Home Cộng Đồng Tìm hiểu về người Nông Dân Úc
Cộng Đồng

Tìm hiểu về người Nông Dân Úc

Nông dân Úc trồng gạo hữu cơ năng suất 7-8 tấn/héc ta, giá gạo bán lẻ từ 8-10 đô la Úc/ki lô gam. Thật là sướng nếu nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trồng lúa hữu cơ bán được một phần tư giá mà nông dân Úc bán được!

Tình cờ, tôi gặp người nông dân tên Peter Randall ở vùng Murrami, bang New South Wales của Úc, người thực sự “làm chủ” hạt gạo hữu cơ do mình tạo ra, khi ông mang chúng bán trực tiếp cho người tiêu dùng tại chợ “nông dân” (farm market) ở thành phố Canberra, Úc. Có rất nhiều người dân thành phố đến chợ này vào những ngày cuối tuần, vừa là nơi họ mua sản phẩm nông nghiệp sạch trực tiếp từ tay nông dân, vừa là nơi thư giãn cuối tuần.

Gạo ông Peter bán có giá cao hơn 5 lần so với giá gạo Jasmine Thái bán tại các cửa hàng thực phẩm châu Á ở thành phố Canberra. Điều đặc biệt là gạo của ông đều có phân tích chỉ số GI. Chỉ số này càng thấp thì càng phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường.

Ông Peter, khoảng 50 tuổi, ham mê đồng ruộng và có kinh nghiệm trồng lúa hữu cơ từ nhỏ. Ở vùng này, mỗi nông dân có trên 250 héc ta đất ruộng. Peter có 260 héc ta. Peter kể lý do ông chuyển sang trồng lúa hữu cơ là vì ông thấy rằng người thân của ông, bạn bè ông chết vì bệnh ung thư do ăn thức ăn có nhiều thuốc hóa học. Ông cũng cho biết thêm, nghề trồng lúa ở Úc cũng có lúc rất khó khăn do hạn hán. Ông từng phải bỏ hoang đất đến năm năm vì không có nước để trồng lúa. Tại khu trồng lúa này, Peter nói tiền mua nước để tưới lúa còn nhiều hơn tiền mua phân sinh học (Peter gọi là soil yogurt, được mua từ Nhật).

Hàng năm, ông Peter chỉ trồng 50-60 héc ta lúa, còn lại ông dùng đất trồng cỏ nuôi cừu và bò thịt. Ông Peter có đàn cừu lên đến hơn 1.000 con. Sau khi thu hoạch vụ lúa dự kiến khoảng tháng 5, Peter sẽ quay vòng đất sang trồng cỏ nuôi bò và cừu. Đến năm thứ tư, người nông dân này mới quay lại trồng lúa. Do đó, đất rất tơi xốp và màu mỡ. Ông nói đùa rằng đất rất thơm, có thể… ăn được.

Mỗi năm Peter thu hoạch khoảng 350-400 tấn lúa khô (năng suất bình quân 7-8 tấn lúa khô/héc ta). Theo Peter, ở vùng này, nếu trồng theo quy trình không phải hữu cơ, năng suất bình quân đến 12 tấn/héc ta (giống lúa 150 ngày). Ông trữ lại 100 tấn để xay xát và đóng gói bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các “chợ nông dân cuối tuần”. Phần lúa còn lại được bán cho tập đoàn Sunrice, Úc.

MỘT SỐ QUAN NIỆM VỀ LÀM THÊM HÈ CỦA SINH VIÊN NƯỚC NGOÀI

Theo ông chủ tập đoàn Sunrice thì Sunrice chỉ đầu tư vào tám giống lúa chất lượng cao như Jasmine Thái, Basmati của Pakistan… để bán cho các thị trường nhà giàu khó tính. Tập đoàn Sunrice liên kết rất chặt chẽ với trung tâm nông nghiệp vùng Yanco để phân tích, chẩn đoán các đặc tính gạo theo đơn đặt hàng, và cung cấp giống cho nông dân dựa trên nhu cầu của khách hàng. Tập đoàn Sunrice mua hết lúa của nông dân trong vùng. Mỗi năm, Sunrice xuất khẩu trên dưới 1,1 triệu tấn gạo cho các quốc gia khó tính, như Ảrập Saudi.

Riêng Peter tập trung trồng bốn giống lúa chính bao gồm hai loại hạt dài và hai loại hạt tròn. Loại hạt tròn như Japonica thì được trồng để bán cho khách hàng làm cơm sushi, hạt dài thì để làm cơm ăn hàng ngày.
Là nông dân, Peter có thể sử dụng tất cả các loại cơ giới như máy gieo hạt, máy gặt lúa, và ông cũng trang bị một nhà kho đủ sức chứa 400 tấn lúa trong vòng một năm. Ông chỉ thuê hai lao động làm bán thời gian theo mùa vụ. Một người phụ trách đóng gói để bán lẻ, một người phụ ông khâu gieo sạ, chuẩn bị đất, và thu hoạch. Peter đầu tư một hệ thống xay lúa cỡ nhỏ có công suất 400 ki lô gam/giờ. Được biết, đầu năm 2015 này, Peter đã sang TPHCM để mua công nghệ xay lúa loại nhỏ của Bùi Văn Ngọ. Peter giữ lúa khô trong kho và chỉ xay xát theo đơn đặt hàng.

Với cách làm ăn khép kín và tự chủ, Peter cho biết ông sẽ mở rộng thêm diện tích để phát triển gạo hữu cơ.