Home Cộng Đồng Nỗi ám ảnh toàn cầu mang tên… Huawei
Cộng Đồng

Nỗi ám ảnh toàn cầu mang tên… Huawei

Úc là đồng minh đầu tiên đã cảnh báo nước Mỹ về khả năng phá hoại của công nghệ 5G. Giờ đây, Mỹ đang ráo riết vận động chống lại tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei do lo ngại rằng sự thống trị của Bắc Kinh đối với 5G có thể được dùng vào mục đích gián điệp và phá hoại.

Cuộc chiến giả lập

Đầu năm 2018, tại một dãy nhà thấp tầng ở thủ đô Canberra, một nhóm hacker của Chính phủ đã tham gia một trò chơi chiến tranh phá hoại kỹ thuật số giả lập. Họ, những đặc vụ thuộc Tổng cục tín hiệu Úc, cơ quan nghe lén tuyệt mật của nước này, đã được giao một thử thách.

Với tất cả những công cụ tấn công mạng trong tay, họ có thể gây ra những thiệt hại gì nếu có khả năng truy cập các trang thiết bị được lắp đặt trong mạng 5G – công nghệ truyền thông di động thế hệ mới – của một quốc gia mục tiêu?

Và các chuyên gia đã đi đến kết luận: Tiềm năng bị tấn công của 5G lớn đến mức nếu phải hứng chịu các cuộc tấn công như vậy, Úc có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Theo những người biết rõ các cuộc thảo luận, sự hiểu biết về cách thức mà 5G có thể bị lợi dụng vì mục đích gián điệp và phá hoại cơ sở hạ tầng sẽ thay đổi mọi thứ đối với người dân Úc.

 

Gian hàng 5G của Huawei tại Triển lãm Công nghệ thông tin ở Bắc Kinh, tháng 9-2018.

Mike Burgess, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tín hiệu Úc trong một bài phát biểu tại viện nghiên cứu ở Sydney hồi tháng 3-2019 đã giải thích tại sao tính bảo mật của công nghệ thế hệ thứ 5 này, hay 5G, lại quan trọng đến vậy. Nó sẽ là một phần không thể thiếu đối với các hoạt động liên lạc ở trung tâm cơ sở hạ tầng trọng yếu của một đất nước – mọi thứ từ năng lượng điện, hệ thống cấp nước cho đến hệ thống cống.

Từ khởi đầu khiêm tốn vào những năm 1980 tại Thâm Quyến, Huawei đã phát triển thành một gã khổng lồ công nghệ, ăn sâu bám rễ trong các mạng truyền thông toàn cầu và sẵn sàng thống trị cơ sở hạ tầng 5G. Hiện tại hầu như không có lựa chọn toàn cầu nào thay thế được cho Huawei, khi mà họ sở hữu sức mạnh tài chính với doanh thu năm 2018 theo báo cáo của công ty này đã tăng gần 20% lên hơn 100 tỷ USD.

Washington được nhìn nhận là đã nắm thế chủ động trong chiến dịch toàn cầu chống lại Huawei, một công ty công nghệ khổng lồ mà trong 3 thập kỷ từ khi thành lập đến nay đã trở thành một trụ cột trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Tuy vậy, các cuộc phỏng vấn của Reuters với hơn 20 quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm của phương Tây cho thấy chính Úc mới là nước đi đầu trong việc thúc đẩy hành động về 5G.

Lo ngại tiềm tàng

Úc từ lâu đã có những nghi ngờ về Huawei trong các mạng lưới hiện tại, nhưng trò chơi chiến tranh 5G giả lập mới là bước ngoặt. Khoảng 6 tháng sau khi trò chơi mô phỏng này bắt đầu, Chính phủ Úcđã thực thi lệnh cấm Huawei có bất kỳ sự tham gia nào trong kế hoạch 5G của nước này.

Phát ngôn viên của Chính phủ Úc từ chối bình luận về trò chơi nói trên. Sau khi Úc chia sẻ những phát hiện của họ với các nhà lãnh đạo trong đó có Mỹ, nước này đã có những hành động để kiềm chế Huawei như đã làm.

Nếu Huawei có được chỗ đứng trong các mạng 5G toàn cầu, thì Washington lo ngại rằng điều đó sẽ đem lại cho Bắc Kinh cơ hội chưa từng có để tấn công các cơ sở hạ tầng trọng yếu và gây tổn hại tới hoạt động chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh then chốt. Các quan chức an ninh cấp cao của phương Tây cho rằng việc này có thể bao gồm các cuộc tấn công mạng vào hệ thống tiện ích công cộng, mạng lưới liên lạc và các trung tâm tài chính then chốt.

Trong bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào, các cuộc tấn công như vậy sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về bản chất của chiến tranh, gây thiệt hại kinh tế và phá vỡ cuộc sống dân sự ở nơi cách xa cuộc xung đột mà không cần đến bom đạn hay phong tỏa. Và trên thực tế, với việc thí điểm, Trung Quốc cũng đã từng được cho là đối tượng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh như trên. Trong văn kiện quốc phòng năm 2015 mang tên “Chiến lược quân sự Trung Quốc”, Bắc Kinh đã nói về việc Trung Quốc là nạn nhân của gián điệp mạng nhưng không xác định rõ đối tượng là ai.

Các văn kiện của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ bị rò gỉ trong vụ Edward Snowden cho thấy chính người Mỹ đã xâm nhập vào các mạng lưới của Huawei trước đó.

Tranh cãi

Tuy nhiên, việc ngăn chặn Huawei là một thách thức lớn đối với Washington và các đồng minh, đặc biệt là các nước thành viên trong nhóm chia sẻ thông tin tình báo “5 con mắt” bao gồm thêm Anh, Canada, Úc và New Zealand. Căng thẳng về vấn đề Huawei cũng đang phơi bày những chia rẽ trong nhóm này, vốn là nền tảng của cấu trúc an ninh phương Tây sau Thế chiến II.

Trong chuyến công du London vào ngày 8-5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc tới Anh, nước chưa loại trừ việc sử dụng Huawei trong các mạng 5G của mình.

Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters tại trụ sở công ty ở Thâm Quyến, Phó Chủ tịch Huawei Từ Trực Quân cho biết công ty không cho phép bất cứ chính phủ nào cài đặt trong các thiết bị của họ cái gọi là “cửa hậu” – tức là khả năng truy cập bất hợp pháp mà có thể cho phép tiến hành hoạt động gián điệp hay phá hoại – và sẽ không bao giờ làm như vậy! Ông này còn cho rằng 5G an toàn hơn các hệ thống trước đó.

 

Nhiều quốc gia châu Âu tuy không thoát khỏi ràng buộc, song bắt đầu tỏ thái độ với 5G của Huawei.

Còn Washington thì lập luận rằng để phá hoại hệ thống 5G không nhất thiết phải có những “cửa hậu” bí mật. Các hệ thống này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những bản cập nhật phần mềm do các nhà cung cấp thiết bị đưa ra – và Mỹ cho rằng quyền truy cập vào mạng 5G có thể được sử dụng để triển khai mã độc. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa công bố bằng chứng nào cụ thể về việc trang thiết bị của Huawei đã được sử dụng cho mục đích gián điệp cả.

Công nghệ 5G dự kiến sẽ dẫn tới một bước nhảy vọt về tốc độ và năng lực liên lạc. Tốc độ tải dữ liệu xuống có thể nhanh hơn 100 lần so với các mạng hiện tại. Nhưng 5G không chỉ liên quan tới việc truyền tải dữ liệu nhanh hơn. Sự nâng cấp này sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến theo cấp số nhân số lượng kết nối giữa hàng tỷ thiết bị, từ tủ lạnh thông minh đến xe không người lái, mà được cho là sẽ vận hành trên mạng 5G.

Trong bài phát biểu của mình hồi 3-2019, Tổng cục trưởng Burgess đã nói rằng sẽ không chỉ có nhiều người hơn với nhiều thiết bị hơn, mà sẽ là máy móc nói chuyện với máy móc, thiết bị nói chuyện với thiết bị – tất cả có được là nhờ 5G.

Và, cấu hình như vậy của các mạng 5G đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều lối vào để một thế lực hoặc nhóm thù địch tiến hành chiến tranh mạng chống lại cơ sở hạ tầng thiết yếu của một quốc gia hoặc cộng đồng. Các quan chức Mỹ cho rằng mối đe dọa đó được khuếch đại nếu bởi chính đối thủ đã cung cấp các trang thiết bị cho mạng lưới này.

Phương Tây thức tỉnh?

Từ giữa năm 2018, Úc đã tiếp tục thông tin đến các quốc gia khác những quan ngại của họ về 5G. Còn tại Washington, chính quyền bắt đầu áp đặt các biện pháp kiềm chế Huawei. Tháng 8-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một dự luật cấm các cơ quan liên bang và nhà thầu sử dụng trang thiết bị của Huawei và Tập đoàn ZTE, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc. Sau đó, Huawei đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Texas để phản đối lệnh cấm này.

Cuối tháng 8-2018, Úc đi xa hơn một bước nữa: Nước này cấm các công ty không đáp ứng các yêu cầu của họ về bảo mật, trong đó có Huawei, cung cấp bất kỳ thiết bị nào cho mạng 5G của họ, dù do chính phủ hay các công ty tư nhân điều hành. Trung Quốc cũng ngay lập tức phản ứng với quyết định này.

Đến tháng 11-2018, cơ quan tình báo New Zealand đã chặn yêu cầu đầu tiên ở nước này của một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông về việc sử dụng bộ thiết bị của Huawei cho mạng 5G, với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.

Giống như Úc và Mỹ, các quan chức an ninh Anh cũng có những quan ngại khả năng Huawei được sử dụng như một kênh tiến hành hoạt động gián điệp. Trong số 3 công ty toàn cầu chủ chốt khai thác viễn thông, Huawei được tiếng là cung cấp kịp thời các thiết bị giá rẻ. Hai công ty còn lại là Ericsson và Nokia.

Tuy nhiên, các quan chức Anh đang ngày càng thất vọng trước cái mà họ gọi là thất bại của Huawei trong việc sửa chữa các lỗi phần mềm trong thiết bị, nhất là những sự không nhất quán trong mã nguồn.

Phản pháo

Khi căng thẳng giữa phương Tây và Huawei gia tăng trong năm 2018, tình hình đột ngột đi theo chiều hướng cá nhân. Trong một thời gian, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã điều tra những mối liên hệ giữa Huawei và Iran, trong đó có sự dính líu của bà Mạnh Văn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei và là con gái của nhà sáng lập công ty.

Cuộc điều tra này diễn ra sau những bài viết của Reuters vào năm 2012 và 2013, tiết lộ những mối liên hệ giữa Huawei, bà Mạnh Văn Chu và một công ty khác được cho là đã tìm cách vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran… Trong tuyên bố của mình, Huawei cho biết bà Mạnh “vô tội trước những cáo buộc đối với bà và rằng những cáo buộc này “có động cơ chính trị”.

Bản thân Huawei đã nhiều lần phủ nhận việc công ty này thuộc sự kiểm soát của chính phủ, quân đội hay cơ quan tình báo. Trong một tuyên bố, Huawei đã khẳng định công ty chỉ thuộc quyền sở hữu của các nhân viên của họ.

 

Minh họa cho khả năng của 5G.

Mặc dù ban đầu tỏ ra kiềm chế trong các phản ứng công khai, nhưng giờ đây Huawei cũng đã tỏ ra gay gắt hơn. Cuối tháng 2-2019, Huawei đã đối đầu với Mỹ tại một cuộc họp thường niên lớn của các giám đốc điều hành trong ngành di động ở Barcelona.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã tham dự với ý định cảnh báo đại biểu của các chính phủ và ngành công nghiệp khác về Huawei. Nhưng công ty này đã đưa một êkíp các giám đốc điều hành cấp cao tới dự nhằm đem lại cho các khách hàng và đại biểu các chính phủ châu Âu sự bảo đảm trước những cáo buộc của Mỹ.

Châu Âu cũng đã phản pháo. Trong một phiên họp kín, các đại biểu cấp cao của các công ty khai thác viễn thông châu Âu đã hối thúc quan chức Mỹ đưa ra bằng chứng cụ thể cho thấy Huawei gây ra nguy cơ về an ninh? Quan chức này kể lại rằng một giám đốc điều hành đã đề nghị được xem “khẩu súng còn đang bốc khói” (warm gun – bằng chứng thực tế).

Và có một thực tế cho thấy nhiều nước châu Âu có các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, và các giám đốc điều hành trong ngành vẫn bị thu hút bởi các sản phẩm giá rẻ của Huawei là có thật. Không giống như Mỹ, vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của Huawei, châu Âu đã sử dụng rất nhiều thiết bị của công ty này trong các mạng lưới hiện tại của họ.

Dưới sức ép của Mỹ, tháng 3-2019, Đức – một trong những thị trường lớn nhất của Huawei ở châu Âu – cho biết họ sẽ không cấm công ty này tham gia mạng 5G của mình, nhưng sẽ thắt chặt các tiêu chí bảo mật đối với Huawei và tất cả các nhà cung cấp khác.

Mỹ cũng đã hối thúc Litva, một quốc gia Baltic là thành viên của NATO. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Reuters, Litva, vốn phụ thuộc vào sự hậu thuẫn về quân sự của Mỹ, lại không muốn cấm Huawei. Họ thích mức giá của Huawei và không muốn khiến Trung Quốc khó chịu.

Cuối cùng, trong một bài phát biểu tại London hồi tháng 3 vừa qua, cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho rằng Mỹ và các đồng minh đã tỏ ra cẩu thả khi không phát triển một nhà cung cấp 5G. Ông cho rằng khi nhìn lại, người ta không thể tin được rằng các quốc gia đi tiên phong về công nghệ không dây như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và về wifi như Úc lại rơi vào tình cảnh không có nước nào trong số họ có thể đưa ra cho các mạng viễn thông của chính mình một đơn vị đi đầu về 5G nào.

>>> Xem ngay: Không phải Mỹ, nước Úc mới là chính phủ tiên phong chống Huawei

Theo antg.cand.com.vn

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *