Số liệu Covid-19 trong thời gian qua cho thấy người gốc Á tại Mỹ thuộc nhóm ít bị nhiễm và tử vong nhất.
Theo tờ South China Morning Post, số liệu cho thấy người gốc Á ít bị nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhất so với các nhóm khác tại Mỹ dù đây là nhóm người đối mặt với kỳ thị vì bị cho là nguồn lây lan virus.
Tính đến ngày 14.5, tỷ lệ người gốc Á tử vong vì Covid-19 tại bang New York là 122/100.000 bệnh nhân, so với con số 265 ở người gốc Phi, 259 ở người gốc Tây Ban Nha và 130 ở người da trắng.
Số liệu tại thành phố Los Angeles cũng cho thấy người gốc Á có tỷ lệ nhiễm và tử vong vì Covid-19 thấp nhất.
“Kiểu bài ngoại này chẳng bao giờ chính xác, mà chỉ mang tính rập khuôn”, theo giáo sư Merlin Chowkwanyun chuyên ngành xã hội học y học tại Đại học Columbia (Mỹ).
Nghiên cứu của Quỹ Gia đình Henry J. Kaiser dựa trên dữ liệu toàn quốc cho thấy các nhóm thiểu số ở Mỹ bị ảnh hưởng khác nhau bởi dịch bệnh, liên quan đến các vấn đề thu nhập thấp, dễ phơi nhiễm ở nơi làm việc và những tình trạng sức khỏe sẵn có. Tuy nhiên, người gốc Á có ít nguy cơ nhiễm các bệnh nặng hơn các nhóm khác, kể cả nhóm da trắng đa số.
Theo các chuyên gia, điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, dù số liệu mới ở bước đầu và còn nhiều điều chưa biết về đại dịch Covid-19.
Theo đó, việc hay biết về người khác nhiễm bệnh là tiền đề giúp mọi người thay đổi hành vi và những người gốc Á đã cảnh báo cho nhau qua các ứng dụng tán gẫu từ sớm. Từng trải qua dịch SARS vào năm 2003, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh của người gốc Á bắt đầu giãn cách xã hội ngay trước khi chính quyền bắt buộc.
Bên cạnh đó, người gốc Á còn đeo khẩu trang từ rất sớm dù bị một số người kỳ thị. “Người gốc Á đeo khẩu trang từ lâu trước khi đại dịch”, theo chuyên gia Scott Frank tại trường y khoa thuộc Đại học Case Western Reserve.
Trước tình hình kỳ thị, xúc phạm và cả các vụ hành hung gia tăng, nhiều người gốc Á tránh đến nơi đông người do lo sợ bị cô lập, do đó họ giảm nguy cơ mắc Covid-19.
Bà Cindy Song, một công chức về hưu ở Washington, chứng kiến đại dịch lan đến và được bạn bè đồng hương Trung Quốc cảnh báo trên mạng xã hội. Từ đầu tháng 3, bà đã hủy mọi kế hoạch đi lại và cuộc hẹn với bác sĩ, tránh đến nhà hàng, gặp người quen hay đến siêu thị.
Bà cũng đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với mọi người trong những lần hiếm hoi đi ra ngoài.
Các yếu tố kinh tế – xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến sự khác biệt trong tỷ lệ lây nhiễm Covid-19. Nhiều người gốc Á hay tập trung vào các nhà hàng đông đúc nhưng những nơi này đóng cửa sớm.
Trong khi đó, nhiều người gốc Tây Ban Nha và châu Phi làm nghề tài xế, công chức và nhân viên siêu thị nên có thể dễ phơi nhiễm Covid-19 hơn.
Theo Báo Thanh Niên
Leave a comment