Do tình hình bệnh dịch nên lễ hội khỏa thân với quy mô lớn nhất phải thay đổi cơ cấu tổ chức cùng số người tham gia.
Saidaiji Eyo hay còn gọi là lễ hội khỏa thân diễn ra thường niên tại đền Saidaiji, Okayama, Nhật Bản, được coi là có quy mô lớn nhất với lượng người tham gia cả chục nghìn người mỗi năm, đã phải thay đổi cơ cấu tổ chức trong năm nay vì dịch bệnh Covid-19.
Mọi năm, lễ hội khỏa thân Saidaiji Eyo thu hút cả chục nghìn người tham dự
Một thành viên trong ban tổ chức cho biết: “Nếu như mọi năm chúng tôi có thể đón hơn 10.000 người tới dự thì năm nay là điều không thể khi dịch bệnh đang diễn ra”.
Thay vào đó, ban tổ chức cho biết, họ đã mời những người chiến thắng trong những lễ hội mùa trước tới dự. Dự kiến sẽ có khoảng 141 người tham gia. Sự kiện được truyền hình trực tiếp và vị trụ trì đền Saidaiji sẽ rút thăm cái tên bất kỳ để ấn định người chiến thắng.
Cũng do bị hạn chế lượng người tham dự, nên ban tổ chức sẽ lên kế hoạch chụp ảnh người tham dự trong chiếc khố fundoshi màu trắng với mục tiêu lập kỷ lục Guiness về số lượng ảnh đăng nhiều nhất trong một giờ.
Lễ hội Saidaiji Eyo tổ chức vào ngày thứ bảy thứ 3 của tháng 2 hàng năm. Những năm trước, lượng người tham gia lên tới hơn chục nghìn người.
Người tham gia mặc một loại khố trắng có tên fundoshi
Dù tên gọi khá nhạy cảm – lễ hội khỏa thân nhưng người tham dự không phải trút bỏ hoàn toàn trang phục. Họ mặc độc nhất trang phục truyền thống fundoshi – một loại khố màu trắng và đi bít tất.
Trước khi bước vào đền Saidaiji, tất cả bước tới đài phun nước lạnh để tẩy sạch cơ thể. Nhiệt độ ở Okayama vào thời điểm tháng 2 thậm chí ở mức đóng băng nhưng không ngăn nổi sức nóng của hàng nghìn người.
Không khí náo nhiệt bên trong đền
Suốt 500 năm trước, ngày hội thường diễn ra vào thời điểm nửa đêm. Kể từ năm 2010 trở lại đây, người ta tổ chức sớm hơn vào 10 giờ đêm để đảm bảo thời gian mọi người vẫn bắt kịp các phương tiện công cộng trở về nhà.
Hàng nghìn người tranh nhau chiếc gây may mắn
Đúng 10 giờ đêm, đèn trong điện thờ tắt ngấm cũng là lúc chiếc gậy may mắn Shingi được ném từ cửa sổ cao 4m vào đám đông. Tất cả cùng chiến đấu quyết liệt để giành lấy gây may mắn. Người Nhật tin rằng, bất cứ ai sở hữu cây gậy này sẽ gặp may mắn cả năm.
Sau đó, gậy may mắn sẽ được đặt trong hộp bằng gỗ với tên gọi Mansu, mang ý nghĩa hạnh phúc suốt 12 tháng kế tiếp.
Trước kia, các nhà sư trong đền sẽ thả bùa may mắn vào đám đông. Nhưng do tấm bùa quá mỏng và dễ rách nên họ đổi thành gậy gỗ may mắn. Ngoài nghi thức này, trong khuôn khổ mùa lễ hội còn tổ chức hoạt động thú vị, bao gồm cả tổ chức bắn pháo hoa.
Theo Báo Dân trí
Leave a comment