Home Cộng Đồng Hồn cốt dân tộc không thể lu mờ trước những luận điệu xuyên tạc liên quan xung đột Nga – Ucraine
Cộng Đồng

Hồn cốt dân tộc không thể lu mờ trước những luận điệu xuyên tạc liên quan xung đột Nga – Ucraine

Xung đột quân sự Nga – Ukraine – một sự kiện làm rung chuyển toàn cầu trong thời gian qua được đánh giá sẽ tác động không nhỏ tới cấu trúc an ninh khu vực châu Âu, thậm chí cả cục diện chính trị thế giới. Mọi nỗ lực ngoại giao, đàm phán đối thoại được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay để có thể chấm dứt chiến sự, hạ nhiệt và tìm lối thoát cho cuộc khủng khoảng này. Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình, kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trên các diễn đàn Internet, mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra những luận điệu, bình luận, suy diễn, xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ngày 2/3, tại phiên họp khẩn cấp lần thứ XI, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine. Sau khi nghị quyết trên được thông qua và thông tin các nước thành viên LHQ thể hiện quan điểm, trên các trang mạng, diễn đàn, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân thù địch, chống đối liên tục đăng tải tin, bài có nội dung phê phán, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong quan điểm, cách nhìn nhận, ứng xử trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và Ukraine… từ đó hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam.

Ở phương diện khác, từ những ý kiến, lời bình của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam về tình hình chiến sự tại Ukraine trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các đối tượng đã “cắt xén”, “thêm thắt”, bịa đặt, làm sai lệch thông tin để quy kết cho phần lớn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ Nga, chính quyền Putin cũng như cuộc chiến tranh “xâm lược Ukraine”…
Dù trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay lập lờ, truyên truyền đen hay tuyên truyền xám thì các luận điệu này cũng đều nhuốm màu “lệch lạc”, “sai trái”, “thù địch”, nhằm công kích vào quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nói chung cũng như quan điểm và ứng xử đối với diễn biến tại chính trường Ukraine; hạ thấp vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng vốn đã được gây dựng bấy lâu của Đảng, Nhà nước cũng như dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế; tác động tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Nga, Ukraine và cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ cho ý đồ trước mắt và lâu dài.

Trong khi đó, trên một số trang báo nước ngoài xuất hiện các luận điệu mang tính chỉ trích, phê phán việc thông tin cuộc xung đột trên báo chí trong nước, từ đó tìm cách hướng lái nhằm cuốn người đọc theo chủ đích, ý đồ của họ. Thậm chí, một số bài viết còn đưa ra những luận điệu theo kiểu lập lờ đánh lận con đen, đưa ra những câu hỏi, nghi vấn mang tính quy chụp, bôi nhọ quan điểm, uy tín Việt Nam trong quan hệ đối ngoại. Nhiều bài viết bằng lối phân tích tỏ ra có trình độ, hiểu biết kiểu “chuyên gia” song thực chất nhận thức rất lệch lạc, lộ rõ ý đồ, động cơ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đối với vấn đề xung đột Nga – Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình. Ngày 1/3, phát biểu khi Đại hội đồng LHQ tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ XI thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã nhấn mạnh rằng: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm. Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”.
Đại sứ nêu rõ, trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.

Trên cơ sở đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”.

Ngày 3/3, tại họp báo thường kỳ, trả lời báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương LHQ và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Như vậy, xuyên suốt trong các tuyên bố, phát ngôn, quan điểm nhất quán của Việt Nam là kêu gọi chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào của Việt Nam đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine.

Đây rõ ràng là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, suy diễn. Chính sách đối ngoại của Việt Nam là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Về chính sách quốc phòng, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ: Việt Nam giữ vững nguyên tắc 4 không: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Như vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính hòa bình và tự vệ, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đối với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều là đối tác quan trọng. Do đó, Việt Nam kêu gọi Nga và Ukraine giảm căng thẳng, ngừng bắn, bảo đảm an ninh an toàn, nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm an ninh an toàn cho cộng đồng người nước ngoài đang sống tại Ukraine, trong đó có người Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định lập trường không thay đổi, đó là Việt Nam không đứng về bên này chống bên kia hay ngược lại mà luôn đứng về lẽ phải, về công lý, luật pháp quốc tế.

Từ những vấn đề trên, có thể khẳng định rằng, tinh thần hòa bình, hữu nghị, nhân văn, thận thiện, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa trong chính sách ngoại giao của Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với xung đột giữa Nga và Ukraine thời gian qua, góp phần đập tan những âm mưu, ý đồ, chiêu trò chống phá sự nghiệp cách mạng nước nhà./.

Theo 

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *