Home Cộng Đồng Du học sinh về nước làm việc giống chuyện ‘con gà – quả trứng’
Cộng Đồng

Du học sinh về nước làm việc giống chuyện ‘con gà – quả trứng’

Một du học sinh về nước làm giảng viên, sau đó được cất nhắc lên ban giám hiệu nhưng anh từ chối.

Cách đây ít lâu, thông qua một người bạn, tôi biết vị giảng viên đó đã sang Pháp làm tiến sĩ. Anh từ chối làm quản lý vì muốn tiếp tục được nghiên cứu và giảng dạy.

Cả vị giảng viên và người bạn trên đều là sinh viên du học bằng học bổng và họ đều không về nước.

Việc du học sinh đi hay ở thường gây ra khá nhiều tranh luận. Các luồng quan điểm thường xoay quanh các chủ đề như cống hiến và giàu nghèo. Trên thực tế thì các vấn đề phức tạp hơn rất nhiều.

Tôi xin phép không bàn về những sinh viên du học tự túc, bởi vì họ đi bằng tiền của gia đình họ và chuyện họ ở đâu không liên quan gì tới những người không bỏ tiền ra. Tôi chỉ xin bàn về những sinh viên đi bằng học bổng, nhất là học bổng do các cơ quan tổ chức nước ngoài cấp, và phần nào được xem là “người tài”.

Trong số các sinh viên này, những người học về khoa học kỹ thuật về nước rất ít. Học về các ngành này thì chỉ có hai lựa chọn làm việc: làm cho các công ty khoa học kĩ thuật tư nhân và làm trong các cơ quan nghiên cứu. Cơ hội làm việc cho cả hai mảng này thật ra rất ít mà những gì các sinh viên này học được về Việt Nam cũng không có chỗ dùng.

Việt Nam có rất ít các công ty sản xuất công nghiệp nặng mà các loại máy móc vật liệu liên quan cũng ít, khả năng áp dụng những gì đang học rất ít. Khi nói về ngành kĩ sư hóa chẳng hạn, người Việt sẽ nghĩ ngay tới lọc dầu. Còn ở Australia có rất nhiều ngành ứng dụng như: đào mỏ, luyện kim, sản xuất vật tư y khoa, sản xuất hóa chất cơ bản dùng trong sản xuất. Về Việt Nam có nghĩa là cơ hội làm việc trong các ngành khác ít đi mà đi ra giàn khoan dầu cũng chả dễ dàng gì.

Các ngành kĩ thuật khác càng khó hơn. Kĩ sư cơ khí chẳng hạn, Samsung than thở là làm con ốc vít ở Việt Nam còn không được. Kĩ sư cơ khí lo việc thiết kế các chi tiết máy móc và trông coi việc sản xuất các chi tiết này. Ở Việt Nam thì có bao nhiêu cơ hội làm những việc như vậy?

Đó là thực tế phũ phàng mà các sinh viên đi du học phải đối mặt. Những lời chỉ trích về chuyện không chịu về nước cũng không giúp gì được cho những người đi học lái máy bay rồi trở về một vùng xa không có sân bay. Đây là vấn đề nan giải nhất mà các kế hoạch thu hút nhân tài phải đối mặt.

Còn chuyện về nghiên cứu nhưng lâm vào tình cảnh như giảng viên trên cũng có. Các bạn học về khoa học rồi về nước đa phần đều đi dạy và nghiên cứu, nơi họ có chút đỉnh “đất diễn”. Nhưng những khó khăn như trên vẫn có thể xảy ra, để rồi họ có thể lại rời đi.

Ít ai biết rằng, các bạn đi du học về nước giờ nhiều khi kiếm được nhiều tiền hơn cả các bạn ở lại. Ở Việt Nam thì nhu cầu cho những người này cao, họ sẽ nhanh chóng thăng tiến và còn có cơ hội kiếm thêm. Ở nước ngoài thì các bạn du học sinh này cũng chỉ có tấm bằng như bao sinh viên khác, nói tiếng bản địa không thông thạo và chẳng có bao nhiêu mối quan hệ. Đa phần đều đi làm đúng ngành và có cuộc sống trung lưu, những lên quản lý cấp cao thì ít hơn so với các bạn về nước.

Mà điều này cũng chỉ đúng với những ai học về tài chính, kinh doanh, ngân hàng… chứ học về khoa học thì khó khăn hơn.

Vậy đó, việc đi du học về nước hay không giờ không còn là tiền bạc hay là tư duy cống hiến. Quyết định đó là một sự kết hợp giữa khả năng được làm việc đúng mong muốn hay không và môi trường sống. Yếu tố thứ nhất là quan trọng nhất nhưng lại là thứ khó nhất. Phát triển môi trường khoa học kĩ thuật rất khó khăn. Nhưng những người có thể làm được thì không chịu về vì ngành không phát triển. Đó là chuyện con gà và quả trứng mà Hàn Quốc đã giải quyết được, nhưng không phải là bằng lời kêu gọi cống hiến.

Có lẽ chúng ta nên học hỏi người Hàn Quốc.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *