Home Cộng Đồng Úc: Đại hội Âm nhạc Truyền thống Toàn cầu tại Sydney
Cộng Đồng

Úc: Đại hội Âm nhạc Truyền thống Toàn cầu tại Sydney

Đại hội Âm nhạc Truyền thống Toàn cầu lần thứ ba hội tụ hơn 50 nghệ sĩ từ nhiều nước trên thế giới đến Sydney biểu diễn, chia sẻ, và thảo luận về âm nhạc truyền thống Việt Nam từ ngày 14 và 15 tháng 8.

 

Theo ông Nguyễn Lê-Tuyên, giám đốc nghệ thuật của đại hội, thì sự kiện tại Sydney lần này có ý nghĩa văn hóa quan trọng vì lần đầu tiên đánh dấu sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc Úc trong hai ngày sự kiện.  

“Nó hứa hẹn nhiều quan tâm đến âm nhạc Việt Nam tại Úc và cho phép kết nối âm nhạc của Việt Nam với người Úc cũng như các cộng đồng khác,” ông nói.

Những người bạn

Một trong những ấn tượng đặc biệt nhất đối với khán giả và người tham dự đại hội âm nhạc lần này có lẽ là người dẫn chương trình và thư ký của sự kiện. Kat Alchin là người Úc, cô được đào tạo về nhạc jazz nhưng lại có một tình yêu đặc biệt với văn hóa, ngôn ngữ và âm nhạc Việt Nam.

Kat Alchin duyên dáng trong chiếc áo dài Việt Nam khai mạc triển lãm nhạc cụ truyền thống (ABC)
Kat Alchin duyên dáng trong chiếc áo dài Việt Nam khai mạc triển lãm nhạc cụ truyền thống (ABC)

“Tôi thật sự bị cuốn hút vì sự tinh tế trong cách chơi nhạc truyền thống Việt Nam, như với đàn tranh, đàn bầu chẳng hạn. Cách mà nghệ sĩ rung, di chuyển và lướt giữa những nốt nhạc. Chúng tôi không có điều gì giống như thế trong âm nhạc Tây phương,” Kat nói.

“Tôi rất thích những âm thanh đó. Càng bắt đầu lắng nghe nó thì tôi càng yêu nó hơn.”

Kat còn chia sẻ rằng cô rất thích tính thơ trong rất nhiều bài hát của Việt Nam.

“Khi tôi theo học tiếng Việt thì giáo viên của tôi có lần đã bắt tôi phải hát bằng tiếng Việt. Vì thế ông ấy đưa cho tôi một cuốn bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và điều đó đã bắt đầu sự yêu thích trong tôi. ”

Khác với Kat, Geraldine Balcazar, một vũ công Úc gốc Chile, thì đây là lần đầu tiên cô được tiếp xúc với âm nhạc Việt.

Geraldine Balcazar cùng Đoàn nhạc Tre Vàng biểu diễn tiết mục Vũ khúc Đông Dương. (ABC)
Geraldine Balcazar cùng Đoàn nhạc Tre Vàng biểu diễn tiết mục Vũ khúc Đông Dương. (ABC)

Cô tham gia phục dựng lại Vũ khúc Đông Dương, một  vũ điệu có nền nhạc  truyền thống Việt Nam, từng được biểu diễn lần đầu tiên tại Hội chợ Paris năm 1900 bởi vũ công nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Cleo de Merode. 

“Cảm giác giống như là đem lại một linh hồn cũ sống lại vậy,” Geraldine nói về cảm nhận của mình khi được trình diễn trong một tác phẩm có tính lịch sử này.

Geraldine cũng cho biết âm nhạc truyền thống Việt Nam đối với cô rất huyền bí.

“Chính vì thế khi múa theo tiếng nhạc đối với tôi giống như là một sự thoát ly khỏi hiện tại. Thêm vào sự ma mị của diên viên múa Cleo, tiếng nhạc đối với tôi như truyền cảm hứng để tôi bước vào một không gian, một thời kỳ khác vậy,” Geraldine chia sẻ.

Ngoài ra, nghệ sĩ múa người Úc này thấy rằng âm nhạc truyền thống Việt Nam có vẻ hiện đại và mới mẻ. Cô cũng rất hâm mộ những nghệ sĩ trong Đoàn nhạc Tre Vàng đã biểu diễn cùng cô.

“Họ đều rất trẻ và đều chơi các nhạc cụ truyền thống Việt Nam rất giỏi, và rất nhiều nhạc cụ khác nhau chứ không chỉ một nhạc cụ nhất định,” cô nói.

Kim Uyên, Kari và Ros Bandt của nhóm Back Zithers. (ABC)
Kim Uyên, Kari và Ros Bandt của nhóm Back Zithers. (ABC)

Ngoài sự xuất hiện của Kate và Geraldine trên sân khấu nhạc hội truyền thống thì phần biểu diễn của nghệ sĩ Kari và Tiến sĩ Ros Bant của nhóm Back Zithers cùng nghệ sĩ đàn tranh Kim Uyên, đến từ Canada, cũng khiến người xem nức lòng.

Kari chơi đàn truyền thống của Java, Indonesia, Ros Bant đánh một loại đàn dây cổ của Pháp trong khi Kim Uyên gẩy đàn tranh Việt Nam, nhưng tiếng đàn của họ hòa quyện đầy bất ngờ trong Khúc tức hứng.

Bảo tồn âm nhạc truyền thống ở xứ người

Nguyễn Đăng Thảo gắn bó với đàn tranh và ghi ta đã hơn 40 chục năm nhưng công việc chính thức của ông tại Adelaide, Úc lại là về toán và máy tính. Ông đùa rằng mình làm về công nghệ, kỹ thuật để có thể nuôi bản thân và theo đuổi đam mê.

“Với tôi âm nhạc là âm nhạc và mỗi loại nhạc có vẻ đẹp riêng và vẻ đẹp đó mang sự đam mê ở trong mình.”

“Bên cạnh đó, dù muốn dù không, tôi đến từ văn hóa Việt Nam, nếu giữ được văn hóa Việt Nam, đánh được tiếng đàn tranh, đàn độc huyền thì khi mình đánh lên là tự nhiên rung động quê hương mình chảy vô tim mình,” ông nói.  

Nguyễn Đăng Thảo đánh đàn bầu cùng vợ ông, bà Ros Hewton đang tập dượt trước giờ biểu diễn. (ABC)
Nguyễn Đăng Thảo đánh đàn bầu cùng vợ ông, bà Ros Hewton đang tập dượt trước giờ biểu diễn. (ABC)

Biểu diễn trên sân khấu lần này còn có vợ của ông, bà Ros Hewton, một giáo viên nhạc người Úc, chuyên chơi đàn piano. Chính ông Đăng Thảo cũng là người soạn lại những bản nhạc truyền thống Việt Nam cho đàn piano để người bạn đời cùng biểu diễn.

“Quan niệm của tôi: âm nhạc là ngôn ngữ thế giới. Mình có thể cho cây đàn Việt Nam đánh âm nhạc Tây phương  thì ngược lại mình cũng có thể cho cây đàn piano ‘nói’ theo tiếng nhạc Việt Nam.”

Cô Kim Uyên, nghệ sĩ đàn tranh, sáng lập viên của Đại hội Âm nhạc Truyền thống lần đầu tiên tại Canada năm 2011, cũng chia sẻ rằng tình yêu tha thiết với âm nhạc dân tộc chính là nguồn cảm hứng khiến cô luôn tìm kiếm các cơ hội để giới thiệu âm nhạc và đam mê của mình tại xứ người tới cộng đồng, bạn bè quốc tế và đặc biệt là thế hệ trẻ.

“Mình phải tạo cơ hội và mình phải giới thiệu đến với các em. Ví dụ Kim Uyên từng đi vào các trường học để dạy cho các em, hay Kim Uyên từng có các chương trình Tết, cho các em đến xem, rờ các nhạc cụ của mình như thế nào, để các em thấy là nhạc này cũng lạ lắm, hay lắm và các em nên học hỏi.”

Kim Uyên (ở giữa), sáng lập viên của Đại hội Âm nhạc Truyền thống toàn cầu, tập đàn tranh với Diệu Trinh từ Canada và Tiến sĩ Hải Việt đến từ Mỹ. (ABC)
Kim Uyên (ở giữa), sáng lập viên của Đại hội Âm nhạc Truyền thống toàn cầu, tập đàn tranh với Diệu Trinh từ Canada và Tiến sĩ Hải Việt đến từ Mỹ. (ABC)

Tuy chủ động tạo các cơ hội tiếp xúc với giới trẻ, cô hiểu rằng không phải bạn trẻ nào cũng sẽ sẵn sàng tiếp nhận nhưng Kim Uyên tin tưởng “ở thế hệ nào , thời kỳ nào cũng có đều có những người đam mê nhạc truyền thống.”

Tre già măng mọc

Và Trịnh Duy Tiến chính là một hi vọng như thế. 21 tuổi, Duy Tiến sống tại Olso, Na Uy đã chơi nhạc cụ truyền thống được hơn 15 năm. Thú vị là violin chính lại là bước đệm để Duy Tiến đến với đàn độc huyền.

“Ban đầu mẹ là người bắt tôi chơi nhạc. Tôi bắt đầu học đàn từ năm 6 tuổi. Sau đó âm nhạc lớn dần lên trong tôi đến khi tôi phải lòng với nhạc truyền thống Việt Nam và tiếp tục chơi đến ngày nay, ” Tiến kể.

“Tôi rất thích biểu diễn trên sân khấu, tất cả mọi lo âu của tôi đều biến mất, chỉ còn tôi, cây đàn và khán giả.” 

Duy Tiến (bên phải) biểu diễn khúc Hành vân. (ABC)
Duy Tiến (bên phải) biểu diễn khúc Hành vân. (ABC)

Một trong những gương mặt gạo cội nhất của âm nhạc truyền thống Việt Nam tại hải ngoại, giáo sư Phương Oanh, cũng bay đến Sydney từ Paris để có mặt tại sự kiện.

Trong sự nghiệp gần 50 năm của mình, cô Phương Oanh đã đào tạo được rất nhiều những  nghệ sĩ đàn tranh thành công, trong đó có ba nghệ sĩ Kim Uyên, Kim Hiền và Lê Tuấn Hùng có mặt tại Đại hội âm nhạc lần này.

“Tôi rất cảm động vì có những em hơn 40 năm mới gặp lại. Khi xưa các em mười mấy tuổi thôi mà giờ các em ngoài 50 rồi. Thành ra tôi cảm thấy mình vui là có cái gì tiếp nối con đường của mình,” cô nói.

Đại hội Âm nhạc Truyền thống Toàn cầu lần thứ ba tại Sydney đã khép lại. Nhưng hi vọng hai năm nữa, tiếng chuông lại tiếp tục ngân vang ở một nơi nào đấy nơi xứ người.