Home Cộng Đồng Sự bất công trong vụ người phụ nữ Canada chết tại khách sạn
Cộng Đồng

Sự bất công trong vụ người phụ nữ Canada chết tại khách sạn

Theo CNN, tháng 2/2021 đánh dấu đỉnh điểm của câu chuyện pháp lý kéo dài gần một thập kỷ, đặt ra câu hỏi về cách hệ thống pháp luật ở Canada đối xử bất công với phụ nữ.

Tháng 6/2011, Cindy Gladue, bà mẹ 3 con người gốc Cree-Métis – một sắc tộc bản địa tại Canada, được tìm thấy chết trong bồn tắm khách sạn ở phía tây thành phố Edmonton, hưởng dương 36 tuổi.

Nguyên nhân tử vong là vết thương dài 11 cm trên thành âm đạo khiến nạn nhân chảy máu tới chết.

Liên quan đến vụ án này, Bradley Barton (52 tuổi), cựu tài xế xe tải đường dài, bị kết tội ngộ sát vào ngày 19/2. 6 năm trước, người này từng được tuyên trắng án.

Hình ảnh Bradley Barton và nạn nhân Cindy Gladue rời khỏi khách sạn được camera giám sát ghi lại. Ảnh: Yellowhead Inn/Court exhibit.

Tại phiên xét xử lại kéo dài 6 tuần, Barton thừa nhận đã trả tiền cho Gladue để quan hệ tình dục trong 2 đêm và khẳng định dù có thô bạo, việc đó xuất phát từ sự đồng thuận. Anh ta nói không nhận ra nạn nhân bị thương và sốc khi thấy cô chết vào sáng hôm sau.

Tuy nhiên, các công tố viên lập luận Gladue có thể đã quá say xỉn để quyết định đồng ý quan hệ tình dục với Barton. Họ chỉ ra sự mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo.

Nhiều năm qua, cái chết thương tâm của Gladue đặt ra câu hỏi về vấn đề chủng tộc và phân biệt đối xử với phụ nữ ở Canada.

Phán quyết khó hiểu

Năm 2015, bồi thẩm đoàn, được CBC mô tả là “da trắng rành rành”, tuyên trắng án cho Barton trước cáo buộc giết người và ngộ sát cấp độ 1.

Phán quyết gây ra làn sóng biểu tình trên khắp xứ sở lá phong và làm bùng lên cuộc tranh luận về cách hệ thống tư pháp Canada đối xử với phụ nữ bản địa.

Năm 2017, các công tố viên đã đệ đơn kháng cáo, cho rằng thẩm phán phiên tòa đã sai lầm trong một số phán quyết với Barton. Tòa án tối cao Canada sau đó đã ra lệnh xét xử lại anh ta vì tội ngộ sát.

Julie Kaye, đến từ nhóm công lý cho dân bản địa Pima’tisowin e’ mimtotaman, cho biết nhiều người cho rằng phiên tòa đầu tiên thiếu tôn trọng đối với Gladue.

Nạn nhân Cindy Gladue. Ảnh: FBNV.

Trong quá trình tố tụng năm 2015, các công tố viên đã mang mẫu mô xương chậu được bảo quản của Gladue vào phòng xử án để làm bằng chứng về vết thương chí mạng mà nạn nhân phải chịu.

“Họ coi một phần cơ thể của cô ấy như mẫu vật. Điều đó xâm phạm cơ thể của người đã khuất và vi phạm các nghi thức của cư dân bản địa về việc chăm sóc người thân sau khi họ qua đời”, Kaye nói.

Theo Globe and Mail, hình ảnh mô âm đạo của Gladue được chiếu lên màn hình để các bồi thẩm viên xem. “Đó là hành động rất bạo lực”, Kaye nhận định.

Theo phán quyết của tòa án tối cao trong vụ án, Gladue bị coi là “người bản địa” hoặc “gái mại dâm” trong suốt phiên xét xử.

Năm 2019, Tòa án tối cao Canada kết luận ngôn từ như vậy cùng “sự soi xét quá sâu đến lịch sử tình dục của nạn nhân” có tác động định kiến ​​nghiêm trọng đối với kết quả vụ án, đồng thời không ngăn được những giả định mang tính định kiến ​​và khuôn mẫu về phụ nữ.

Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực

Trong nhiều năm, các nhà hoạt động xã hội và người bản địa ở Canada đã cảnh báo về số lượng phụ nữ bản địa mất tích hoặc bị giết trên khắp đất nước cao một cách bất thường.

“Do hậu quả của quá trình thực dân hóa, lệch lạc văn hóa và nghèo đói, phụ nữ cùng trẻ em gái bản địa tiếp tục phải đối mặt với những hình thức cực đoan của tình trạng thiệt thòi, bao gồm tỷ lệ bạo lực cao gấp nhiều lần so với nhóm phụ nữ khác”, Lise Gotell, GS nghiên cứu về giới tính và phụ nữ tại Đại học Alberta (Canada), nhận định.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 4% tổng số phụ nữ ở Canada, phụ nữ bản địa chiếm gần 28% số vụ giết người nhằm vào nữ giới năm 2019. Cảnh sát ước tính vào năm 2015, khoảng 10% phụ nữ mất tích tại xứ sở lá phong là người bản địa.

Báo cáo năm 2014 từ Cảnh sát Hoàng gia Canada đã xác định 1.181 phụ nữ bản địa bị giết hoặc mất tích từ năm 1980 đến 2012.

Patty Hajdu, Bộ trưởng Phụ nữ Canada ở thời điểm đó, nói rằng con số có thể lên tới 4.000, theo CBC.

Người biểu tình cầm bảng hiệu đòi lại công bằng cho Cindy Gladue bên ngoài tòa thị chính của thành phố Edmonton tháng 4/2015. Ảnh: Topher Seguin/The Canadian Press.

“Chị ấy chưa bao giờ được lên tiếng”

Ngoài câu chuyện của Cindy Gladue, một số nhà hoạt động chỉ ra các vụ việc nổi tiếng khác liên quan đến phụ nữ bản địa bị đối xử bất công hoặc đổ lỗi trong hệ thống pháp lý, chăm sóc sức khỏe và nhà tù của Canada.

Tháng 10/2020, các nhà chức trách Canada tuyên bố cuộc điều tra công khai sẽ được tiến hành đối với cái chết của Joyce Echaquan (37 tuổi), bà mẹ 7 con người Atikamekw – sắc tộc bản địa tại Canada, trong Bệnh viện Joliette ở Quebec.

CBC tung đoạn video do Echaquan quay trước khi qua đời, cho thấy một số nhân viên y tế nói cô là “đồ ngu ngốc” hay “chỉ giỏi làm tình”. Sự việc đã làm nổ ra các cuộc biểu tình ở thành phố Quebec và Montreal. Cuộc điều tra dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 5/2021.

Theo CBC, một y tá và một nhân viên chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Joliette đã bị sa thải. Các cuộc điều tra của cơ quan y tế địa phương đã bắt đầu.

Sau khi đoạn video tại Bệnh viện Joliette được phát tán, người dân Canada lên án mạnh mẽ các hành động phân biệt chủng tộc tại nước này. Ảnh: Shutterstock.

Năm 2015, Angela Cardinal (biệt danh), nạn nhân của vụ tấn công tình dục ở tỉnh Alberta, đã bị giam giữ 5 đêm và được đưa đến tòa án trên cùng chiếc xe chở kẻ tấn công cô. Trong tình trạng bị còng tay, Cardinal phải đưa ra bằng chứng chống lại người đàn ông hành hung mình, theo CBC.

Một nhà điều tra độc lập xem xét vụ việc trên nhận định đây là “sự phá vỡ hoàn toàn các biện pháp bảo vệ pháp lý”.

Năm 2020, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thừa nhận rằng phân biệt chủng tộc có hệ thống là vấn đề tồn tại trong tất cả cơ quan ở Canada.

Trở lại với Cindy Gladue, các thành viên của gia đình cô cho biết phán quyết mới nhất giúp họ cảm thấy được an ủi. Tuy nhiên, sau 10 năm, họ cho rằng các phương tiện truyền thông đưa tin cũng như các cơ quan xử lý pháp lý vẫn không công bằng với nạn nhân.

Prairie Adaoui, em họ Gladue, nói với CNN: “Vết thương vẫn còn đó. Cindy vẫn chưa được an nghỉ. Tôi nghĩ đây mới chỉ là bước khởi đầu cho hành trình chữa lành”.

“Chị ấy chết thảm nhưng một thập kỷ sau, chúng tôi mới đòi lại chút công lý. Chị ấy không bao giờ được lên tiếng. Họ không nhìn nhận và đối xử với chị như một con người. Đó là điều đau lòng nhất”, cô nói thêm.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *