Nam sinh viên Đại học Inha ở Incheon gây tội ác kinh hoàng khi cưỡng hiếp, làm chết nữ sinh nhưng cảnh sát từ chối tiết lộ danh tính thủ phạm, dù nhiều người dân yêu cầu.
Phía cảnh sát giải thích tội danh của nghi phạm không thuộc nhóm buộc phải công bố thông tin cá nhân.
Quyết định đưa ra trong tháng 7 này đã khơi lại cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ tại Hàn Quốc xoay quanh vấn đề công khai danh tính của nghi phạm. Câu hỏi được đặt ra: Liệu việc bảo vệ nhân quyền cho nghi phạm có quan trọng hơn việc tôn trọng quyền được biết của công chúng?
Nghi phạm là nam sinh che kín mặt, rời khỏi đồn cảnh sát ở Incheon vào 22/7. Ảnh: Yonhap.
Diện mạo và tên của nghi phạm từng được phép tiết lộ công khai cho đến ngày 7/12/2004, khi các nghi phạm của vụ án hiếp dâm tập thể Miryang bị bắt. Trong vụ án này, 44 nam sinh cấp ba ở Miryang, tỉnh Nam Gyeongsang, đã cưỡng hiếp ba nữ sinh cấp hai và hai nữ sinh cấp ba nhiều lần trong hơn một năm.
Phẫn nộ trước tội ác kinh hoàng này, một số người dân tự thu thập dữ liệu về nghi phạm, lập danh sách những kẻ có thể là thủ phạm kèm ảnh và thông tin cá nhân, tung lên mạng. Nhưng nhiều người bị nêu tên lại không liên quan tội ác.
Việc này dẫn đến nhu cầu bảo vệ danh tính của nghi phạm. Từ đây, cảnh sát bắt đầu che mặt nghi phạm bằng khẩu trang và mũ trước báo giới.
Đồng thời, một số vụ giết người hàng loạt trong những năm 2000 đã gia tăng áp lực từ công chúng với việc tiết lộ danh tính. Năm 2004, Yoo Young-chul bị bắt sau khi sát hại ít nhất 20 người. Hai năm sau, Jeong Nam-gyu, kẻ sát hại 13 nạn nhân, sa lưới. Thông tin cá nhân của cả hai không được tiết lộ.
Nỗi tức giận và lo lắng của công chúng tăng cao khi bạo lực tiếp diễn, cuối cùng bùng nổ khi Kang Ho-soon bị bắt vào 24/1/2009 do sát hại 10 phụ nữ.
Người dân biểu tình phản đối, cho rằng những kẻ sát nhân độc ác như vậy không đáng được bảo vệ nhân quyền. Cuối cùng, báo chí đã tiết lộ diện mạo của Kang Ho-soon. Tuy nhiên, những điều này đi ngược lại nguyên tắc giả định vô tội.
Theo nghiên cứu được công bố bởi Viện Khoa học Cảnh sát, việc công bố danh tính của nghi phạm liên quan chặt chẽ với cảm xúc của công chúng. Trung bình, nghi phạm thường bị tiết lộ thông tin cá nhân 4,96 ngày, sau khi sự việc xảy ra. Trong khoảng thời gian này có sự khác biệt đáng kể về số lượng bình luận trên các bài báo trực tuyến giữa trường hợp có thông tin nghi phạm và không có thông tin, thường là gấp đôi bình luận.
Tuy nhiên, không phải nghi phạm trong tất cả vụ án dư luận quan tâm đều được tiết lộ danh tính. Việc công bố tùy thuộc vào ý chí của Ủy ban cảnh sát, gồm ba quan chức nội bộ và bốn chuyên gia bên ngoài.
Tháng 5/2016, một người đàn ông bị bắt sau khi đâm chết phụ nữ trong phòng tắm công cộng gần ga Gangnam. Cảnh sát không tiết lộ thông tin cá nhân của anh ta vì cho rằng bị tâm thần phân liệt.
Hai năm sau, tháng 10/2018, Kim Seong-su, 29 tuổi, bị bắt sau khi đâm chết một người đàn ông tại quán cà phê Internet ở phía tây Seoul. Dù tội danh của Kim tương tự vụ giết người ở ga Gangnam năm 2016 và anh ta bị trầm cảm, nhưng diện mạo và thông tin của Kim lại được tiết lộ.
Theo luật Hàn Quốc, nghi phạm bị tiết lộ danh tính cần đáp ứng bốn tiêu chuẩn: phạm tội ác bạo lực với cách thức tàn nhẫn và gây thiệt hại về vật chất; phải có đầy đủ bằng chứng chứng minh nghi phạm phạm tội; việc tiết lộ chỉ được yêu cầu vì lợi ích cộng đồng; nghi phạm không phải trẻ vị thành niên.
Các chuyên gia cho rằng luật cần quy định rõ ràng hơn, xác định rõ phạm vi của “tội ác bạo lực với cách thức tàn nhẫn”.
Seung Jae-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Tội phạm học và Tư pháp Hàn Quốc, nói rằng thái độ không nhất quán của cảnh sát cũng được thể hiện trong vụ án tại Đại học Inha. Nghi phạm bị buộc tội hiếp dâm dẫn đến chết người, không phải giết người, nghĩa là không đủ điều kiện tiết lộ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, cảnh sát lại công bố danh tính
Theo Seung, để công bằng, các nghi phạm phải bị công khai danh tính, nếu đủ các tiêu chí. Nhưng việc này hiện nay chỉ cảnh sát được quyền quyết định.
Theo VnExpress.net
Leave a comment