Không chỉ sở hữu nhan sắc như soái ca, soái tỉ, dàn du học sinh Việt từng học tập tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới này còn chứng tỏ được bản lĩnh của mình khi gọi vốn thành công những số tiền lớn trên Shark Tank Việt Nam. Mang tri thức ở nước ngoài trở về Việt Nam, họ đã thực sự làm nên kỳ tích.
Du học xong về hay ở lại? Vấn đề này nói bao nhiêu năm vẫn chẳng có hồi kết, mỗi người có một quan điểm, một câu chuyện riêng.
Nhưng việc mang tri thức sau nhiều năm tích lũy được ở nước ngoài để về Việt Nam phục vụ quê hương, đất nước vẫn luôn là 1 điều đáng khích lệ.
Chúng ta đã nghe không ít chuyện về những người từ chối các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, từ chối mức thu nhập hàng nghìn USD mỗi tháng, từ chối cơ hội khởi nghiệp ở Silicon Valley để về nước làm việc.
Và câu chuyện họ rất thành công ở quê nhà cũng không hiếm.
Trước đây chúng ta ít có cơ hội được chứng kiến sự tài giỏi, xuất chúng của du học sinh Việt khi về nước, nhưng với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội ngày nay, sức lan tỏa của họ đang lớn hơn bao giờ hết.
Đặc biệt khi chương trình khởi nghiệp Shark Tank về Việt Nam , rất nhiều du học sinh đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình với những mô hình kinh doanh độc đáo, sáng tạo và gọi vốn thành công với những con số không hề nhỏ.
Quang Thái – chàng du học sinh Mỹ điển trai với thương hiệu đồng hồ đầu tiên của người Việt
Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam vào tháng 7/2018, Quang Thái và Anh Đức, những Founder của thương hiệu đồng hồ Việt Curnon, đã mang về số tiền đầu tư là 5 tỷ đồng (trong đó 3 tỷ đổi lấy 20% cổ phần công ty và 2 tỷ chuyển đổi).
Quang Thái sống tại Hà Nội cho tới khi lên 11 và chuyển tới Nga để học 3 năm gồm cuối cấp 2 và đầu cấp 3. Sau đó, Thái tiếp tục trở về Hà Nội và theo học một trường cấp 3 nước ngoài.
Một thời gian sau, Thái lại đến Mỹ cùng gia đình. Tại đây, Quang Thái được bằng thiết kế nội thất tại Đại học Marymount ở bang Virginia.
Quang Thái từng du học tại Đại học Marymount ở bang Virginia, Mỹ
Vào năm 2014, Quang Thái một lần nữa quay lại Việt Nam, làm việc cho một công ty thiết kế nội thất Nhật Bản có trụ sở tại Hà Nội trong 1 năm và sau đó quyết định làm một điều gì đó của riêng mình, dự án đầu tiên mang tên 2Guys1Box.
Năm 2016, Quang Thái và đồng đội của mình sáng lập nên Curnon, thương hiệu đồng hồ Việt gia công tại Trung Quốc, máy Nhật. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Curnon đã có mặt khắp thị trường với 3 cửa hàng offline và hệ thống phân phối online mạnh mẽ.
Thái luôn ấp ủ mong muốn được mang tri thức ở nước ngoài về cống hiến cho Việt Nam, tạo ra những giá trị riêng mang bản sắc Việt
Quang Thái từng chia sẻ rằng: “Tôi cũng đã từng thử nghĩ về việc mình sẽ học được gì từ khi Startup tuy nhiên tôi luôn thất bại ở khoản này.
Vì trên thực tế bạn sẽ không thể biết được bạn học được nhiều đến như thế nào hàng ngày. Bạn sẽ nhận ra được điều đấy một cách rõ rệt nhất khi bạn quan sát những người đồng hành cùng bạn tiến bộ hàng ngày.
Một trong những câu nói tôi luôn yêu thích nhất là của Author Robert Collier: “Tội làm trái với quy luật tự nhiên duy nhất không thể tha thứ là đứng im và không chịu thay đổi”.
Tôi nghĩ điều này đã được lan toả đến văn hoá của toàn thể Curnon, và nhiệm vụ của chúng tôi là chuyển thông điệp này tới tay các bạn trẻ Việt Nam thông qua 1 sản phẩm mà họ có thể luôn mang theo người, và đó là chiếc đồng hồ.”
Chúng tôi chưa bao giờ tự nhận mình là “made in Vietnam”, mà là một thương hiệu đồng hồ Việt, được thiết kế bởi người Việt với sự ân cần và bộ máy chăm sóc của người Việt.
Cặp vợ chồng du học sinh Nam Long và Hoàng Anh – founder startup Abivin
Startup Abivin – cung cấp giải pháp định tuyến đường đi trong ngành logistics đã kêu gọi được 200.000 USD từ Shark Dzung Nguyễn trong Shark Tank Việt Nam mùa 2.
Phạm Nam Long tốt nghiệp Đại học Cambridge chuyên ngành Khoa học máy tính, tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Bristol ngành Ngành máy học và từng có thời gian việc ở đại bản doanh Google Silicon ở Mountain View.
Hoàng Anh tốt nghiệp International Business tại Đại học Đông Nam Phần Lan, có background làm việc về logistics, sales và marketing.
Cặp vợ chồng du học sinh Nam Long và Hoàng Anh – founder startup Abivin
Shark Dzung Nguyễn đã đánh giá về Abivin của cặp vợ chồng du học sinh này như sau: “Thứ nhất, tôi đánh giá team founder rất nhiệt huyết. Vị trí giữa các founder rất cân đối: một người mạnh về mặt kỹ thuật, một người mạnh về mặt business development và kinh doanh.
Thứ hai là về nhu cầu thị trường, tôi tin là cần nhiều giải pháp như Abivin, để hỗ trợ cho ngành logistics của Việt Nam cũng như là hỗ trợ cho các công ty có nhu cầu lớn về mảng logistics.”
Chia sẻ về lý do quay lại Việt Nam lập nghiệp, Nam Long cho biết: “Khi làm việc ở các tập đoàn, công ty nước ngoài, mặc dù mức lương rất cao, tôi vẫn thấy không thấy thoải mái vì phải làm những việc theo yêu cầu mà không phát huy được hết những khả năng, sở trường, không thực hiện được theo ý định của mình.”
Hoàng Anh và Nam Long đều mong muốn quay về Việt Nam để làm sản phẩm của chính mình chứ không phải làm những việc theo yêu cầu ở công ty nước ngoài
Hoàng Anh cũng tâm sự: “Đi học xa nhà là một hành trình tự vượt qua những nỗi sợ hãi luôn sẵn sàng bủa vây.
Nhưng mình tin chỉ cần một niềm tin mãnh liệt và quyết tâm theo đuổi đến cùng rồi mình sẽ đạt được ước mơ của mình! Vì nói như Lão Tử thì những cuộc hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé mà thôi!”
Thuật toán mà bọn em phát triển là một thuật toán trong toán học rất khó để giải được. Hiện giờ trên thế giới cũng có rất ít công ty có thể giải được.
Cô nàng ngây thơ du học sinh Úc, Mỹ khiến Shark Phú thốt lên: “Nhìn em là anh muốn đầu tư rồi”
Startup Ohana của cô gái xinh đẹp Cathy Thảo Trần vừa nhận được cam kết đầu tư 3,5 tỷ đồng từ liên minh Shark Dzung Nguyễn và Shark Hồng Anh trong Shark Tank Việt Nam, trong đó 1 tỷ đổi lấy 10%, 2,5 tỷ còn lại sẽ cho vay chuyển đổi, lãi suất 10% trong vòng 12 tháng tiếp theo và được giảm 25% cho vòng gọi vốn tiếp đó.
Cathy Thảo Trần – cô nàng xinh đẹp gây bão Shark Tank Việt
Cathy Thảo Trần tên thật là Trần Phan Thanh Thảo, 26 tuổi. Cô nàng từng là du học sinh ngành Văn học, tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn học Anh tại Cao đẳng Agnes Scott. Sau 2 năm du học tại Úc và 7 năm sinh sống, làm việc tại Mỹ, Cathy Thảo Trần quyết định quay trở lại Việt Nam lập nghiệp.
Cathy Thảo còn là người đồng sáng lập của KodeQ – phần mềm chuyên cung cấp, đào tạo nghề & nâng cấp kỹ năng cho các kỹ sư phần mềm trẻ người Việt. Ở tuổi 23, Cathy Thảo Trần đã ký kết thành công một hợp đồng trị giá lên đến nửa triệu đô la với IBM để phát triển các dự án của mình.
Tốt nghiệp cử nhân văn học ở Mỹ, Cathy Thảo từng muốn làm nhà văn. Nhưng khi chuyển sang làm công nghệ, cô đã thực sự gắn bó và tìm thấy niềm yêu thích ở lĩnh vực này.
Cathy đã khiến Shark Phú còn phải thốt lên: “Nhìn em là anh muốn đầu tư rồi!”.
Thảo muốn phát triển Ohana thành hệ sinh thái có những sản phẩm nhỏ để giải quyết những nhu cầu của người Việt Nam. Rộng ra là người Việt Nam ở Thái Lan, Philippines, Malaysia. Rộng hơn nữa là người dân bản địa ở Philippines, Malaysia, Indonesia…
Thảo chia sẻ: “Mỗi giây phút mình tồn tại, mình đã và đang tạo được một tầm ảnh hưởng cho cộng đồng, dù là rất nhỏ, và mình có thể làm thêm nhiều thứ để nâng tầm sức ảnh hưởng đó lên”.
Con đường còn rất dài, Thảo muốn chọn những partner có cùng chí hướng, cùng sức chịu đựng rủi ro, có niềm tin vào độ nhiệt huyết, khả năng học hỏi, ứng biến linh hoạt của toàn team Ohana mà “chơi” chung
Mô hình hỗ trợ du học sinh toàn cầu khiến Shark Linh đầu tư 300.000 USD
Startup Student Life Care của Ngọc Anh và Tuấn Anh có 3 dịch vụ chính gồm: Sắp xếp nhà ở, đón tại sân bay và tour hướng dẫn hòa nhập (bao gồm các hoạt động như mở thẻ ngân hàng, thẻ đi lại công cộng, đăng ký sim điện thoại, hướng dẫn mua sắm những đồ dùng thiết yếu, tham quan trường học, chia sẻ những kinh nghiệm về học tập và cuộc sống…)
Student Life Care đã có 1 thương vụ thành công với Shark Linh
Student Life Care đã nhận được 300.000 USD từ Shark Linh. Công ty của anh chàng du học sinh Việt tại Úc – Hà Ngọc Anh đã hỗ trợ hơn 1.700 du học sinh, có khoảng 2.000 database nhà ở, hơn 800 cộng tác viên và đang có mặt ở 8 quốc gia là Australia, Anh, Canada, Mỹ, Singapore, New Zealand, Đức và Hà Lan.
Giá dịch vụ khoảng từ 7-8 triệu đồng. Khách hàng có thể chọn mua lẻ hoặc mua cả gói với giá là 13 triệu đồng.
Năm 2017, công ty đạt doanh thu hơn 200.000 USD, doanh thu dự kiến năm 2018 là 350.000 USD. Thời điểm hiện tại, công ty đã đạt 80% tổng doanh thu dự kiến.
Dấm gạo Thuỷ Tâm của du học sinh Việt tại Canada nhận 4 tỷ đồng từ Shark Phú và Shark Vương
Tâm Phương – CEO của dấm gạo truyền thống Thủy Tâm từng thi đậu vào lớp Cử nhân Tài Năng – Tiên Tiến Hóa Học của trường ĐH Quốc Gia Hà Nội và sau đó du học ngành Công nghệ Hóa tại British Columbia, một trong những trường Đại học lớn nhất Canada.
Thời điểm đó, Tâm Phương chính là một trong số ít người Việt có thể nhận được học bổng toàn phần trị giá 35.000 USD/năm của ngôi trường danh giá này.
Dấm gạo Thuỷ Tâm trên Shark Tank mùa 1
Khi du học tại Canada, Phương nhận thấy những bát phở phương Tây thiếu hẳn vị chua của dấm lên men.
Chính suy nghĩ này đã kéo anh về quê hương để nung nấu quyết tâm tiếp nối truyền thống gia đình. Công ty Vietferm ra đời để thực hiện sứ mệnh khiến mỗi quán phở trên thế giới đều có một chai dấm gạo Thủy Tâm.
Tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 1, Tâm Phương đã nhận số tiền đầu tư 4 tỷ đồng cho 36% từ hai shark Nguyễn Xuân Phú, Trần Anh Vương.
Sau chương trình, Dấm gạo Thuỷ Tâm đã vượt qua vòng thẩm định, nhận 4 tỷ đồng từ Shark Phú và Shark Vương như cam kết trên truyền hình.
Kết
Khi du học sinh quay trở về Việt Nam, càng những bạn học giỏi, học những trường danh giá, làm những công ty nổi tiếng thì kì vọng trên vai càng nặng.
Và càng áp lực, họ càng khẳng định được bản lĩnh đích thực của mình. Chỉ cần cho họ cơ hội, họ sẽ làm nên những điều phi thường.
Theo Trí Thức Trẻ/Soha