Trung Quốc đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung dầu mỏ từ nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở rộng.
Cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào hai nhà máy dầu của Ả rập Xê út hôm 14/9 đã tạo ra cơn địa chấn đối với thị trường năng lượng toàn cầu và đẩy giá dầu leo thang.
Mặc dù các nhà chức trách Ả rập Xê út cam kết rằng việc sản xuất dầu mỏ sẽ sớm được khôi phục trở lại và giá dầu sẽ sụt giảm, song cuộc tấn công cũng cho thấy Trung Quốc dễ bị tổn thương như thế nào khi nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn.
Là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, sự phụ thuộc chặt chẽ của Trung Quốc vào các nước khác về dầu mỏ đã ảnh hưởng nhiều tới chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc này, tuy nhiên nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế ngày càng mở rộng và cuộc chiến thương mại với Mỹ đã đặt Bắc Kinh vào thế khó. Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu mỏ của Ả rập Xê út nhiều hơn so với những năm trước đây.
Các nguồn cung dầu mỏ
Trung Quốc có truyền thống mua dầu từ Nga, Iran, Ả rập Xê út và Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh buộc phải cắt giảm ít nhất 2 trong số các nguồn cung này.
Sản lượng dầu nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc đã giảm tới 76% trong nửa đầu năm 2019 do cuộc chiến thương mại leo thang. Trong khi đó, nhập khẩu dầu từ Iran cũng giảm đáng kể do các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các nước mua dầu thô của Iran.
Sự thiếu hụt về nguồn cung dầu mỏ của Trung Quốc đã được Ả rập Xê út bù đắp. Ả rập Xê út, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc trong những tháng gần đây, tăng thị phần nhập khẩu dầu từ Ả Rập Xê út của Trung Quốc từ 14% hồi năm 2018 lên 18% trong năm nay, đồng thời vượt mặt Nga lần đầu tiên trong hơn 5 năm.
Vụ tấn công nhằm vào hai nhà máy lọc dầu trọng yếu của ngành công nghiệp dầu mỏ Ả rập Xê út cuối tuần trước đã làm giảm một nửa sản lượng dầu mỏ của quốc gia Trung Đông. Điều này khiến Trung Quốc thực sự lo lắng.
“Chúng tôi rất quan ngại về tác động tiềm tàng của cuộc tấn công nhằm vào nguồn cung dầu thô toàn cầu cũng như sự ổn định về giá cả”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại cuộc họp báo hôm 17/9.
Nguồn dự trữ trong nước
Theo CNN, Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng của nước này.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là đảm bảo an ninh năng lượng. Làm thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tăng trưởng kinh tế xã hội luôn là vấn đề số 1 cho sự phát triển năng lượng của chúng ta”, Zhang Jianhua, giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, nhận định trong thông báo đăng trên trang web của chính phủ Trung Quốc hồi tháng 8.
Theo báo cáo do Hội Doanh nghiệp Xăng dầu Trung Quốc công bố đầu năm nay, trong năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu gần 70% nhu cầu dầu mỏ của nước này. Hiệp hội dự báo con số này sẽ tăng lên 72% vào năm 2019.
Khi nền kinh tế càng phát triển, Trung Quốc càng cần thêm nhiều dầu mỏ. Tuy nhiên, lượng dầu mỏ được sản xuất trong nước ngày càng ít đi và nỗ lực xây dựng các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược chưa đạt được mục tiêu như Trung Quốc kỳ vọng.
Năm ngoái, sản lượng dầu thô của Trung Quốc giảm 1,3% xuống 189 triệu tấn. Đây là năm thứ ba liên tiếp sản lượng dầu thô của Trung Quốc sụt giảm. Con số này chưa bằng 1/3 lượng tiêu thụ dầu thô hàng năm của Trung Quốc, ước tính khoảng 648 triệu tấn vào năm 2018.
“Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên vào năm 2019”, báo cáo của Hội Doanh nghiệp Xăng dầu Trung Quốc dự đoán.
Tại cuộc họp báo hôm 20/9, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc Zhang Jianhua cho biết Bắc Kinh đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ từ nước ngoài. Theo ông Zhang, chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ hoạt động khai thác để tăng sản lượng dầu nội địa của nước này.
Trung Quốc hiện chưa công bố số liệu về dự trữ dầu mỏ của nước này. Tuy nhiên, thống kê cho biết vào cuối năm 2017, Trung Quốc đã xây dựng 9 cơ sở dự trữ dầu mỏ trên cả nước với lượng dự trữ tổng hợp khoảng 37,7 triệu tấn. Tính theo lượng tiêu thụ năm 2018, con số này chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của Trung Quốc trong khoảng 3 tuần.
Năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng dự trữ dầu mỏ lên khoảng 85 triệu tấn vào năm 2020. Con số này gần bằng số lượng Mỹ dự trữ trong Kho dự trữ Xăng dầu Chiến lược của nước này.
Chính sách cân bằng năng lượng
Chính phủ Trung Quốc đang thử nghiệm nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo sự độc lập về năng lượng. Trung Quốc đặt mục tiêu tự chủ 80% năng lượng vào năm 2020.
Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Chiến lược An ninh Năng lượng mới, kêu gọi đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, thúc đẩy hợp tác với các nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn, tăng cường phát triển năng lượng thay thế, đồng thời khuyến khích đổi mới công nghệ như điện hạt nhân và xe điện.
Tuy nhiên, trong báo cáo công bố hồi tháng 6, Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, nhận định Trung Quốc khó có thể cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ vì ngành công nghiệp vận tải khổng lồ của nước này chiếm tới 70% nguồn tiêu thụ. Ông Lin cho rằng cách tốt nhất để Trung Quốc tăng cường an ninh năng lượng là đẩy mạnh phát triển phương tiện chạy bằng điện, đường cao tốc và hệ thống vận tải hiệu quả hơn.
Thành Đạt
Tổng hợp
Leave a comment