Home Cộng Đồng Nhật chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Nhất tiễn song điêu
Cộng Đồng

Nhật chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Nhất tiễn song điêu

Nhật Bản gần đây quyết định triển khai gói hỗ trợ trị giá 243,5 tỷ yen (gần 54 nghìn tỷ đồng) để giúp các doanh nghiệp của họ chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc về nước và sang các nước ASEAN. Các chuyên gia cho rằng đây là “nhất tiễn hạ song điêu”, bắn một mũi tên trúng hai đích.

Có 2 lý do trực tiếp khiến Nhật muốn giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp Nhật đang “đánh cược” quá mức vào nhà xưởng và doanh nghiệp Trung Quốc. COVID-19 làm nổi bật những rủi ro khi Trung Quốc trở thành điểm thất bại duy nhất trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu của Nhật Bản.

Một lý do khác, việc thay đổi địa điểm sản xuất những hàng hóa không thể thiếu của Nhật Bản còn là một khía cạnh quan trọng trong kế hoạch của ông Abe. Ông David Arase, giáo sư ngành chính trị quốc tế tại ĐH Johns Hopkins, cho rằng kế hoạch lần này là một mũi trên trúng hai đích. Nó vừa giúp Nhật tăng cường an ninh quốc gia vừa có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này, đồng thời thúc đẩy các kế hoạch tái phát triển vùng của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.

Nhật chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Nhất tiễn song điêu - 1

Trong một xưởng may của doanh nghiệp Nhật Bản ở Myanmar. ảnh: Kyodo

Đại dịch COVID-19 làm lộ ra sự mong manh tiềm ẩn của Trung Quốc và khiến Nhật Bản cũng như nhiều nước khác gia tăng nghi ngờ với cách quản trị của Bắc Kinh. Bất chấp những thông điệp chính thống được đưa ra, các chuyên gia tin rằng Trung Quốc vẫn có khả năng đón làn sóng dịch bệnh thứ hai. Vì thế, Trung Quốc phải mất ít nhất 1 năm nữa mới hồi phục.

Ngay cả khi áp dụng các biện pháp kích thích về tài chính và tiền tệ theo chu kỳ, sự hồi phục chậm chạp của thế giới sẽ khiến những vấn đề của Trung Quốc như nợ công và tư quá mức, tăng trưởng ì ạch, xuất khẩu giảm, vỡ nợ và phá sản cũng như tâm lý của xã hội sẽ tạo ra bất định và rủi ro. Trong khi đó, quan hệ Mỹ – Trung xấu đi khi Bắc Kinh ngày càng quyết liệt trong các vấn đề Hong Kong, Đài Loan, biển Hoa Đông và biển Đông.

Những điều này cho thấy diễn biến mới từ Trung Quốc sẽ càng gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đang phụ thuộc vào nước này. Dù ông Abe từng nói đến ý tưởng liên kết gần gũi hơn với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc và “cộng đồng vận mệnh chung” ở châu Á, trải nghiệm COVID-19 không chỉ dẫn đến việc phải hủy chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản mà còn khiến ông Abe không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tránh vòng tay của Trung Quốc.

Chuyên gia Arase nói với báo Japan Times rằng Trung Quốc có vẻ lo ngại bước đi của Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giới đầu tư nước ngoài nói chung. Lo ngại này phản ánh thực tế là Trung Quốc cần tiếp cận các nền kinh tế giàu có ở phương Tây để lấy lại tăng trưởng. Hơn nữa, những thứ mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật và các nước khác có vẻ là loại hàng hóa họ không tự làm được. Vì thế, Trung Quốc khó trả đũa Nhật vì sợ sẽ làm hỏng quan hệ tốt lên gần đây.

Hàm ý chiến lược

Có những hàm ý địa chính trị và địa kinh tế từ bước đi của Nhật Bản, nhưng mức độ sẽ phụ thuộc vào việc ông Abe có gắn kế hoạch này với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do hay không. Sáng kiến này cũng có ý tưởng giống như Vành đai Con đường của Trung Quốc vì đều tập trung vào phát triển hạ tầng và an ninh biển.

COVID-19 dạy Mỹ và Nhật Bản những bài học tương tự. Trung Quốc đã xuất sắc trong việc thu hút và phục vụ các chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ và Nhật Bản. Điều này khiến Trung Quốc trở thành mắt xích không thể thiếu trong những chuỗi giá trị đó. Nhưng COVID-19 cho thấy mắt xích Trung Quốc cũng là điểm thất bại duy nhất, có thể chặn nguồn cung những loại hàng hóa cả Mỹ và Nhật đều không thể thiếu. Cả hai nước giờ đều tin rằng cần phải tìm ra ngay phương thuốc.

Theo 24h

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *