Home Cộng Đồng ‘Khủng bố tinh dịch’ ở Hàn Quốc
Cộng Đồng

‘Khủng bố tinh dịch’ ở Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, xuất tinh vào đồ đạc của phụ nữ không bị coi là tội phạm tình dục. Các nhà hoạt động xã hội, nữ quyền và nạn nhân đang không ngừng đấu tranh để thay đổi điều này.

Cà phê trộn nước bọt, thuốc nhuận tràng, thuốc kích dục và tinh dịch là thứ ghê rợn mà một thanh niên ở Hàn Quốc dùng để trả thù bạn học nữ, theo VICE.

Sự quấy rối không dừng lại ở đó. Trong hơn 10 tháng vào năm 2018, nam sinh đã thực hiện tổng cộng 54 hành vi quấy rối tình dục khác nhằm vào cô gái trẻ: đột nhập phòng khách sạn, lấy trộm đồ lót, bôi tinh dịch lên đồ trang điểm và bàn chải đánh răng…

Năm 2019, người đàn ông bị xét xử sau khi một người bạn cùng lớp phát hiện cuốn nhật ký của anh ta ghi chi tiết vụ việc và gửi cho cảnh sát. “Vụ án gồm những tội ác kỳ quái, ghê tởm, biến thái”, thẩm phán nói.

Các công tố viên cũng lưu ý rằng vụ việc đã làm tổn thương đến nạn nhân như thế nào, khiến cô ấy không thể tiếp tục cuộc sống bình thường.

Nhiều người chỉ trích hệ thống pháp luật Hàn Quốc không đủ nghiêm khắc với tội phạm tình dục. Ảnh: ISTOCK.

Tuy nhiên, trước sự bàng hoàng và phẫn nộ của dư luận, tòa án phán quyết đó không phải là tội phạm tình dục. Thay vào đó, thanh niên chỉ bị xét xử với các tội danh “trộm cắp, phá nhà, gây thương tích, làm hư hỏng tài sản” và bị kết án 3 năm tù.

Ở Hàn Quốc, trường hợp trên được xếp vào hành vi “khủng bố tinh dịch” – xu hướng đáng lo ngại mô tả hành động xuất tinh vào tài sản của phụ nữ.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động, lập pháp và nạn nhân đã không ngừng đấu tranh đòi thay đổi luật pháp để những hành vi này phải bị xếp vào dạng tội phạm tình dục thay vì vi phạm ít nghiêm trọng hơn như thiệt hại tài sản.

Nạn nhân bị chế nhạo

Luna Yoon, giám đốc điều hành thương mại 31 tuổi ở Seoul, nhớ lại vụ việc về một sinh viên đại học bị bắt gặp bôi tinh dịch lên giày thể thao của một bạn nữ cùng lớp.

“Một số người bạn gửi link bài báo và tôi thấy thật ghê tởm”, Yoon nói.

Tuy nhiên, cách công chúng phản ứng với tin tức này càng khiến cô giận dữ hơn. Nhiều người suy đoán về ngoại hình nạn nhân, trong khi số khác pha trò rằng nam sinh phải “khỏe mạnh” như thế nào.

“Có những người đưa ra bình luận dâm ô về nạn nhân. Tôi không thể tin rằng họ lại có thể chế nhạo nỗi đau và thương tổn người khác như vậy”.

Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn báo cáo về nạn “khủng bố tinh dịch”, hành vi không bị coi là phạm tội tình dục ở nước này. Ảnh: VICE.

Vì những gì đã chứng kiến trên mạng, Yoon trở nên do dự khi nói về trải nghiệm của chính mình vài năm trước.

Năm 2015, khi đang đi tàu cao tốc vào một buổi tối, Yoon đã bị theo dõi bởi một hành khách. Tại ga Seoul, điểm dừng cuối cùng, cô phát hiện chiếc túi của mình dính đầy chất lỏng màu trắng giống như tinh dịch.

“Dù đó là gì, nó thực sự khiến tôi kinh tởm”, Yoon nói. Cô đã ném chiếc túi đi ngay lập tức. “Nó giống như bị lạm dụng tình dục. Vì sợ chẳng ai tin mình nên lúc đó tôi không dám kể và cố gắng không nghĩ về nó”.

Theo nhóm nữ quyền Haeil ở Hàn Quốc, khủng bố tinh dịch là bạo lực nhắm vào phụ nữ.

“Tất cả những hành vi đồi bại này đều do nam tính độc hại, nhu cầu kiểm soát và suy nghĩ rằng phụ nữ không bình đẳng. Các nạn nhân bị nhắm mục tiêu ngay cả trong không gian công cộng, đơn giản vì họ là phụ nữ. Thật không may ở Hàn Quốc, hầu hết nạn nhân chọn cách im lặng vì họ sẽ là những người phải chịu đựng sự sỉ nhục và trừng phạt trên mạng một khi chọn công khai vụ việc”.

Cuộc chiến chống bạo lực tình dục

Không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc nhưng khủng bố tinh dịch trở nên nghiêm trọng ở xứ kim chi khi đất nước này đang chứng kiến phản ứng dữ dội chống lại nữ quyền, bình đẳng giới, phong trào #Metoo.

Camera ẩn, quay lén phụ nữ nơi công cộng, thậm chí nhà riêng cũng là một vấn đề gây nhức nhối.

Nhà báo Jean Lee, chuyên gia về Hàn Quốc tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho biết: “Hàn Quốc vẫn là một xã hội coi trọng nam giới hơn phụ nữ và từ lâu đã ủng hộ sự bất bình đẳng. Cuộc chiến văn hóa thời hiện đại đang diễn ra nhưng đàn ông xứ củ sâm gần như từ chối thay đổi”.

Một báo cáo gần đây của cảnh sát cho thấy 44 trường hợp liên quan đến khủng bố tinh dịch được nộp từ năm 2019 đến tháng 7/2021, với 37 trường hợp được gửi đến văn phòng công tố ở Hàn Quốc.

Phong trào #Metoo bị xem nhẹ, nữ quyền bị chỉ trích tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

The Women’s News, một công ty truyền thông ủng hộ nữ quyền, viết trong báo cáo: “Đó là tội phạm tình dục rõ ràng nhưng trừng phạt lại là một vấn đề khác. Những kẻ khủng bố tinh dịch sử dụng luật pháp như một lá chắn để khẳng định mình không phạm tội tình dục. Các tòa án chấp nhận điều này và chỉ phạt nhẹ”.

Shailey Hingorani, thuộc nhóm bình đẳng giới AWARE của Singapore, cho biết các nhà chức trách cần hiểu rộng hơn về tội phạm tình dục.

Bạo lực tình dục không chỉ là thể xác. Nó có thể là lời nói, hình ảnh và trong trường hợp khủng bố tinh dịch, liên quan đến các hành động thể chất bao gồm việc tiếp xúc không chỉ với cơ thể nạn nhân mà còn với đồ đạc của họ.

“Luật pháp Hàn Quốc cho rằng để một hành vi được công nhận là tội phạm tình dục, hành vi đó cần phải có sự tấn công hoặc đe dọa thể xác. Đó là một cách hiểu khá sơ đẳng và lỗi thời về bạo lực tình dục”, bà Hingorani nói.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *