Home Cộng Đồng Đài Loan trở thành tâm điểm mới của căng thẳng Mỹ – Trung
Cộng Đồng

Đài Loan trở thành tâm điểm mới của căng thẳng Mỹ – Trung

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển từ trách nhiệm với đại dịch Covid-19 sang các mặt trận mới như Đài Loan và Hong Kong.

Trong khoảng vài giờ, không khí thù địch lan truyền từ Đài Bắc đến Bắc Kinh sang Internet, nơi tài khoản Twitter của truyền hình nhà nước Trung Quốc chế giễu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Tổng thống Trump sau đó đã công kích Trung Quốc vì gây ra “những cái chết hàng loạt trên toàn thế giới” bằng Covid-19 – một phần trong các thông điệp có thể trở thành điểm nhấn trong chiến dịch tái tranh cử 2020.

Chỉ trích phản ứng của Trung Quốc

Quan chức Nhà Trắng đã chọn cách tập trung vào phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với virus và điều mà TT Trump gọi là cách tiếp cận “lấy Trung Quốc làm trung tâm” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ngược lại, Trung Quốc cố gắng xây dựng hình ảnh công dân toàn cầu tốt bụng sẵn sàng hợp tác với Liên Hợp Quốc và các nước khác để đánh bại đại dịch.

Dai Loan tro thanh tam diem moi cua cang thang My - Trung hinh anh 1 trump_11_.jpg
Tổng thống Trump đã tăng cường giọng điệu chống Trung Quốc trong những tháng cuối cùng của chiến dịch tranh cử 2020. Ảnh: NYT.

Ông Trump có cơ sở cho một phần trong những chỉ trích của mình – đặc biệt là việc Trung Quốc buộc các bác sĩ phải im lặng và phủ nhận khả năng virus lây từ người sang người sau khi xuất hiện vào cuối năm ngoái tại Vũ Hán.

“Đại dịch đã một lần nữa cho thấy tầm quan trọng sống còn của việc độc lập về kinh tế và đưa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và các nước khác trở về”, ông Trump nói hôm 19/5, rút ra mối liên hệ giữa đại dịch – mà Trump gọi là “bệnh dịch” – và sự sụp đổ tự do của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Pompeo chủ trì một cuộc họp báo hôm 20/5 với một danh sách dài những lời lên án Trung Quốc, nói rằng việc tập trung vào đại dịch đang che khuất cái mà ông gọi là bức tranh lớn hơn về những rủi ro mà Trung Quốc mang đến cho Mỹ.

“Chúng ta đã đánh giá thấp mức độ đối nghịch giữa Bắc Kinh với các quốc gia khác”, ông nói với các phóng viên. “Cả thế giới đang bừng tỉnh trước thực tế đó”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhanh chóng đáp trả bằng những lý lẽ của riêng mình.

Hàng rào ngoại giao sụp đổ

Hôm 19/5, sau khi ông Trump đưa ra tối hậu thư 30 ngày cho WHO để thực hiện những cải cách không nêu rõ – Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mô tả bức thư của Trump là nỗ lực nhằm “đánh lừa công chúng, bôi nhọ những nỗ lực của Trung Quốc và đổ lỗi cho người khác”.

Đó là một dấu hiệu khác cho thấy những hàng rào ngoại giao trước đây đã sụp đổ nhanh như thế nào.

Tại Đài Loan – một trong những vấn đề nhạy cảm nhất giữa Washington và Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ – sự khởi đầu nhiệm kỳ thứ hai của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn hôm 20/5 trở thành tâm điểm mới của cuộc khẩu chiến.

Dai Loan tro thanh tam diem moi cua cang thang My - Trung hinh anh 2 tsai.JPG
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 hôm 20/5. Ảnh: Getty.

Trung Quốc đã đưa ra những cảnh báo giận dữ sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả ông Pompeo và Phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger, gửi lời chúc mừng bà Thái – một động thái hiếm thấy.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ và đã đe dọa sẽ chiếm đóng hòn đảo này bằng vũ lực, nếu cần thiết.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói thông điệp của ông Pompeo “gây nguy hiểm nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa hai nước và hai quân đội, làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Tuyên bố cũng cho hay Quân Giải phóng Nhân dân có “ý chí kiên định, hoàn toàn tự tin và đầy đủ năng lực để làm thất bại mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài và âm mưu giúp Đài Loan độc lập”.

Trong những tuần gần đây, quân đội Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu và một tàu sân bay đến eo biển Đài Loan và lực lượng Mỹ đã tích cực thực hiện các hoạt động bay và giám sát quy mô lớn ngoài khơi bờ biển phía nam Trung Quốc.

Trong tháng này, các nhà bình luận ở Trung Quốc đã tranh luận sôi nổi về sự cần thiết phải mở rộng kho vũ khí tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Trung Quốc sau khi Bộ Ngoại giao công bố một tài liệu nói về việc lắp đầu đạn hạt nhân năng suất thấp lên tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, bà Thái nói bà muốn chung sống hòa bình với Trung Quốc nhưng sẽ không chấp nhận đề nghị của Bắc Kinh về khuôn khổ đưa Đài Loan về cùng chung một nhà trong điều kiện bán tự trị.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng ‘một quốc gia, hai chế độ’ để hạ cấp Đài Loan và làm suy yếu nguyên trạng giữa hai bờ eo biển”, bà Thái, người đã chuyển sang nhiệm kỳ tiếp theo với tỷ lệ ủng hộ 75%, nói.

Đáp lại hành động của Mỹ, Hoàn Cầu Thời báo nói rằng “rõ ràng ông Pompeo đang làm điều đó để thách thức Bắc Kinh”.

Khi cuộc khẩu chiến nóng lên ở cả hai phía, ông Pompeo đã trở thành vật tế thần tốt nhất đối các quan chức Bắc Kinh và truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Ông đã bị gọi là “kẻ thù của nhân loại” và “kẻ siêu lây lan” một loại “virus chính trị”. Hầu hết chỉ trích tập trung vào việc chính quyền Trump đề cập đến một giả thiết không có căn cứ rằng virus corona có thể đã thoát ra một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Trung Quốc cũng công kích ông Pompeo bằng một đoạn phim hoạt hình được sản xuất bởi một đơn vị của truyền hình nhà nước Trung Quốc. Video có tiêu đề “Kiểm tra uy tín của Pompeo” đã xuất hiện trên Twitter của truyền hình nhà nước Trung Quốc, thách thức quan điểm của ông Pompeo về vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch.

Hai bên đã thay đổi

Vài giờ sau, ông Trump đã tweet rằng “một số kẻ điên ở Trung Quốc vừa đưa ra tuyên bố đổ lỗi cho tất cả mọi người mà không phải là Trung Quốc” về virus – động thái có thể liên quan đến đoạn video về ông Pompeo, nhưng tổng thống Mỹ không nói rõ.

“Xin hãy giải thích với lũ ngốc này rằng chính ‘sự bất tài của Trung Quốc’, không phải bất cứ thứ gì khác, đã gây ra hàng loạt cái chết trên thế giới như vậy!”, ông Trump tiếp tục.

Dai Loan tro thanh tam diem moi cua cang thang My - Trung hinh anh 3 pompeo.JPG
Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo trở thành tâm điểm tấn công của giới chức và truyền thông Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Hôm 17/5, ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, nói với ABC News rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc để virus corona “gieo mầm” trên khắp thế giới khi không ngăn hành khách nhiễm bệnh đi lại trong những tuần đầu của đại dịch.

Các cuộc tấn công leo thang ở cả hai bên phản ánh những thay đổi đáng kể.

Ông Trump vẫn thường đề cập đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như một “người bạn” và, ban đầu, đã nhiều lần ca ngợi phản ứng của Trung Quốc trước dịch bệnh.

Theo bà Sheena Greitens, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Missouri, căng thẳng leo thang là “cơn bão hoàn hảo” chứa đựng bên trong một vài yếu tố, bao gồm chiến dịch “cứng rắn với Trung Quốc” trước cuộc bầu cử và việc đại dịch toàn cầu phơi bày một số vấn đề về sự minh bạch trong chính phủ Trung Quốc.

“Dù thế nào đi nữa, bài học cho tương lai là chiến lược và an ninh quốc gia của Mỹ không nên phụ thuộc vào hay giả định rằng có sự minh bạch tại Trung Quốc”, bà nói, “bởi vì đó không phải là giả định có giá trị về mặt thực nghiệm để đưa ra, nếu xét đến bản chất và cấu trúc chính trị nội bộ Trung Quốc”.

Theo Zing

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *