Đập Bạch Hạc Than là một trong những công trình quan trọng trong chiến lược phát triển của Trung Quốc nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng và giảm phát thải trong tương lai.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đạt được các mục tiêu cắt giảm carbon
Trung Quốc đã đưa vào vận hành toàn bộ dự án truyền tải điện Bạch Hạc Than-Chiết Giang, đưa điện năng từ vùng phía tây giàu tài nguyên của đất nước đến các khu vực tiêu thụ năng lượng ở phía đông.
Bạch Hạc Than (hay Baihetan) là cơ sở thủy điện lớn thứ 2 của Trung Quốc trên nhánh thượng nguồn của sông Dương Tử. Dự án này đã chính thức hoàn thành hôm 20/12 sau khi tổ máy phát điện cuối cùng được kết nối với lưới điện.
Đây cũng là nhà máy thủy điện lớn thứ hai thế giới về tổng công suất lắp đặt, chỉ đứng sau dự án đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.
Với tổng vốn đầu tư 60,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8,7 tỷ USD), hàng trăm nhà sản xuất thiết bị, doanh nghiệp xây dựng và lắp đặt và các tổ chức nghiên cứu khoa học đã tham gia vào các dự án truyền tải điện, qua đó kích thích đầu tư hiệu quả, thúc đẩy ngành năng lượng và các ngành sản xuất liên quan tại Trung Quốc.
Các dự án không chỉ mang lại lợi ích cho người dân ở miền đông Trung Quốc, mà còn thúc đẩy sự phục hồi đối với các hộ nông thôn dọc theo các đường dây tải điện ở miền tây Trung Quốc.
Châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ lâu đã phải chật vật với tình trạng nghèo đói trầm trọng do địa hình gồ ghề, môi trường tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đường sá và tiện nghi. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đã có hàng loạt dự án năng lượng sạch được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thúc đẩy kinh tế vùng núi phát triển.
Nhưng đến cuối năm 2021, trong tỉnh có 127 doanh nghiệp có giá trị sản lượng riêng lẻ hơn 100 triệu nhân dân tệ và 4 khu phát triển cấp tỉnh với tổng giá trị sản lượng là 74,3 tỷ nhân dân tệ.
“Với tư cách là giám đốc công trường, tôi rất vinh dự được tham gia trong quá trình biến nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than từ bản thiết kế thành hiện thực”, ông Wang, giám đốc bộ phận xây dựng nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than, nói với Global Times.
Các nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than đều được xây dựng dưới lòng đất. Hệ thống dẫn nước và cứu trợ lũ lụt cũng như mạng lưới giao thông xuyên núi. Tổng chiều dài của các đường hầm để phát điện và kiểm soát lũ là khoảng 217 km.
Đồng thời, địa tầng chính khu vực đập của trạm là đá bazan rời; bề mặt đá rất dễ bị biến dạng và bong tróc trong quá trình khai phá. Vào thời điểm đó, không có nghiên cứu có hệ thống nào về điều kiện của đập kể cả trong và ngoài nước, điều này đặt ra một thách thức lớn đối với việc thiết kế và xây dựng.
Để tìm ra kế hoạch xây dựng phù hợp nhất, ông Wang đã tổ chức các chuyến thăm các dự án đào đường hầm và đường sắt khác nhau trên khắp Trung Quốc, tìm kiếm các công nghệ có thể vay mượn và áp dụng, đồng thời thảo luận về kế hoạch xây dựng với các nhóm thiết kế để nắm vững các tính chất cơ học của đá bazan.
Cuối cùng họ đã thành công trong việc xây dựng đập vòm siêu cao loại 300 mét, cao thứ 3 thế giới trong điều kiện địa hình và địa chất phức tạp nhất thế giới.
Đối với Wang, một công trường lớn cũng là một chiến trường lớn. Việc xây dựng an toàn đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình thi công.
Dự án quan trọng
Với 16 tổ máy phát điện có công suất lắp đặt 1 gigawatt mỗi tổ máy, nhà máy Bạch Hạc Than có thể tạo ra 62.400 GWh điện mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của khoảng 75 triệu người, tiết kiệm 27 triệu tấn than và giúp giảm 49 triệu tấn khí thải CO2, một chuyên viên cho biết.
Nguồn năng lượng sạch được tạo ra ở Bạch Hạc Than sẽ được đưa từ tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam đến tỉnh Chiết Giang phía đông thông qua một đường dây truyền tải kéo dài 2.121 km.
Một dự án tương tự truyền tải điện từ Baihetan đến tỉnh Giang Tô ở phía đông đã được đưa vào sử dụng vào tháng 7.
Theo China Daily, các dự án này cũng sẽ giúp các khu vực phía đông đối phó với đỉnh điểm nhu cầu sử dụng điện vào mùa đông sắp tới và sẽ hỗ trợ các khu vực này đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và đảm bảo sinh kế của người dân.
Hoạt động của các dự án truyền tải điện quan trọng cũng có thể tối ưu hóa cấu trúc năng lượng của Trung Quốc và giúp nước này đạt được các mục tiêu phát thải – dừng mức phát thải CO2 cao nhất vào năm 2030 và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Ở miền đông Trung Quốc, các nhà máy nhiệt điện than được phân bổ dày đặc, điều này đã gây áp lực lên khả năng chịu tải sinh thái của khu vực. Các dự án truyền tải điện dự kiến sẽ mang lại những cải thiện đáng kể cho chất lượng môi trường của những khu vực này.