Home Tin Nước Úc Đây là cách Trung Quốc tàn phá ngành công nghiệp rượu vang trị giá hàng tỷ đô của Úc
Tin Nước Úc

Đây là cách Trung Quốc tàn phá ngành công nghiệp rượu vang trị giá hàng tỷ đô của Úc

Mất gần một thập kỷ để xây dựng đế chế kinh doanh của mình ở Trung Quốc nhưng nhà sản xuất rượu vang Jarrad White của Úc đã mất tất cả chỉ trong vài tháng.

Trớ trêu thay, tai họa xảy ra với Jarrad White không phải vì chất lượng vườn nho của họ ở McLaren Vale, một trong những vùng trồng nho hàng đầu của Úc. Thay vào đó, đây là hậu quả của những tháng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc, vốn chưa có gì cho thấy sẽ ngừng tệ hơn.

Vài năm qua, White sống ở Thượng Hải, thiết lập mạng lưới các nhà phân phối rượu vang thương hiệu Jarressa Estate của mình cho thị trường Trung Quốc, nơi đang bùng nổ nhu cầu với rượu ngoại bởi tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Vào giữa năm 2020, hơn 96% rượu vang của Jaressa Estate được bán cho người tiêu dùng Trung Quốc với 7 triệu chai/năm.

Tuy nhiên, tai họa xảy tới vào tháng 11 khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế lên rượu vang Úc như một phần của “cuộc điều tra chống bán phá giá” nhằm tìm hiểu xem chúng có đang được bán ở Trung Quốc với giá “quá rẻ” hay không. Chính phủ Trung Quốc cho biết cuộc điều tra được thúc đẩy bởi lời phàn nàn từ các nhà sản xuất rượu Trung Quốc.

White cho biết ông không bán được một chai nào kể từ thời điểm đó. Hàng trăm nghìn chai rượu Jaressa Estate đang chất đống trên kệ trong các nhà kho ở Adelaide, thủ phủ bang South Úc để chờ thuế quan được dỡ bỏ.

“Điều này khiến chúng tôi thiệt hại nghiêm trong. Chúng tôi có nhiều hóa đơn phải thanh toán trong khi mọi đơn đặt hàng đều đã phải thay đổi. Nó đẩy chúng tôi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan”, White chia sẻ.

Tuy nhiên, câu chuyện của ông không phải cá biệt. Có hàng trăm nhà sản xuất rượu vang Úc đã đặt cược mạnh tay vào sự bùng nổ rượu vang ở Trung Quốc. Tất cả họ đều đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Giá trị xuất khẩu rượu vang Úc sang Trung Quốc đã giảm gần như bằng 0 trong tháng 12, kéo tổng giá trị xuất khẩu rượu của năm 2020 giảm xuống 14% còn khoảng 790 triệu USD.

Trung Quốc nói rằng họ duy trì các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc nhập khẩu rượu vang giá rẻ làm tổn hại thị trường nội địa. Tuy nhiên, ngành công nghiệp rượu vang của Úc tin rằng nó có liên quan nhiều hơn đến căng thẳng ngày càng trầm trọng giữa 2 nước. Không chỉ rượu vang, khi mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh xấu đi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Úc, bao gồm thịt bò và gỗ, bắt đầu gặp trở ngại khi thâm nhập thị trường Trung Quốc. Và mọi thứ sẽ chưa sớm được cải thiện.

Sự bùng nổ rượu vang

Úc là nhà sản xuất rượu vang lớn thứ 5 thế giới và là quê hương của một số vùng trồng nho nguyên liệu nổi tiếng nhất thế giới, chẳng hạn như Thung lũng Barossa ở South Úc hay Thung lũng Hunter ở New South Wales. Theo Wine Australia, ngành công nghiệp rượu vang đóng góp tới 35 tỷ USD cho nền kinh tế nước này mỗi năm.

Trước tháng 11, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Úc. Trong năm 2019, hơn 1/3 lượng rượu vang mà Úc xuất khẩu là đến Trung Quốc. Nền kinh tế thứ 2 thế giới đã mua 840 triệu USD rượu từ các vườn nho Úc. Theo đó, lượng rượu mà Úc bán cho Trung Quốc nhiều hơn tổng lượng rượu họ bán cho Mỹ, Anh và Canada cộng lại.

Alister Purbrick, lãnh đạo một công ty sản xuất rượu vang gia truyền, cho biết, các nhà sản xuất nước này đã mất nhiều năm để xây dựng đế chế kinh doanh của mình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự bùng nổ sau khi 2 nước ký Hiệp định Thương mại Tự do vào năm 2015, trong đó loại bỏ thuế quan 14% đánh vào rượu vang Úc.

Việc dỡ bỏ thuế quan đã làm tăng thêm một ngành công nghiệp đang phát triển ở Úc. Từ năm 2008 đến 2018, xuất khẩu rượu vang của Úc sang Trung Quốc đã tăng từ 73 triệu USD lên hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhu cầu với rượu vang ở Trung Quốc không chỉ giới hạn trong các nhà cung cấp Úc. Pháp vẫn là nước xuất khẩu rượu vang hàng đầu sang Trung Quốc. Úc đứng thứ 2 trong khi Chile đứng ngay phía sau. Đối với rượu vang Úc, người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nhất là vang đỏ dù gần đây, họ đã chuyển một phần sự quan tâm sang vang sủi và vang trắng.

Trong khi đó, Zheng Li, chủ một công ty kinh doanh rượu ở Hàng Châu, cho biết, ông nghĩ rượu vang Úc đã thành công ở Trung Quốc vì theo quan điểm của ông, nó ngon hơn rượu vang được sản xuất ở những nơi khác và rẻ hơn nhờ hiệp định thương mại giữa hai quốc gia. Li cũng cho biết thêm nồng độ cồn cao hơn cũng khiến vang Úc trở nên hấp dẫn hơn.

Một lợi ích khác mà người tiêu dùng Trung Quốc nhận thấy là hệ thống ghi nhãn trên các chai rượu của Úc dễ hiểu hơn so với nhãn trên các loại rượu khác của châu Âu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, sự bùng nổ rượu vang Úc ở Trung Quốc còn là kết quả của nhiều năm nỗ lực, nhằm vào giới trung lưu ngày càng tăng của nước này bằng những chiến dịch quảng cáo sâu rộng.

Khó khăn chồng chất

Ngay cả trước khi bị áp thuế, ngành công nghiệp rượu vang của Úc cũng đã có 1 năm khó khăn. Theo Purdick, một loạt các sự kiện thời tiết khủng khiếp đã làm ảnh hưởng tới 40% sản lượng trong nửa đầu năm 2020. Mưa đá, hạn hán và thảm họa cháy rừng gây ra khói bụi trong đúng vụ thu hoạch của các vườn nho đã để lại những hậu quả nặng nề.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến các đơn hàng ở Trung Quốc sụt giảm. Suy giảm kinh tế khiến điều tương tự xảy ra ở các quốc gia khác. Quan hệ xấu đi giữa 2 nước khiến mọi đen đủi tăng lên theo cấp số nhân. Bắt đầu hồi tháng 4/2020 liên quan đến nguồn gốc đại dịch Covid-19, hàng loạt các biện pháp trừng phạt đã được Trung Quốc thực thi nhằm vào hàng nhập khẩu của Úc, trong đó có rượu vang.

Những nỗ lực mà các doanh nghiệp rượu vang Úc đã xây dựng suốt nhiều năm đã “đổ sông đổ bể”. Tình trạng tồn kho xảy ra ở hầu hết các nhà sản xuất rượu. Trung Quốc cũng nhiều lần chỉ trích Úc là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa 2 nước xấu đi, điều mà các nhà sản xuất rượu vang nước này lý giải cho tai họa mà họ đang gánh chịu.

Theo Cafebiz

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...