Các hãng dược phẩm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản liên tiếp công bố thông tin về những loại thuốc hứa hẹn tiềm năng điều trị giúp người mắc Covid-19 không bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Cuộc chạy đua tranh giành thị phần thuốc điều trị Covid-19 đang ngày càng tăng nhiệt, với những sản phẩm liên tiếp được ra mắt. Sau thuốc điều trị bằng kháng thể của AstraZeneca, hãng dược phẩm Merck công bố loại thuốc điều trị dạng viên uống, AP đưa tin.
Từ nay tới đầu năm 2022, sẽ có thêm ít nhất một sản phẩm khác dạng viên uống được công bố, đó là thuốc điều trị do tập đoàn dược phẩm Shionogi đến từ Nhật Bản phát triển.
AstraZeneca dẫn đầu cuộc đua kháng thể
Trong thông cáo báo chí hôm 11/10, hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết thử nghiệm giai đoạn cuối loại thuốc điều trị Covid-19 có tên ký hiệu AZD7442 giúp giảm mạnh nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
AZD7442 là thuốc phát triển dựa trên hỗn hợp hai loại kháng thể, được sử dụng bằng cách tiêm vào cơ của người bệnh. Thuốc giúp ngăn ngừa triệu chứng trên 77% người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đối với bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng trong vòng 7 ngày trở xuống nhưng chưa đến mức phải nhập viện, thuốc làm giảm 50% nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Kết quả này đạt được mục tiêu phát triển thuốc của hãng dược phẩm.
Thuốc AZD7442 chứa các kháng thể được phát triển nhân tạo, được thiết kế để có thể tồn tại trong cơ thể người sử dụng nhiều tháng, giúp cơ thể cô lập virus trong trường hợp nhiễm bệnh.
Theo Reuters, AZD7442 của AstraZeneca là phương pháp điều trị kháng thể đầu tiên cho thấy tiềm năng trên phương diện phòng ngừa cũng như chữa trị.
AZD7442 được phát triển nhắm tới những đối tượng không có phản ứng miễn dịch đủ mạnh sau khi tiêm. Ngoài ra, thuốc có thể dùng để tăng cường hệ miễn dịch đối với những người đã tiêm vaccine, AstraZeneca cho biết.
“Những kết quả tích cực này cho thấy một liều AZD7442 tiêm vào bắp tay có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch khủng khiếp hiện nay”, Hugh Montgomery, nhà khoa học chính phụ trách thử nghiệm AZD7442, nói.
Tuần trước, AstraZeneca đã nộp hồ sơ đề nghị các cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp với thuốc AZD7442. Đại diện AstraZeneca hôm 11/10 cho biết đang nộp dữ liệu xin cấp phép tới cơ quan quản lý thuốc ở nhiều nước khác.
Thuốc điều trị Covid-19 sử dụng hỗn hợp kháng thể cũng đang được nghiên cứu phát triển bởi nhiều hãng dược phẩm như Regeneron, Eli Lilly hay GlaxoSmithKline. Tuy nhiên, AstraZeneca hiện dẫn đầu cuộc đua.
Viên uống trị Covid-19 được săn đón
Các loại thuốc điều trị Covid-19 dưới dạng viên uống đặc biệt được chú ý, bởi tính thuận tiện của nó trong sử dụng, cũng như giá thành rẻ hơn so với thuốc tiêm điều trị bằng kháng thể.
Hãng dược phẩm Merck hôm 11/10 cho biết đã nộp hồ sơ đề nghị chính phủ Mỹ cấp phép sử dụng cho viên uống điều trị Covid-19 của hãng này có tên Molnupiravir, theo AP.
Molnupiravir là thuốc kháng virus đang được Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics phát triển. Loại thuốc này được kỳ vọng “thay đổi cục diện của đại dịch” dù vẫn trong quá trình thử nghiệm, chưa được cấp phép.
Molnupiravi, tên ký hiệu MK4482, vốn là thuốc phòng ngừa và điều trị virus cúm SARS-CoV, MERS vào đầu những năm 2000, theo Nature. Loại thuốc này từng được chứng minh chống lại nhiều virus sử dụng RNA để sao chép. Cơ chế hoạt động của SARS-CoV-2 cũng tương tự.
MK4482 có khả năng ức chế sự sao chép của virus, khiến chúng không thể nhân lên và đào thải nhanh, giúp người mắc sớm hồi phục.
Phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 775 F0 tham gia nghiên cứu cho thấy chỉ 7,3% người bệnh trong nhóm được dùng Molnupiravir đã nhập viện hoặc tử vong trong vòng 29 ngày sau chữa trị. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm dùng giả dược là 14,1%.
Merck cho biết Molnupiravir không làm thay đổi gene trong tế bào cơ thể người, đồng thời có hiệu quả cao chống lại các biến chủng Delta, Gamma và Alpha. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai được khuyến cáo không sử dụng thuốc.
Nếu Molnupiravir được cấp phép, bệnh nhân Covid-19 có thể sử dụng thuốc dạng viên uống này để điều trị tại nhà, nhằm giảm các triệu chứng và tăng tốc độ bình phục.
Chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng mua 1,7 triệu liệu trình điều trị bằng thuốc Molnupiravir nếu loại thuốc này được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) cấp phép. Giá mỗi liệu trình là 700 USD, rẻ hơn nhiều so với mức giá 2.000 USD cho mỗi liệu trình điều trị bằng kháng thể dạng tiêm.
Một sản phẩm viên uống khác cũng được trông đợi đang trong quá trình thử nghiệm do hãng dược phẩm Shionogi phát triển.
Thuốc của Shionogi ngăn chặn sự phát triển của virus bằng cách ức chế một loại enzyme có tên protease. Đây là loại enzyme thiết yếu mà virus sử dụng để tự sao chép trong tế bào con người, theo Japan Times.
Shionogi cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối sẽ có vào tháng 12. Sau đó, hãng này sẽ nhanh chóng nộp đơn xin cấp phép sử dụng ở Nhật Bản.
Ngay trong tháng này, Shionogi sẽ bắt đầu sản xuất thuốc ở quy mô lớn. Ông Isao Teshirogi, CEO của Shionogi, cho biết hãng kỳ vọng sản xuất khoảng một triệu liều thuốc trị Covid-19 từ nay tới đầu năm 2022. Trong năm tài khóa tiếp theo, Shionogi đặt mục tiêu sản xuất 6-7 triệu liều thuốc trị Covid-19.
Ngoài Merck và Shionogi, một số hãng dược phẩm như Pfizer của Mỹ hay Roche Holding AG của Thụy Sĩ cũng đang chạy đua phát triển thuốc điều trị Covid-19 dạng viên uống. Tuy nhiên, sản phẩm của hai hãng này chưa có lộ trình xin cấp phép cụ thể.
Theo Zing