Home Cộng Đồng Quốc gia châu Âu có “vũ khí” lợi hại chống Covid-19 nhưng tự đánh mất
Cộng Đồng

Quốc gia châu Âu có “vũ khí” lợi hại chống Covid-19 nhưng tự đánh mất

Trong quá khứ, quốc gia này từng cho rằng, thiết bị y tế cũng quan trọng như máy bay chiến đấu, tàu ngầm, vì thế, chúng cần được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, sự đảo ngược trong chính sách đã khiến ngành sản xuất y tế trong nước không thể trụ nổi và quốc gia này đang phải gánh hậu quả trong dịch Covid-19.

Khi Tổng thống Emmanuel Macron tuyên chiến với Covid-19 vào tháng 3, ông khẳng định chắc nịch rằng, Pháp có đầy đủ thiết bị y tế cho những nhân viên, y bác sĩ làm việc tại tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, thực tế là Pháp đã không có nhiều sự chuẩn bị.

Sự đảo ngược trong chính sách sản xuất đã khiến kho dự trữ khẩu trang của Pháp gần như cạn kiệt. Bất chấp một số cảnh báo đưa ra từ những năm 2000 về nguy cơ của một đại dịch, Pháp vẫn cho rằng các nhà sản xuất nước ngoài sẽ là nguồn cung vật tư y tế chủ lực.

Quan điểm nêu trên đã khiến Pháp phụ thuộc quá nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài và hầu như không thể đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, bộ dụng cụ xét nghiệm, máy thở trong nước. Thậm chí, đến cả nhiệt kế điện tử, thuốc giảm đau, Pháp cũng phải trông chờ vào nhập khẩu.

Các chuyên gia y tế đánh giá Pháp là một trong những quốc gia điển hình đang gặp khó khăn trong đại dịch vì quá phụ thuộc vào nguồn cung y tế nước ngoài. Pháp hiện không thể đảm bảo đáp ứng đủ vật tư y tế chống dịch trong vài tuần sắp tới, đặc biệt là còn phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lần 2.

Quốc gia châu Âu có "vũ khí" lợi hại chống Covid-19 nhưng tự đánh mất - 1

Một người đeo khẩu trang tại Pháp trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)

Trong quá khứ, Pháp từng xác định khẩu trang là vật dụng không thể thiếu khi đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, chính phủ Pháp đã ngừng dự trữ khẩu trang vì cho rằng làm vậy là quá tốn kém. Sản xuất vật tư y tế trong nước không còn chỗ đứng và chủ các công ty phải đưa các nhà máy của họ chuyển ra nước ngoài hoặc phá sản.

“Chúng ta từng cho rằng, không cần thiết phải duy trì các kho dự trữ lớn trong nước vì các nhà máy ngày nay sản xuất thiết bị y tế với tốc độ rất nhanh, đặc biệt là ở Trung Quốc”, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran phát biểu trước quốc hội.

Tuy nhiên, Pháp có lẽ không ngờ rằng, ngay cả Trung Quốc cũng phải “quay cuồng” với sự bùng phát của Covid-19 và ra sức thu mua vật tư y tế khắp thế giới để chống dịch trong giai đoạn đầu.

Sau đại dịch SARS năm 2003, giới chức Pháp đã phân tích rủi ro và quyết định thành lập những kho dự trữ khẩu trang quốc gia cùng nhiều thiết bị bảo hộ khác. Các nhà sản xuất trong nước được Pháp giao nhiệm vụ lấp đầy các kho dự trữ này. Thời điểm đó, Pháp coi trọng việc sản xuất vật tư y tế ngang hàng với chế tạo máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tàu khu trục.

Quốc gia châu Âu có "vũ khí" lợi hại chống Covid-19 nhưng tự đánh mất - 2

Dỡ lô hàng vật tư y tế nhập từ Trung Quốc tại Pháp (ảnh: NY Times)

Năm 2006, một kế hoạch ứng phó với đại dịch đã được chính phủ Pháp đưa ra với một loại các biện pháp, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các kho dự trữ vật tư y tế.

Năm 2008, Pháp công bố sách trắng, coi đại dịch là một trong những mối đe đọa lớn nhất của quốc gia cùng với khủng bố, tấn công mạng và chiến tranh tên lửa.

Tuy nhiên, vài năm sau đó, nhiều chính trị gia tại Pháp bắt đầu chỉ trích chính sách dự trữ vật tư y tế của chính phủ là lãng phí.

Năm 2013, Pháp ban hành chính sách mới, nhấn mạnh cần tiết kiệm ngân sách và hạ thấp tầm quan trọng của các kho dự trữ. Khẩu trang vẫn được dự trữ, nhưng với số lượng ít hơn và không phải loại tiêu chuẩn chất lượng FFP2 giá thành cao.

Pháp ngày càng ít quan tâm đến sản xuất trong nước và tìm đến các nhà cung cấp vật tư y tế giá rẻ nước ngoài.

“Để tiết kiệm chi phí, chính phủ đã đặt mua những đơn hàng lớn, giá rẻ, mà chỉ có các nhà sản xuất tại Trung Quốc mới có thể đáp ứng”, ông Francis Delattre – cựu thượng nghị sĩ Pháp, cho hay.

“Các nhà sản xuất trong nước dần mất đơn đặt hàng. Rất nguy hiểm khi giao phó sức khỏe của đất nước vào chỉ 1 hoặc 2 tập đoàn y tế của Trung Quốc. Không tìm được đầu ra, nhà máy sản xuất thiết bị y tế lớn nhất của Pháp đặt tại Plaintel – nơi từng hoạt động 24/24, đã phải đóng cửa”, ông Francis Delattre nói thêm.

Khẩu trang trong kho dự trữ của Pháp đã giảm từ 1,7 tỷ chiếc trong năm 2009 còn 150 triệu chiếc vào tháng 3 năm nay.

Quốc gia châu Âu có "vũ khí" lợi hại chống Covid-19 nhưng tự đánh mất - 3

Sản xuất khẩu trang y tế chất lượng cao tại Pháp trong quá khứ (ảnh: NY Times)

Đến ngày 17.5, Pháp ghi nhận 179.365 ca nhiễm Covid-19 và 27.625 trường hợp tử vong. Pháp là một trong những nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.

Trong một bài phát biểu mới đây, ông Macron cho rằng, Pháp cần phải xây dựng lại khả năng tự sản xuất trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công nghệ.

Trong khi Đức có thể nhanh chóng huy động đẩy mạnh sản xuất các thiết bị y tế để chống dịch thì Pháp gần như bất lực. Pháp không thể thực hiện xét nghiệm quy mô lớn như Đức vì thiếu dụng cụ. Những bộ xét nghiệm Covid-19 mặc dù có giá thành không quá đắt đỏ, nhưng quan trọng là Pháp chỉ có thể mua được chúng từ châu Á.

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Đức có quá nhiều bộ xét nghiệm Covid-19 để thực hiện kiểm tra quy mô lớn. Câu trả lời đến từ lợi thế của ngành công nghiệp y tế tại Đức.

Thông qua nghiên cứu của mình, Philip France Aghion – chuyên gia kinh tế Đại học Harvard, cho rằng, những quốc gia có năng lực xét nghiệm Covid-19 mạnh như Đức và Áo sẽ có số ca tử vong vì Covid-19 thấp hơn đáng kể so với những nước làm ít xét nghiệm.

Hầu hết các nhà thuốc tại Pháp đã không còn nhiệt kế để bán. Trong khi Paracetamol – một loại thuốc giảm đau phổ biến, đang khan hiếm đến mức chính quyền Pháp phải ra quy định hạn chế bán.

Theo 24h

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *