Phóng viên Australia hé lộ những chi tiết về cuộc giải cứu đội bóng nhí mà giới chức Thái Lan chưa từng công bố.
Liam Cochrane, phóng viên của ABC, vừa xuất bản cuốn sách “The Cave” (Hang động), lần đầu hé lộ những thông tin chưa được công bố về cuộc giải cứu đội bóng Lợn Hoang vào năm ngoái, News đưa tin.
Hai thợ lặn người Anh phát hiện 12 thiếu niên và huấn luyện viên sau 9 ngày họ mắc kẹt trong hang động ngập nước Tham Luang ở tỉnh Chiang Mai. Huấn luyện viên Ekapol Chanthawong đã giúp họ sống sót bằng cách uống nước từ thạch nhũ và thiền.
Tuy nhiên, theo cuốn sách trên, chàng trai 25 tuổi vẫn lo lắng các thành viên bị đói đến mức có thể xung đột và “ăn thịt nhau”.
“Những điều lo lắng nhất với chúng tôi là bóng tối, nước và đói”, Ekapol nói.
Giới chức Thái Lan cho hay các cậu bé đã được mặc áo phao và đưa ra ngoài bởi các thợ lặn tinh nhuệ. Tuy nhiên, Cochrane, người theo dõi và đưa tin từ hiện trường, nói rằng thực tế không diễn ra như trên.
“Để giúp mọi người bình tĩnh, các bậc cha mẹ được thông báo rằng các cậu bé đã học lặn và truyền thông đưa tin rằng mỗi người có một ống thở, được hai thợ lặn dìu ở trước và sau”, Cochrane viết. “Điều này không đúng”.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha từng nói các thiếu niên được cho uống một loại thuốc làm giảm căng thẳng, lo âu. Theo phóng viên Australia, các cậu bé đã dùng một loại thuốc an thần mạnh hơn nhiều và bị còng tay sau lưng để ngăn họ lột chiếc mặt nạ đang áp chặt mặt nếu tỉnh lại và trở nên hoảng loạn.
“Những người trong cuộc biết rằng không có cách nào để một đứa trẻ chưa bao giờ lặn có thể vượt qua quãng đường đầy bùn, nước và nhiều chướng ngại như thế”, anh viết. “Hy vọng duy nhất là cho họ uống thuốc an thần, đeo mặt nạ chứa oxy với khóa silicon trên mặt và để các thợ lặn chuyên gia hang động đưa họ ra ngoài”.
Đặc nhiệm hải quân Thái Lan tham gia chiến dịch cứu hộ đội bóng mắc kẹt trong hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai. Ảnh: AFP |
Cậu bé đầu tiên được giải cứu là Note, 14 tuổi, được cho nuốt một viên thuốc an thần, sau đó tiêm ketamine ở mỗi chân. Cậu bé bị còng tay, quấn dây cáp quanh cổ tay và buộc chặt ở sau lưng. Sau khi vượt qua khoang ngập nước đầu tiên, cậu bé được kiểm tra sức khỏe trước khi tiếp tục cuộc hành trình.
“Hai mối nguy hiểm lớn nhất dưới nước là cậu bé tỉnh lại và hoảng loạn, hoặc mặt nạ bị hở”, Cochrane viết. “Việc ngăn mặt nạ bị bong ra là một mối quan tâm thường trực”.
Các thợ lặn còn lại cũng dùng kỹ thuật tương tự để đưa những cậu bé khác ra ngoài. Khi thành viên cuối cùng ra khỏi hang ngày 10/7, cả thế giới đã vỡ òa và chúc mừng.
Sau cuộc giải cứu nghẹt thở, hang Tham Luang được biến thành một “bảo tàng sống” để kỷ niệm sự kiện này.
Theo Vnexpress