Home Cộng Đồng Đằng sau vụ thi thể 3 thủy thủy Indonesia bị tàu Trung Quốc thả xuống biển?
Cộng Đồng

Đằng sau vụ thi thể 3 thủy thủy Indonesia bị tàu Trung Quốc thả xuống biển?

Chính phủ Indonesia hôm 10.5 lên án cách công ty Trung Quốc đối xử “như nô lệ” với công dân nước này trên các tàu cá, dẫn đến cái chết của ít nhất 3 người.

Theo SCMP, trả lời họp báo trực tuyến tại thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Retno Marsudi nói có 49 ngư dân Indonesia, độ tuổi từ 19-24, phải làm việc trung bình 18 giờ/ngày trên 4 tàu cá Trung Quốc.

Bà Marsudi nói một số ngư dân còn không được trả lương hoặc được trả lương không đúng như cam kết. Làm việc đến kiệt sức, điều kiện lao động tồi tệ khiến nhiều người bị ốm. 3 người như vậy đã tử vong ngay trên tàu cá và được các tàu Trung Quốc làm lễ thủy táng ngay ở Thái Bình Dương.

Tàu cá Trung Quốc thủy táng thuyền viên Indonesia.

“Chúng tôi lên án cách đối xử phi nhân tính với công dân Indonesia làm việc cho các công ty đánh bắt hải sản Trung Quốc”, bà Marsudi nói. “Theo thông tin chúng tôi thu thập được, các công ty này đã vi phạm nhân quyền”.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn bộ các ngư dân Indonesia còn lại trên 4 tàu cá Trung Quốc đã được hồi hương. Những người này trải qua quãng thời gian cách ly tại khách sạn ở thành phố Busan, Hàn Quốc. Các tàu cá Trung Quốc hiện đang neo tại đây sau 13 tháng ra khơi.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Indonesia là diễn biến mới nhất sau khi truyền thông Hàn Quốc đăng video quay cảnh các thuyền viên Trung Quốc làm lễ hải táng cho các ngư dân Indonesia bỏ mạng trên biển.

Nhiều ngư dân Indonesia nói những người ốm không được nhận sự trợ giúp y tế cần thiết. Họ chỉ nhận được khoản thu nhập dưới 300 USD cho cả năm ra khơi, không giống như những gì công ty Trung Quốc cam kết trong hợp đồng, theo một luật sư Indonesia đại diện cho 14 trong 49 ngư dân trở về quê hương.

Bà Marsudi nói chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến vụ việc và cam kết sẽ điều tra các công ty đánh bắt hải sản Trung Quốc bị phía Indonesia lên án.

“Chúng tôi sẽ đấu tranh để các công ty này phải đáp ứng quyền lợi của các ngư dân Indonesia”, bà Marsudi nói.

Theo Dân trí

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *