Người Nhật có một từ dành cho cảm giác hối tiếc khi một thứ gì đó có giá trị bị lãng phí: Mottainai. Nó có thể được dịch là “đừng lãng phí bất cứ thứ gì đáng giá” hoặc “thật là lãng phí”. Mottainai cũng đồng thời trở thành đại diện cho nhận thức về môi trường của đảo quốc này.
Bắt nguồn từ triết lý của Phật giáo về tiết kiệm và lưu tâm đến hành động của bản thân, Mottainai trở thành một lối sống phổ biến trong thời kỳ khan hiếm sau chiến tranh và hiện được truyền lại từ ông bà cho con cháu.
Mottainai cũng liên quan đến tôn giáo bản địa Shintoism của Nhật Bản, trong đó thiên nhiên và thậm chí các vật thể nhân tạo đều có linh hồn của chúng. Điều này đồng nghĩa rằng mọi thứ đều có giá trị bẩm sinh và không nên bị coi thường.
Mottainai có thể được nhìn thấy từ cách Thánh nữ dọn nhà Marie Kondo cảm ơn đến từng chiếc quần, áo trước khi xếp chúng thành chồng để làm từ thiện. Nó cũng giải thích tại sao đất nước này dẫn đầu thế giới về 3R: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế.
Thuật ngữ này cũng được sử dụng bởi Wangari Maathai, người Kenya đoạt giải Nobel Hòa Bình và là người sáng lập phong trào Greenbelt để khuyến khích người châu Phi loại bỏ rác thải nhựa.
Kiểm soát rác thải
Hệ thống quản lý chất thải tinh vi của Nhật là một tấm gương để các quốc gia khác trên thế giới học tập. Mọi thứ từ polystyrene đến bao bì dược phẩm đều có thể được phân loại và tái chế. Đạo luật Tái chế Cơ bản có hiệu lực từ năm 2000 để thúc đẩy 3R và quản lý chất thải phù hợp. Theo đó, tháng 10 được chỉ định là Tháng Quảng bá 3R.
Các siêu thị Nhật hiện có máy hủy chai nhựa PET – tặng mã giảm giá để đổi lấy nhựa – giúp cắt giảm lượng khí thải được tạo ra khi thu gom. Nhựa PET sau đó được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ quần áo, thảm đến chai lọ.
Quốc gia Đông Á cũng có những ứng dụng với tính năng “từ điển” giúp người dân phân loại rác, cũng như để nhắc nhở họ loại rác nào sẽ được thu gom vào một ngày nhất định nào đó (Ở Nhật có quy định nghiêm ngặt về ngày đổ cho từng loại rác thải).
Nguyên nhân đứng sau động lực của Nhật Bản để giải quyết vấn đề lãng phí
Trong thời kỳ nền kinh tế bong bóng những năm 1980s và đầu những năm 1990s, sản xuất nhựa cũng phát triển nhanh chóng, kéo theo vấn đề rác thải của Nhật Bản. Từ năm 1993 đến năm 2000, số lượng chai nhựa được sản xuất tăng gấp 3 lần, lên tới hơn 360.000 tấn, theo Bộ Môi trường Nhật Bản.
Ngày nay, Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ về sản xuất bao bì nhựa lớn nhất thế giới tính theo đầu người, theo Chương trình Môi trường của LHQ. Tuy nhiên, trong một báo cáo năm ngoái, UNEP đã ghi nhận “nhờ một hệ thống quản lý chất thải rất hiệu quả và ý thức xã hội cao, Nhật Bản cho thấy sự rò rỉ tương đối hạn chế của nhựa sử dụng một lần vào môi trường.”
Trong số 9,4 triệu tấn chất thải nhựa do Nhật Bản sản xuất mỗi năm, chính phủ cho biết 25% được tái chế, 57% được đốt để thu hồi năng lượng và 18% còn lại được chuyển tới bãi rác hoặc bị đốt cháy.
Một vấn đề “nóng bỏng”
Diện tích của Nhật Bản rất hạn chế, do đó, có rất ít không gian cho các bãi chôn lấp. Điều này đồng nghĩa rằng rác thải không thể được tái chế thường bị đốt cháy. Tiêu chí thu gom khác nhau giữa các thành phố, thị trấn. Tại thành phố Nakano, các loại rác như chất thải thực phẩm, hộp bánh pizza, tã lót và ủng cao su không thấm nước được thu gom để đốt, tạo ra điện.
Tuy nhiên, đốt chất thải tạo ra các khí độc hại, bao gồm cả điôxin, được báo cáo là gây ô nhiễm đất và thậm chí là cả sữa mẹ. Vì vậy, trong vòng 2 thập kỷ qua, Nhật Bản đã nỗ lực cải tiến công nghệ để giảm lượng khí thải từ thiêu đốt để bảo vệ con người và môi trường. Theo chính phủ, từ năm 1997 đến 2003, khí thải điôxin đã giảm 98%.
Hướng tới không rác thải
Trước thềm Thế vận hội Tokyo 2020, khi mọi ánh nhìn đều đổ dồn về Nhật Bản, nỗ lực tăng cường môi trường xanh của họ vẫn tiếp tục diễn ra. Hiện có 26 thị trấn sinh thái được chứng nhận “hài hòa với môi trường”, theo Bộ Môi trường của Nhật Bản. Và một ngôi làng đã đưa mottainai lên một đẳng cấp khác bằng cách đặt mục tiêu 100% không chất thải vào năm 2020.
Ở Kamikatsu, Akira Sakano đã thành lập Học viện Không chất thải (Zero Waste Academy). Dù 80% chất thải của làng đang được xử lý tại các lò đốt và bãi rác, Sakano nói rằng các nhà sản xuất cần phải làm nhiều hơn để giúp họ đạt 100%:
“Các sản phẩm cần được thiết kế cho nền kinh tế tuần hoàn, nơi mọi thứ được tái sử dụng hoặc tái chế. Những hành động này thực sự cần phải được các doanh nghiệm và các nhà sản xuất để tâm tới, những người cần xem xét phải làm thế nào để xử lý sản phẩm một khi cuộc sống hữu ích của nó đã kết thúc.”.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Leave a comment