Home Cộng Đồng Người đàn ông gốc Hoa bị bắn chết trong nhà hàng ở Canada
Cộng Đồng

Người đàn ông gốc Hoa bị bắn chết trong nhà hàng ở Canada

Jian Jun Zhu, người đàn ông gốc Hoa ở Vancouver liên quan tới nghi án rửa tiền khoảng 165 triệu USD mỗi năm, bị bắn hạ khi đang dùng bữa trong một nhà hàng tại Canada.

Khoảng 7h30 tối 18/9, các ô cửa sổ tại nhà hàng Manzo Itamae ở thành phố Vancouver bị 7 viên đạn xuyên thủng. Vụ nổ súng đã khiến Jian Jun Zhu, 44 tuổi, thiệt mạng và Paul King Jin, 50 tuổi, bị thương ở vùng mặt.

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy đường đạn đến từ hướng đông bắc, nhắm thẳng vào mục tiêu đang dùng bữa trong nhà hàng. Phía cảnh sát cho biết các nạn nhân là nghi phạm có liên quan đến đường dây rửa tiền từ Trung Quốc vào Canada.

Vụ tấn công có chủ đích

Giới chức Canada đang đẩy mạnh điều tra ngân hàng Silver International, thuộc sở hữu của Jian Jun Zhu, vì cáo buộc rửa 165 triệu USD tiền bẩn mỗi năm.

Trước đó vào năm 2018, Zhu đã bác bỏ một vụ kiện. Song chính quyền tỉnh bang British Columbia (BC), Canada, vẫn tái khởi kiện người đàn ông này và khách hàng tiềm năng Paul King Jin nhằm truy thu tiền mặt, bất động sản và chip sòng bạc trị giá hàng triệu USD.

Vụ nổ súng đã khiến Jian Jun Zhu, 44 tuổi, thiệt mạng và Paul King Jin, 50 tuổi, bị thương ở vùng mặt. Ảnh: Vancouver Sun.

Theo chuyên gia chống rửa tiền ở Toronto, bà Christine Duhaime, vụ nổ súng hôm 18/9 cho thấy ai đó “đang muốn cản trở cuộc điều tra”. Bà nhận định vụ việc làm thay đổi suy nghĩ cố hữu của nhiều người về nạn rửa tiền.

“Trước đây, ở Vancouver, người ta thường nói việc rửa tiền không gây hại và không khiến ai trở thành nạn nhân. Song hành vi này đang thu hút nhiều loại tội phạm khác”, bà Duhaime phân tích. “Chúng tôi bắt đầu nhìn thấy mặt bạo lực của tội phạm rửa tiền”.

Phát ngôn viên của Đội điều tra Án mạng Tổng hợp (IHIT), trung sĩ Frank Jang, xác nhận người thiệt mạng trong vụ nổ súng là Jian Jun Zhu song không tiết lộ danh tính của người bị thương.

Trong nhiều năm qua, thành phố Vancouver đã thu hút dòng tiền từ Trung Quốc. Ảnh: AP.

Trung sĩ Jang chỉ bình luận: “Người đàn ông này đã xuất viện và không muốn bị chú ý. Anh ấy rất sợ hãi cho bản thân và gia đình”. Ông Jang cũng khẳng định phía cảnh sát “biết rõ” cả hai người trúng đạn trong vụ việc.

Một nguồn thạo tin cho biết Paul King Jin chính là người ăn tối cùng Jian Jun Zhu trong khi tờ Vancouver Sun đưa tin Zhu và Jin đều là nạn nhân trong vụ nổ súng.

“Chúng tôi tin rằng đây là một vụ tấn công có chủ đích”, trung sĩ Jang tuyên bố dù không bình luận về các cáo buộc chống lại Jian Jun Zhu.

Đường dây rửa tiền

Năm 2018, vụ kiện chống lại Jian Jun Zhu đã bị hủy bỏ vì nhiều lý do không rõ ràng. Song nhiều bằng chứng và tài sản bị tịch thu đã chỉ rõ việc ngân hàng Silver International rửa tiền bẩn cho các băng đảng buôn ma túy.

Trước đó vào tháng 10/2015, cảnh sát đột kích văn phòng của Silver International và phát hiện hơn 1,5 triệu USD tiền mặt có kết quả dương tính với dư lượng lớn ma túy. Nhiều sổ cái bị tịch thu cũng cho thấy ngân hàng này thường rửa 165 triệu USD tiền bẩn mỗi năm.

Theo bản cáo trạng, khách hàng sẽ mang vali và túi đựng đầy tiền mặt đến văn phòng của Silver International tại một trung tâm thương mại. Các vị khách này bao gồm băng đảng ma túy khét tiếng “Yellow Triangle Boys” (tạm dịch: Những cậu bé Tam giác Vàng).

Cùng thời điểm này, một cuộc đột kích khác vào căn hộ riêng của Paul King Jin cũng tìm thấy gần 3,6 triệu USD tiền mặt và chip đánh bạc trị giá 33.700 USD. Khi ấy, Jin bị cấm cửa tại tất cả sòng bạc của British Columbia vì có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi.

Ô cửa sổ của nhà hàng Manzo Itamae tại thành phố Vancouver. Ảnh: South China Moning Post.

Trong một vụ kiện độc lập, các điều tra viên cáo buộc Paul King Jin “mang vali và túi chứa đầy tiền thu được từ hoạt động phi pháp” đến Silver International. Hồ sơ từ tòa án cũng cho biết Jin từng “có tiền án về tội hành hung, tấn công và lạm dụng tình dục”.

Mô hình Vancouver

Hồi tháng 5, nhà nghiên cứu tội phạm Stephen Schneider từng đề cập đến khái niệm nổi tiếng “Mô hình Vancouver”. Theo đó, việc rửa tiền bao gồm hai giai đoạn: đưa dòng tiền trái phép ra khỏi Trung Quốc rồi rửa số tiền này tại Canada và gửi về điểm ban đầu.

Cụ thể, người cần rửa tiền sẽ gửi số tiền mặt trái phép vào một ngân hàng Trung Quốc có cơ sở liên kết tại Canada. Sau đó, người này đến Canada và rút tiền, tiếp tục dùng tiền mua chip đánh bạc. Sau một vài phiên cờ bạc, số chip có thể chuyển lại thành tiền dưới hình thức viết chi phiếu.

Bằng cách liên kết và đáp ứng nhiều nhóm khách hàng, một ngân hàng có thể giao dịch tiền mặt xuyên quốc gia mà không sử dụng đến các hình thức chuyển tiền trực tiếp hay trực tuyến. Chuyên gia Schneider nhận định ngân hàng Silver International đóng vai trò quan trọng trong Mô hình Vancouver.

Bà Christine Duhaime nhận xét Mô hình Vancouver là sự kết hợp của nhiều chiến lược rửa tiền đa dạng, tạo thành “một bộ máy rửa tiền hoàn hảo”. Theo chuyên gia này, hoạt động rửa tiền tại Vancouver tinh vi đến mức nó trở thành một ngành dịch vụ độc lập.

“Các băng đảng tội phạm xuyên quốc gia đến từ châu Á, phần lớn từng hoạt động tại Vancouver, còn cung cấp dịch vụ rửa tiền. Điều này thật đáng kinh ngạc”, bà Duhaime nhận xét.

Trong nhiều năm qua, thành phố Vancouver đã thu hút dòng tiền từ Trung Quốc, trở thành điểm đến nhập cư của các đại gia và người thân nước này. Dù Mô hình Vancouver là tập hợp những hành vi bất hợp pháp, một vài chủ ngân hàng tại Canada từng chấp nhận các hoạt động tương tự dưới danh nghĩa kinh doanh thế chấp.

Chuyên gia Duhaime cho biết ngành bất động sản ở Canada từ lâu đã có thái độ “dễ dãi” với dòng tiền không minh bạch. “Nhìn chung, chúng tôi đã phát triển một nền văn hóa tạo điều kiện cho hoạt động phạm tội này. Giờ đây, chúng tôi đang cố gắng xoay chuyển tình thế”.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *