Home Cộng Đồng Cô gái Việt muốn rời Úc trở về với nguồn cội từ năm 11 tuổi
Cộng Đồng

Cô gái Việt muốn rời Úc trở về với nguồn cội từ năm 11 tuổi

Báo Alo Úc – “Khi chạm vào cây dừa cao vút trước nhà, cây mà ông nội trồng từ nhiều năm trước, bất giác tôi cảm thấy có mối liên kết rõ ràng với tổ tiên”, Thảo Nguyễn kể.

Sinh ra ở trại tị nạn tại Thái Lan, Thảo Nguyễn lớn lên ở Sydney, Australia. Sau 12 năm chọn con đường rời xa gia đình, trở về Việt Nam định cư, cô vẫn còn nguyên ký ức về thời điểm cô đưa ra quyết định làm thay đổi cuộc đời mình.

“Cảm giác có mối liên hệ với tổ tiên là điều mà tôi chưa từng có khi ở Australia”, Thảo kể lại với VnExpress, về lần đầu tiên cô về thăm quê ở Tây Ninh. Đó là năm 1991, khi Thảo mới 11 tuổi, cô cùng mẹ và hai anh em trai về Việt Nam thăm họ hàng kể từ khi họ tìm đường sang Australia.

Được gặp gỡ ông bà, cô chú và các cháu, Thảo vui mừng vì biết cảm giác có nhiều thế hệ ở cùng một nơi là như thế nào. Cô được đưa đi thăm khu mộ của gia đình và đi thăm cánh đồng lúa. Ở nhà của ông bà, cô được nghe nhiều câu chuyện từ thuở mình chưa chào đời, về đám cưới của bố mẹ và nơi anh cô sinh ra, trước khi rời Việt Nam. Đi trên phố, Thảo nhìn quanh thấy mọi người đều giống mình, trong lòng cô hân hoan vì mình không còn là người thiểu số mà là một phần của đa số.

“Ở Australia tôi cảm thấy mình như một người khách nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn khác, tôi thấy mình đã trở về nhà. Tôi tự nhủ rằng khi lớn lên tôi muốn sống ở Việt Nam”, Thảo nhớ lại.

Phải đợi đến tận 15 năm sau, năm 2006, Thảo mới có cơ hội thực hiện mong muốn của mình. Cô tìm được việc làm tại một công ty luật quốc tế có văn phòng đặt tại TP HCM. Thảo chào tạm biệt gia đình và bạn thân, trên tay cầm tấm vé một chiều và “biết rằng mình đang cố tìm đường về quê”.

Tuy nhiên cuộc sống ở TP HCM không hề dễ dàng. Nhờ sự giúp đỡ của người thân, cô tìm được một căn phòng ở Cư Xá Bưu điện tại Quận 3, một tòa nhà cũ kỹ. Do công việc bận rộn, Thảo thường xuyên phải về nhà muộn, có những đêm nước và điện đều bị cắt, cô phải đi xin nước của hàng xóm để tắm. Có những ngày cô phải uống bia thay nước vì các cửa hàng đóng sớm nên không kịp mua. Sau khi chiếc xe máy mới sắm bị mất, Thảo mua một chiếc khác và đem gửi ở bãi trông xe của siêu thị. Dù mang đến tiệm sửa nhưng chiếc xe vẫn không thể chạy bình thường và còn bị mất phụ tùng. Rồi có một đôi lần giúp đỡ người tàn tật và người nghèo trên phố, Thảo phát hiện mình bị lừa, vì họ coi đó là một cách kiếm tiền.

“Tôi đã nhiều lần phát khóc, cảm thấy rất cô đơn và nhớ gia đình ở Australia”, Thảo nói về những ngày nỗ lực thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam.

Mỗi lần thất vọng, cô lại chất vấn bản thân  “mình làm gì ở Việt Nam?”. Nhưng khi bình tâm, Thảo suy nghĩ nhiều về mong ước mạnh mẽ của mình từ thuở nhỏ là được sống ở quê hương và lại cố gắng vượt qua khó khăn mỗi ngày.

Thảo cùng bố mẹ và chú tại Australia năm cô 6 tuổi. Ảnh: NVCC.

Thảo cùng bố mẹ và chú tại Australia năm cô 6 tuổi. Ảnh: NVCC.

Ký ức khó phai của gia đình 

Cuối thập niên 1970, ba mẹ Thảo cùng một số người thân tìm đường rời khỏi Việt Nam và cô được sinh ra ở trại tị nạn. Vượt qua hành trình gian nan qua Campuchia, các thành viên trong gia đình cô cuối cùng đến Sydney, Australia chỉ với bộ quần áo mặc trên người, không có tiền, không có nhà ở và không biết tiếng Anh.

Họ may mắn được các tình nguyện viên tại tổ chức từ thiện Loreto giúp đỡ, cung cấp lương thực trong những ngày đầu. Để nuôi sống gia đình, ba mẹ Thảo chấp nhận làm công việc chân tay dù họ từng là dân trí thức. Ba cô làm việc trong nhà máy còn mẹ thì nhận may quần áo tại nhà. Thảo không quên được hình ảnh mẹ cặm cụi cả ngày lẫn đêm, có lúc ngủ gục bên máy khâu vì kiệt sức, để hoàn thành đơn hàng lên đến hàng nghìn chiếc.

Có thời điểm gia đình Thảo lâm vào cảnh khốn đốn vì làm ăn thua lỗ. Ba mẹ cô phải bán đi căn nhà đang có và chuyển đến sống nhờ ở nhà họ hàng. Một buổi đi học về, Thảo thấy mẹ đang quỳ trên sàn, nhìn khắp nơi dưới gầm ghế và gầm giường, tìm một hay hai đô la để mua bánh mì.

“Dù ở hoàn cảnh như thế, ba mẹ luôn dặn chúng tôi rằng cần phải giữ phẩm giá và lòng trung thực. Họ cũng động viên ba anh em tôi phải nỗ lực học tập để có chỗ đứng trong xã hội”, Thảo kể lại.

Từ khi còn nhỏ, cô đã hiểu cảm giác bị phân biệt đối xử mà ba mẹ mình trải qua. Đó là khi bà chủ nhà trách móc vì nhà cửa không gọn gàng, nói những lời khó nghe và Thảo phải dịch lại cho mẹ, cô cảm thấy cay đắng vì nghèo và không phải người da trắng. Lên trung học cơ sở, Thảo bị một số bạn học xô đẩy và trêu “hãy về nơi mày đến từ đó đi”, cô thấy mình không thuộc về Australia.

Trong gia đình, mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến Thảo. Bà dạy cô đọc và viết tiếng Việt, thường xuyên nấu các món ăn Việt Nam và duy trì các phong tục như đón Tết âm lịch, cúng Ông Công Ông Táo, các đám giỗ. Vào cuối tuần, gia đình cô lại quây quần bên nồi bún riêu của mẹ và nó trở thành món ăn yêu thích nhất của Thảo. Khi về sống ở Việt Nam, cô còn khám phá cả một thế giới ẩm thực bao la ở quê nhà, gợi cảm hứng để Thảo biết chế biến rất nhiều món như thịt kho, cá kho, canh chua, cà nâu nướng mỡ hành, canh bí đỏ, canh khoai.

Tình yêu Việt Nam của Thảo còn được bồi đắp thêm qua những cuộc gặp gỡ của gia đình và những người thuộc Hội đồng hương Tây Ninh ở Sydney. Hàng tuần họ gặp mặt ở một nơi, đàn ông thì uống bia, phụ nữ làm các món ăn, còn trẻ con thì chơi với nhau. Khi say họ hát vang những bài hát của Việt Nam.

“Những dịp đó giống như những cơn gió giúp cho tâm hồn của họ sống lại, quên đi cuộc sống gian khổ hàng ngày”, Thảo chia sẻ.

Nhờ sự khuyến khích của ba mẹ, Thảo đã giành được học bổng toàn phần của Đại học Sydney để theo học luật và kinh doanh. Năm 2004, cô là người gốc Việt đầu tiên được chọn làm đại diện thanh niên của Australia tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cô sống ở New York, Mỹ, ba tháng và làm việc tại phái đoàn Australia tại LHQ. Thảo từng có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ và thảo luận về nghị quyết đại diện cho Australia. Năm 2005, Thảo là đại diện phi chính phủ tại Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.

Những dự án tại Việt Nam 

Thời điểm này Thảo đang dồn tâm trí để xây dựng công ty của mình là Global Ready, hướng tới mục tiêu giúp nhiều người Việt Nam thành công trong môi trường toàn cầu. GR cung cấp dịch vụ đào tạo về Trí tuệ văn hóa (CQ), giúp mọi người có khả năng hội nhập tốt hơn ở các nền văn hóa khác nhau trong bối cảnh toàn cầu hóa. CQ là khái niệm khá mới so với IQ có từ hơn 100 năm nay và EQ (Trí tuệ cảm xúc) có từ 25 năm. Cô từng chứng kiến các dự án chung không thành công do khác biệt văn hóa giữa những người tham gia. Ông xã của cô, Tony Tran, một người cô gặp tại Việt Nam, cũng tích cực giúp sức để phát triển GR. Anh là một chuyên gia về nhân sự tại các công ty đa quốc gia.

Thảo cho biết CQ không chỉ là nền tảng giúp các cá nhân phát triển ở môi trường mới, mà còn hỗ trợ tích cực cho các dự án kinh doanh. “Các công ty Việt Nam muốn kinh doanh hiệu quả ở thị trường nước ngoài hoặc thuê được các nhân sự cao cấp ở nước khác, có thể hoàn toàn dựa vào CQ”, cô nói.

Người đàn ông Việt cưu mang cả dòng họ trên đất Úc

Thảo còn là đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng của Đối thoại lãnh đạo trẻ Việt Nam – Australia. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, giúp các lãnh đạo trẻ của hai nước tăng sức ảnh hưởng của họ thông qua các dự án chung. Các đại diện đã có nhiều cuộc gặp và làm việc với thủ tướng Australia và Việt Nam đầu năm nay. Dự kiến Đối thoại Lãnh đạo trẻ năm 2019 sẽ được tổ chức tại Việt Nam.

Cô cũng dành nhiều tâm huyết cho Loreto, tổ chức từ thiện của Australia, từng giúp đỡ gia đình cô khi mới đến Australia. “Chúng tôi đang cố gắng dần dần để xây dựng nhiều hơn các phòng máy tính, trường mầm non, nhà vệ sinh ở các khu dân nghèo ở Việt Nam”, Thảo cho biết.

Theo Vnexpress