Giới chức bang Kerala, Ấn Độ đang chạy đua với thời gian để kiểm soát ổ dịch do virus chết người Nipah gây ra. Virus Nipah không liên quan đến SARS-CoV-2 nhưng được cho là nguy hiểm hơn nhiều.
Giới chức bang Kerala, miền nam Ấn Độ đang ra sức truy vết tiếp xúc sau khi một cậu bé 12 tuổi ở đây tử vong chỉ vài ngày sau khi được phát hiện nhiễm virus Nipah – một loại virus tuy không lây lan nhanh như virus SARS-CoV-2 nhưng thời gian ủ bệnh lâu, chưa có thuốc đặc trị.
Nhân viên y tế Ấn Độ chôn thi thể một người nhiễm virus Nipah ở bang Kerala tháng 5/2018. Ảnh: AP
Theo truyền thông địa phương, cậu bé nhập viện cách đây hơn một tuần trong tình trạng sốt cao. Các bác sĩ nghi ngờ em bị viêm não, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy em nhiễm virus Nipah. Cậu bé đã tử vong hôm 5/9.
Giới chức trách đã khẩn trương truy vết và xét nghiệm cho gần 200 người tiếp xúc với cậu bé, trong đó có 20 người có nguy cơ cao, chủ yếu là các thành viên trong gia đình, phải cách ly y tế nghiêm ngặt hoặc phải nhập viện. Khu vực xung quanh nhà cậu bé cũng tạm thời bị phong tỏa.
Mặc dù Kerala vẫn đang áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt như đeo khẩu trang, nhưng nguy cơ bùng phát rộng của virus Nipah vẫn khiến giới chức y tế ở đây quan tâm sát sao. Chính phủ Ấn Độ đã cử một đoàn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia hỗ trợ giới chức địa phương kiểm soát đà lây lan của Nipah.
Cách thức lây lan của virus Nipah
Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1990. Ấn Độ ghi nhận các ca nhiễm Nipah đầu tiên ở Siliguri, Tây Bengal vào năm 2001 và ít nhất 45 người tử vong vì virus này. Bang Kerala cũng ghi nhận trường hợp nhiễm virus Nipah vào năm 2018.
Giống như virus SARS-CoV-2, Nipah cũng lây truyền từ động vật sang người hoặc qua thực phẩm nhiễm virus song các nhà khoa học cũng phát hiện những ca nhiễm virus lây từ người sang người.
Dơi ăn quả thuộc họ Pteropodidae là động vật mang mầm bệnh tự nhiên của Nipah. Chúng có khả năng truyền virus cho các động vật khác bao gồm lợn, chó, mèo, dê, ngựa và cừu. Người có thể lây nhiễm virus Nipah do tiếp xúc gần với động vật nhiễm bệnh hoặc với các dịch cơ thể của chúng như nước bọt, nước tiểu. Khi virus này lây từ động vật sang người thì nguy cơ lây từ người sang người hoàn toàn có thể xảy ra.
Triệu chứng do virus Nipah gây ra
Nhân viên y tế tại một khu điều trị cách ly ở bang Kerala, Ấn Độ năm 2019 (Ảnh: CFP)
Một người nhiễm virus có thể không có triệu chứng hoặc có nhiều triệu chứng khác nhau từ bệnh hô hấp cấp tính đến viêm não gây tử vong. Các triệu chứng ban đầu gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, nôn mửa và đau họng. Sau đó, người bệnh có thể có các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn hoặc thậm chí các dấu hiệu thần kinh cho thấy viêm não cấp tính. Một số người có thể bị co giật, thậm chí hôn mê trong vòng 24-48h.
Thời gian ủ bệnh của Nipah thông thường dao động từ 4 ngày đến 14 ngày, nhưng đến nay cũng đã ghi nhận trường hợp mà thời gian ủ bệnh dài nhất là 45 ngày.
Nipah được cho là ít lây nhiễm hơn SARS-CoV-2 nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do virus Nipah gây ra là 40-70%. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong của SARS-CoV-2 được cho là khoảng 2%. Khoảng 20% những người sống sót sau khi nhiễm virus Nipah có các di chứng thần kinh kéo dài như co giật và thay đổi tâm sinh lý.
Điều trị và phòng tránh Nipah như thế nào?
Hiện tại chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị virus Nipah. Một số loại thuốc điều trị viêm não và các triệu chứng khác đã được các bác sĩ khuyên dùng cho người virus Nipah, tuy nhiên, việc sử dụng này phải theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh việc người bệnh tự dùng thuốc.
Bác sĩ Pavithra, chuyên gia tư vấn Nội khoa tại Bệnh viện Columbia Asia Hebbal, Bangalore, Ấn Độ, cho biết phác đồ điều trị cho người nhiễm virus Nipah bao gồm nghỉ ngơi, bổ sung nước và điều trị các triệu chứng khi chúng xuất hiện. Để tránh nguy cơ nhiễm Nipah, người dân cần có những biện pháp phòng ngừa thường xuyên như rửa tay hàng ngày, ăn uống vệ sinh, tránh tiếp xúc với người hoặc động vật nhiễm bệnh.
Theo Dân trí