nhận định này với một người bạn và nhận được sự đồng cảm của anh, một cựu du sinh chương trình Colombo, người cũng đã phải nhận quy chế tỵ nạn của Úc sau 1975. Anh cũng nhận định “để tiến đến hòa giải cần sự quả cảm của cả hai bên để xóa bỏ quán tính đã kéo dài 40 năm qua.”

Bài viết là chia sẻ và quan điểm riêng của Vũ Anh Minh – du học sinh tại Úc từ năm 2008.

– See more at: http://www.australiaplus.com/vietnamese/2015-05-01/vi%E1%BB%87t-nam-40-n%C4%83m-sau-chi%E1%BA%BFn-tranh-m%E1%BB%99t-g%C3%B3c-nh%C3%ACn/1442396#sthash.y4yBUTZe.dpuf