Home Cộng Đồng Tăng vọt số công ty Nhật muốn rút nhà máy khỏi Trung Quốc
Cộng Đồng

Tăng vọt số công ty Nhật muốn rút nhà máy khỏi Trung Quốc

Chương trình trợ cấp đưa nhà máy về nước của Nhật nhận được 1.760 đơn đăng ký, với 57 dự án đã được phê duyệt. 30 công ty khác được hỗ trợ để dịch chuyển sản xuất đến Đông Nam Á.

Chính phủ Nhật Bản đã chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ đến các khoản trợ cấp để đưa sản xuất về nước, sau khi đại dịch virus corona làm nổi bật nguy cơ của việc chuỗi cung ứng tập trung ở một nơi, đặc biệt là Trung Quốc.

Chương trình thúc đẩy sản xuất trong nước đã dành ra 220 tỷ yen (2,07 tỷ USD) trong ngân sách bổ sung cho năm tài khóa 2020, theo Nikkei Asian Review. Trong đợt đầu tiên, kết thúc vào tháng 6, chính phủ đã phê duyệt 57 dự án với tổng giá trị 57,4 tỷ yen, chiếm hơn một nửa trong số 90 dự án đăng ký.

Đợt đăng ký thứ hai, kết thúc vào tháng 7, đã nhận được phản hồi lớn hơn nhiều: 1.670 dự án đăng ký với tổng giá trị khoảng 1,76 nghìn tỷ yen – gấp 11 lần số tiền còn lại trong ngân sách. Kết quả lựa chọn sẽ được công bố vào tháng 10 sau đánh giá của các chuyên gia bên ngoài.

Một nhà máy dệt ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Mặc dù chính phủ hiện không có kế hoạch chi thêm tiền cho chương trình, một số ứng viên trong cuộc cạnh tranh để trở thành thủ tướng kế nhiệm ông Shinzo Abe đã đề cập đến các biện pháp hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

30 công ty khác đã được chấp thuận để nhận hỗ trợ theo một chương trình 23,5 tỷ yen riêng biệt tập trung vào việc di dời nhà máy đến Đông Nam Á.

Trợ cấp áp dụng cho việc sản xuất hàng hóa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc được sản xuất phần lớn ở một số quốc gia cụ thể. Nhiều dự án đã được phê duyệt liên quan đến khẩu trang và các sản phẩm y tế. Trợ cấp bao gồm một phần chi phí nhất định, giới hạn ở mức 15 tỷ yen cho mỗi dự án.

Chính phủ đã sử dụng trợ cấp để thúc đẩy các công ty đưa sản xuất về nước trong khi đối phó với các cuộc khủng hoảng khác. Một chương trình thúc đẩy thành lập doanh nghiệp sau trận động đất và sóng thần tháng 3/2011 đã nhận được khoảng 750 đơn đăng ký trong đợt đầu tiên và phê duyệt khoảng 250 đơn, tổng giá trị khoảng 200 tỷ yen. Song chương trình chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do chi phí sản xuất ở Nhật Bản tăng lên, một phần do đồng yen khi đó mạnh.

Sự khác biệt lần này là môi trường bất định, đặc biệt là giữa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đã khiến an ninh kinh tế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đại diện của một trong những công ty nhận được trợ cấp thừa nhận rằng “chúng tôi đã quyết định sản xuất trong nước ngay cả khi không được trợ cấp”.

Trung Quốc cũng đã mất dần sức hấp dẫn để làm nơi đặt nhà máy khi chi phí nhân công ở đó tăng lên. Trong một cuộc khảo sát với các công ty Nhật Bản của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản năm 2019, sử dụng chi phí sản xuất ở Nhật Bản làm cơ sở ở mức 100 thì chi phí ở Trung Quốc là 80.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *