Ngành nông nghiệp và thực phẩm Úc đang phải chịu “rủi ro đáng kể” do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt khi căng thẳng chính trị giữa hai nước tăng lên.
Thịt bò được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 12/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, việc Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Úc đang làm dấy lên nhiều lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào đối tác thương mại lớn nhất này trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng giữa hai nước.
Tim Hunt, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh doanh nông sản và thực phẩm của ngân hàng nông nghiệp Rabobank, mới đây cho rằng ngành nông nghiệp và thực phẩm Úc đang phải chịu “rủi ro đáng kể” do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt trong môi trường hiện nay khi căng thẳng chính trị giữa hai nước tăng lên.
Rabobank cho biết, hơn 12,6 tỷ AUD (8,8 tỷ USD), tương đương 32% trong số gần 40 tỷ AUD (28 tỷ USD) tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thực phẩm và nông sản của Úc trong giai đoạn 2019-2020 là từ cường quốc số một châu Á này.
Tỷ lệ trên còn cao hơn nhiều trong một số ngành hàng cụ thể, với 77% mặt hàng len được xuất khẩu sang Trung Quốc, tương đương 2 tỷ AUD (1,4 tỷ USD), trong khi xuất khẩu rượu sang Trung Quốc đem lại 1,2 tỷ AUD (0,84 tỷ USD) chiếm 42% tổng doanh thu xuất khẩu rượu quốc tế của Australia.
Ngoài ra, trong năm tài chính vừa qua, Trung Quốc nhập khẩu 1/4 sản phẩm thịt bò và 30% thịt cừu xuất khẩu từ Úc.
Trước tình hình trên, theo ông Hunt, ngành nông nghiệp Úc sẽ phải giải bài toán làm thế nào để cân bằng giữa các cơ hội to lớn ở thị trường Trung Quốc và tăng cường đa dạng hóa thị trường.
Trong tuần này, Trung Quốc đã khởi động một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang xuất khẩu của Úc, cùng với lời đe dọa sẽ áp dụng mức thuế quan trừng phạt.
Ngày 19/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison ngay lập tức bác bỏ cáo buộc về việc rượu vang Úc bán phá giá ở Trung Quốc và cho rằng không có bất kỳ bằng chứng nào về việc này.
Động thái trên của Trung Quốc diễn ra sau khi nước này tăng thuế nhập khẩu đối với lúa mạch và ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 lò mổ lớn của Úc.
Mối quan hệ thương mại với Trung Quốc đã mang lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp của Úc trong 10 năm qua.
Ông Hunt cho hay Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – Úc, được ký kết vào tháng 12/2015 đã tạo ra sự khác biệt “to lớn” cho lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ giúp ngành này tăng trưởng về mặt số lượng mà còn bán được các sản phẩm cao cấp.
Trong khi đó, Giáo sư Warren Hogan từ Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS), người vừa hoàn thành một báo cáo cho ngành sản xuất thực phẩm và hàng tạp hóa của Úc, cho biết ít có khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng áp dụng chính sách bảo hộ đối với hàng thực phẩm xuất khẩu của Úc, do các ngành sản xuất của cường quốc châu Á này cũng rất cần nông sản xuất khẩu từ “xứ Chuột túi”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như Bộ Thương mại Úc vẫn đang tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa thị trường và nỗ lực làm sâu sắc hơn các mối quan hệ thương mại trong khu vực.
Gần đây, những người nông dân trồng lúa mạch Úc đã tìm đến các nhà sản xuất bia của Ấn Độ để thay thế nhu cầu của Trung Quốc. Vào tháng Năm vừa qua, Ấn Độ đã công nhận phương pháp xử lý cách ly đối với lúa mạch làm mạch nha, động thái sẽ giúp lúa mạch Úc “chen chân” vào ngành sản xuất bia của quốc gia Nam Á này.
Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham mới đây cho biết việc chính phủ liên bang theo đuổi các thỏa thuận thương mại và kinh tế với các nước khác, chẳng hạn như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ, “tất cả là nhằm mang lại cho các nhà xuất khẩu Úc sự lựa chọn tối đa”.
Cũng theo ông Hunt, sự phụ thuộc của ngành nông nghiệp và thực phẩm của Úc vào Trung Quốc có thể đã “đạt đỉnh”, một phần là do thuế chống bán phá giá của Bắc Kinh đối với lúa mạch Úc sẽ “điều hướng” xuất khẩu sang các nơi khác trong 12 tháng tới.
Ông Hunt nói rằng ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp Úc đã “đủ linh hoạt và năng lực để thích nghi với sự thay đổi về khách hàng trong nhiều thập kỷ qua” và bây giờ là lúc cần hướng sự quan tâm tới khu vực Đông Nam Á đang phát triển mạnh về kinh tế, dân cư đông đúc và cũng mang đến những cơ hội to lớn./.
Theo Vtimes
Leave a comment