Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ đang xấu đi trong những ngày gần đây do những cáo buộc xoay quanh cách xử lý dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều làm ông Tập Cận Bình “đau đầu” nhất lại xuất phát ngay từ trong nước.
Vành đai công nghiệp Châu thổ sông Ngọc – với trung tâm là tỉnh Quảng Đông, đã trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc kể từ khi thông thương với bên ngoài.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế hiện tại ở Quảng Đông đang là mối lo ngại không nhỏ đối với Trung Quốc.
Tại thành phố Đông Hoản, Quảng Đông – một trong những đô thị với dân số đông tương đương New York (Mỹ), các nhà máy nhỏ và vừa đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Hàng nghìn công dân Trung Quốc là lao động ở nước ngoài cũng đang tìm về quê hương do không kiếm được việc làm.
“Bạn có thể nhìn xung quanh đây, 9/10 nhà máy dệt đã ngừng hoạt động. Mức lương của các công nhân đã bị đưa trở về 10 năm trước”, ông Long – chủ một doanh nghiệp dệt may tại Đông Hoản, cho biết.
Tại Quảng Châu – thủ phủ tỉnh Quảng Đông, nhiều người đang cố gắng tìm người cho thuê hoặc thậm chí là rao bán toàn bộ cửa hàng, doanh nghiệp của họ.
Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình (ảnh: Reuters)
Ông Diego Lee – giám đốc một doanh nghiệp địa phương, cho biết, việc kinh doanh trở nên “thật khủng khiếp” trong vài tháng gần đây.
“Chẳng ai muốn mua bất cứ thứ gì ngoài khẩu trang”, ông Diego Lee nói.
Tại Đông Hoản, những người lao động nhập cư có thể bị mất việc làm chỉ sau một đêm.
Theo Xie – chủ doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất địa phương, ông đã phải cho khoảng 75% nhân viên của mình nghỉ việc.
“Dịch bệnh bùng phát và không có cách nào để đưa các sản phẩm của chúng tôi ra nước ngoài”, ông Xie cho biết và nói thêm rằng mình vẫn đang chờ nhận được trợ cấp từ chính phủ.
Cai – chủ một công ty sản xuất các thiết bị phụ tùng cho máy dệt tại Đông Hoản, cho biết, doanh nghiệp của ông đã rất khó khăn trong thương chiến Trung – Mỹ và giờ đại dịch khiến ông đứng bên bờ phá sản.
“Tôi gần như không có thu nhập trong thời gian này. Tôi không biết liệu mình có thể tiếp tục trong bao lâu nữa”, ông Cai chia sẻ.
Cuộc chiến “cơm áo gạo tiền” của người dân Trung Quốc sau dịch bệnh đang trở thành thách thức chính trị lớn nhất trong năm nay của ông Tập Cận Bình.
Công nhân tại một cơ sở dệt may tại Quảng Đông (ảnh: Bloomberg)
Sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, phát triển kinh tế và tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Trung Quốc thời gian tới.
Trong một bài phát biểu vào năm ngoái, ông Tập cho biết, năm 2020 sẽ đánh dấu “cột mốc quan trọng” khi Trung Quốc hoàn thành mục tiêu “xây dựng xã hội thịnh vượng”. Trung Quốc đặt mục tiêu hết năm 2020 sẽ tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010 đi kèm với xóa bỏ đói nghèo.
Tuy nhiên, kế hoạch của Trung Quốc đang bị thách thức do kinh tế đình trệ bởi tác động của dịch Covid-19, thêm vào đó là căng thẳng ngoại giao và thương chiến với Mỹ.
Theo một số chuyên gia phân tích, trong kỳ họp quốc hội năm nay, Trung Quốc có thể không đưa ra mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.
“Khôi phục kinh tế và tạo thêm việc làm đang là áp lực lớn nhất đối với ông Tập trong hoàn cảnh hiện tại. Bất kỳ ai am hiểu về kinh tế đều biết rằng nhiều mục tiêu tăng trường kinh tế mà Trung Quốc đề ra trước đó sẽ không thể hoàn thành được trong năm nay”, Gu Su – giáo sư tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), nhận xét.
Trung Quốc hiện đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không nhắc tới chuyện hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra trước đó thì đồng nghĩa với việc giới chức đã thất bại trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu tuyên bố những kế hoạch đề ra đã thắng lợi thì sẽ khiến giới trung lưu – tầng lớp gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh – không hài lòng vì thực tế không phải như vậy.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp tại Trung Quốc (ảnh: Bloomberg)
Trong cuộc họp trực tuyến hôm 9.5, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Zhao Kezhi cho rằng, Bắc Kinh nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến “an ninh chính trị” khi “các yếu tố bất ổn trong xã hội xuất hiện do suy thoái kinh tế hậu đại dịch”.
Zhang Bin, nhà kinh tế học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng nếu tính cả những lao động nhập cư, có thể đã có tới 80 triệu người nước này mất việc vào cuối tháng 3.
Từ trước khi dịch bệnh bùng phát, kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi chính phủ tìm cách giảm nợ công và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị Mỹ tấn công trong thương chiến.
Hy vọng phục hồi kinh tế hiện tại của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào kết quả chống dịch của các quốc gia khác để sớm cho mở cửa trở lại nền kinh tế. Gần 200 triệu lao động Trung Quốc có liên quan đến lĩnh vực ngoại thương, theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan.
Ông Tập đã nhiều lần cảnh báo rằng, dịch Covid-19 có thể gây “bất ổn xã hội tại Trung Quốc”.
Theo Dân Việt
Leave a comment