Home Cộng Đồng Phía sau tội ác của thuyền trưởng Trung Quốc giết 4 người trên biển
Cộng Đồng

Phía sau tội ác của thuyền trưởng Trung Quốc giết 4 người trên biển

Vụ thuyền trưởng Trung Quốc bị kết tội ra lệnh sát hại 4 người đàn ông trên Ấn Độ Dương là lời cảnh báo về tình trạng tội phạm tràn lan trên biển.

Bốn người đàn ông bị xô xuống biển, họ không có áo phao cứu hộ, chỉ có cách bám vào những mảnh vỡ từ con tàu đắm của chính mình. Một vài tàu đánh cá lớn đi lại xung quanh, nhưng không có tàu nào tỏ ý muốn giúp đỡ.

Bất chợt, đâu đó vang lên tiếng hét bằng giọng Quan Thoại: “Bắn, bắn, bắn”.

Những viên đạn xuyên vào mặt nước xung quanh một người đàn ông đang vật lộn trong sóng biển. Người này trúng một viên đạn. Cơ thể nạn nhân không di chuyển, máu đỏ hòa vào màu xanh của đại dương.

Một người đàn ông khác giơ tay qua đầu, lòng bàn tay mở rộng, như thể đang cố gắng đầu hàng. Một viên đạn xuyên qua gáy, khiến người này gục mặt xuống ngay lập tức. Cơ thể người đàn ông trôi nổi, không còn sức sống.

Những tay súng với vũ khí bán tự động đã bắn ít nhất 40 viên đạn.

Có ít nhất 4 tàu hàng ở gần hiện trường khi các nạn nhân bị bắn, và vụ việc kéo dài hơn 10 phút giữa ban ngày. Những người có mặt trên các con tàu gần đó thậm chí còn cười lớn và tạo dáng chụp ảnh.

Đó là những gì xuất hiện trong đoạn video khủng khiếp ghi lại vụ sát hại 4 người đàn ông trên Ấn Độ Dương tháng 8/2012.

Thuyền trưởng đã bị kết tội

Đoạn video lan truyền tại những góc tăm tối nhất trên Internet trong nhiều tháng mà không bị phát hiện.

Nhà chức trách chỉ biết về vụ việc khi video xuất hiện trong một chiếc điện thoại bị bỏ quên trên taxi ở Fiji hai năm sau khi vụ giết người xảy ra. Người tìm thấy điện thoại đã đăng video lên YouTube vào năm 2014.

Không có luật nào yêu cầu các nhân chứng phải thông báo về vụ giết người. Và thực tế, không người nào có mặt tại hiện trường báo cảnh sát.

Đến 22/8/2020, nhà chức trách Đài Loan bắt giữ nghi phạm người Trung Quốc tên Wang Fengyu. Người này là thuyền trưởng trên con tàu Ping Shin 101 đăng ký tại Đài Loan. Wang bị cáo buộc đã ra lệnh nổ súng giết 4 người đàn ông trong đoạn video.

Tại tòa án, nghi phạm trong vụ việc nói những người bị bắn chết, được cho là cướp biển Somalia, đã tấn công các tàu cá hoạt động tại vùng biển nơi xảy ra vụ việc. Sau đó, tàu này bị một trong các tàu cá đâm chìm.

Mặc dù biết những người này không có cách nào để tự vệ khi đó, nghi phạm nói với giới chức rằng ông đã ra lệnh cho các vệ sĩ người Pakistan nổ súng để họ không thể chạy trốn và gọi thêm những tên cướp biển khác tới cướp tàu của ông, các công tố viên cho biết.

Các điều tra viên hy vọng Wang sẽ giúp tìm ra những tay súng còn lại.

Hai thuyền viên người Philippines trên tàu Ping Shin 101, ông Aldrin và ông Maximo, cho biết đã tận mắt chứng kiến vụ giết người năm 2012.

Maximo là thuyền viên người Philippines trên tàu Ping Shin 101. Ảnh: Washington Post.

Hai nhân chứng cho biết 4 nạn nhân trong đoạn video có vẻ không phải là cướp biển. “Họ không có súng, chỉ có đồ nghề đánh cá trên thuyền”.

Con tàu bị chìm có tên Chun I 628. Những người bị bắn chết trước đó đã cố thanh minh họ không phải là mối đe dọa. “Không phải Somalia. Không phải cướp biển”, các nhân chứng nhớ lại về lời thanh minh của 4 nạn nhân.

Ngày 29/1 vừa qua, Wang bị kết tội giết người và vi phạm Đạo luật Kiểm soát súng, đạn và dao, cơ quan công tố Đài Loan cho biết.

Tội ác trên biển

Có vô số vụ giết người tương tự những gì đã xảy ra trong đoạn video, các nhân chứng trên con tàu đã ghi lại vụ việc trên Ấn Độ Dương nói. Họ cho biết đã tận mắt nhìn thấy một vụ giết người khác chỉ một tuần trước khi vụ việc liên quan tới tàu Ping Shin 101 xảy ra.

Trygg Mat Tracking, một công ty an ninh tập trung vào tội phạm hàng hải, đã lần ra con tàu Ping Shin 101 bằng cách so sánh đoạn video với những hình ảnh trong cơ sở dữ liệu hàng hải.

Các thuyền viên trên con tàu được xác định thông qua Facebook và các mạng xã hội khác.

Qua phỏng vấn, một số thuyền viên nói họ đã chứng kiến vụ giết người được ghi lại trong đoạn video, từ đó lần ra thuyền trưởng và các chi tiết khác xảy ra trong vụ việc.

Tàu Ping Shin 101. Ảnh: Fish-I Africa.

Ban đầu, việc điều tra manh mối vụ việc gặp nhiều trở ngại. Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương – tổ chức quốc tế cấp phép đánh bắt cá tại khu vực nơi xảy ra vụ việc – và cơ quan đăng ký tàu biển Đài Loan từ chối cung cấp thông tin về các thủy thủ đoàn, thuyền trưởng tại hiện trường, cũng như các tuyến hải trình và cảng mà các tàu cập bến.

“Việc giám sát biển khơi gần như là bất khả thi, và đôi lúc người ta tự ý xử lý các vấn đề như vụ việc đã xảy ra”, ông Klaus Luhta, phó chủ tịch một nghiệp đoàn bảo vệ ngư dân của Mỹ, cho biết.

Ông Luhta cho biết những vụ giết người trên biển như vậy sẽ còn tiếp diễn và rất khó để kiểm soát nếu không cải thiện khả năng giám sát ngoài khơi. Các cơ quan quản lý tàu biển và công ty đánh cá cũng cần minh bạch hơn, đồng thời các chính phủ cần cương quyết buộc những kẻ phạm tội chịu trách nhiệm.

Truy tố tội phạm trên biển là điều vô cùng quan trọng bởi những gì xảy ra trên biển có tác động rộng lớn, nhà sử học hàng hải người Mỹ Claude Berube nói.

Theo ước tính, 90% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, đồng thời hải sản là nguồn protein chính cho đa phần người dân trên thế giới.

Vì vậy, những hành vi tội phạm như đổ dầu ra biển, đánh bắt cá bất hợp pháp, cưỡng bức lao động, hay giết người, nếu không bị trừng trị, sẽ khiến các chủ tàu sẵn sàng vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính.

“Công chúng nên quan ngại trước các loại tội phạm xảy ra trên biển bởi chúng không bắt đầu hay chấm dứt trên biển”, ông Berube nói, cho rằng người tiêu dùng sẽ đồng lõa với những hành vi tội phạm nếu thờ ơ trước tình trạng vô pháp trên biển.

Những vụ tội phạm chỉ có thể bị phát hiện nếu có người tố cáo với nhà chức trách, điều rất hiếm xảy ra trong các vụ việc trên biển.

Theo dữ liệu từ Quỹ The Stable Seas, những loại hình tội phạm phổ biến trên biển gồm cướp nhiên liệu, bắt cóc, buôn người, cướp biển, hay như vụ việc năm 2012 – giết người.

Các quốc gia ven biển hiếm khi chia sẻ dữ liệu về tình trạng tội phạm trên biển bởi lo ngại sẽ khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi và “chạy mất”. Trong khi đó, các công ty đăng ký tàu biển cũng không hào hứng tiết lộ thông tin bởi sẽ tạo ra một số nghĩa vụ pháp lý, điều không mang lại lợi ích gì cho những công ty này.

Ông Berube cho biết các thuyền trưởng rất ngại bị kéo vào những cuộc điều tra bởi sẽ cản trở công việc của họ. Trong khi đó, đa phần quốc gia ven biển thiếu lực lượng tuần tra bên ngoài phạm vi vùng biển của mình, bởi những hoạt động tuần tra như vậy tốn kém và không mang lại lợi ích rõ ràng.

“Một thập kỷ trước, chúng ta gặp vô số thách thức với tình trạng cướp biển Somalia. Các tàu thương mại khi đó phải tự lo cho chính họ, và bởi không được hỗ trợ, họ thuê các công ty an ninh tư nhân”, ông Berube cho biết.

Trở lại vụ việc của thuyền trưởng Wang, người đàn ông này nói ra lệnh nổ súng để tự vệ. Nhưng tòa án cho rằng viên thuyền trưởng đã ra lệnh cho các vệ sĩ người Pakistan trên tàu Ping Shin 101 bắn chết 4 người đàn ông dù họ không còn là mối đe dọa.

Tới nay, tòa án Đài Loan chưa có bước đi cụ thể nào để điều tra hay truy tố 2 tay súng Pakistan đã nổ súng theo lệnh của Wang.

Theo hồ sơ, tàu Ping Shin 101 thuộc sở hữu của một chủ doanh nghiệp ở Thượng Hải có tên Lee Chao Ping. Người này cũng sở hữu công ty đánh cá Ping Shin Fishery trụ sở ở Cao Hùng.

Tới nay, nhà chức trách vẫn chưa thể tìm ra Lee. Công ty Ping Shin Fishery cũng đã đóng cửa từ năm 2018, khoảng thời gian thuyền trưởng Wang bị bắt.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *