Risch đăng báo tìm cha từ năm 2012, nhưng cách đây vài ngày nhà nội của cô mới đọc được, ngay lập tức họ tìm ngược lại cô.
Vài ngày sau khi đọc được bài viết “Cô gái Nga tìm cha Việt thất lạc 20 năm” đăng tháng 11/2012, anh Nguyễn Tiến Dũng đến tòa soạn VnExpress nhờ tìm lại cách liên hệ, vì tin chắc cô gái trong bài báo là con của anh trai mình.
“Gần đây qua một người bạn của anh trai, tôi mới biết anh còn có một con gái ở Nga và cô ấy thậm chí đã đăng báo tìm cha. Tôi đọc thì tin chắc cô gái tên Risch là cháu mình. Bởi bức hình của Risch và mẹ cô ấy trên báo, tôi từng nhìn thấy một lần tại nhà mình ngày nhỏ. Nó giấu trong một khe vali hẹp”, anh Dũng, 40 tuổi, sống ở Lò Đúc (Hà Nội), chia sẻ.
Ảnh Risch ngày nhỏ và mẹ (anh Dũng nhìn thấy ở nhà mình) và Risch hiện tại. Ảnh: NVCC. |
Ngay sau đó, anh Dũng liên hệ tòa soạn, đồng thời thông báo cho chị gái ở Ba Lan cùng tìm. Song song, anh nhờ đến các hội du học sinh hoặc người Việt sống tại Nga. “Tôi còn định liên hệ đến các trường mà Risch từng theo học, hoặc các nhà máy ở thành phố Orska để biết về mẹ Risch”, anh Dũng cho hay.
Nhiều người khác biết tin cũng phối hợp tìm, trong đó có anh Nguyễn Văn Lộc (giảng viên Trường kinh tế cao cấp Saint-Petersburg). Có kinh nghiệm kết nối thành công nhiều vụ, anh Lộc đăng thông tin về Risch vào các nhóm có tương tác mạnh, đồng thời xác định nên tìm cô trên Vkontakte – mạng xã hội người Nga dùng chính, sau vài tiếng đã tìm ra trang cá nhân của Risch.
Thành phố Orska (tỉnh Orenburg Oblast, đông nam Moskva) chiều muộn 11/4, Risch Podyacheva đang chuẩn bị tan sở thì bất ngờ nhận được tin nhắn từ anh Lộc, thông báo gia đình tại Việt Nam muốn tìm cô. “Đã bao lần tôi hình dung ra thời khắc này, vốn nghĩ mãi chỉ có trong tưởng tượng, không ngờ đã thành sự thật”, Risch, nhân viên một nhà in ở thành phố Orska, thuật lại.
Hơn 8h tối, cô gái 26 tuổi đã lập một Facebook mới tinh để tham gia vào cuộc trò chuyện với anh Dũng, chú mình. Nụ cười không thể che giấu trên môi cô trong buổi trò chuyện kéo dài chừng 3 tiếng.
Risch không biết tiếng Việt hay tiếng Anh, cuộc trò chuyện được anh Lộc trợ giúp. Hầu hết thông tin Risch muốn biết, hoặc anh Dũng cần hỏi đều được giải đáp, không có khúc mắc nào. Hai người còn trao đổi thêm một số bức ảnh, trong đó có bức hình của ông Nguyễn Thanh Phong (bố Risch) được cô giữ bao năm nay – mà anh Dũng xác nhận là anh trai mình.
Rất tiếc ông Phong đã qua đời vào tháng 2/2018, sau vài tháng ốm nặng. “Tôi rất muốn gặp bố nhưng khi được kết nối thì đã quá muộn. Bố tôi đã qua đời. Có lẽ tôi không có duyên được gặp ông”, cô nói.
Bức ảnh có hình ông Phong (khoanh đỏ) được Risch giữ nhiều năm và được mang ra làm bằng chứng để hai bên xác nhận thông tin. Người phụ nữ bên cạnh là người vợ chính thức. Ảnh: NVCC. |
Mẹ Risch quen cha cô khi đến kí túc xá của bạn chơi. Lúc hai người yêu nhau, bà không biết ông đã có gia đình. Đến khi mang bầu thì mối quan hệ của hai người trở nên xa cách. Vì kiên quyết giữ lại cái thai, bà bị gia đình hắt hủi, phải chuyển đến sống cùng ông bà của mình ở một nơi khác, nhưng vẫn trong thành phố Orska. Bà và ông Phong không còn liên lạc từ đó. Sau năm 1996, ông Phong về nước cũng không quay lại Nga lần nào nữa.
Risch không có ấn tượng nào về cha. Thời thơ ấu in đậm trong cô là hình ảnh người mẹ tần tảo. “Những năm trước đây, cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn. Nhất là khi các nhà máy, xí nghiệp bị phá sản và mẹ bị thất nghiệp. Chúng tôi đã lâm vào cảnh nghèo túng nhưng mẹ vẫn cho tôi đến trường để không thua kém bạn bè”, Risch nói.
Tuổi thơ từng rất buồn vì không có cha, song trong thâm tâm Risch chưa một lần trách móc. Năm 15 tuổi cô được mẹ kể về cha. “Năm Risch lên 4 tuổi thì ông Phong đến từ biệt tôi. Ông ấy nhận là người có lỗi trong tất cả mọi chuyện. Thậm chí, ông ấy đã khóc và nói yêu hai mẹ con tôi rất nhiều”, mẹ cô từng chia sẻ.
Từ đó đến nay 11 năm, gặp ai người Việt, cô đều nhờ tìm kiếm. Risch chỉ nghĩ đơn giản “muốn tìm cha, tìm lại cội nguồn của mình”. Rất nhiều lần cô quay lại khu chợ trước đây bố từng làm việc nhưng cũng không tìm ra được thông tin. “Có hai người lớn tuổi nói rằng biết bố tôi. Họ hứa khi về nước sẽ đi tìm, tuy nhiên bố đã chuyển đi nơi khác nên họ không tìm thấy”, Risch nói.
Năm 2012, Risch đã rất hy vọng khi nguyện vọng tìm cha của mình được báo chí Việt Nam đăng tải. Lúc đó cô sắp sinh con, rất muốn khoe tổ ấm bé nhỏ của mình với cha. Nhưng như bao lần trước, những thông tin gửi đi mà không có hồi đáp. Cô nản dần và tưởng như cả đời này không còn được biết gì về một nửa dòng máu trong mình nữa.
Risch bên chồng và con gái. Cô được đánh giá có nét giống với chú út của mình. Ảnh: NVCC. |
Vợ của ông Phong, bà Hoàng Thị Thanh Hải (53 tuổi) và hai con cũng mới biết về sự tồn tại của Risch vài ngày nay. Bà Hải từng sang Nga làm việc cùng chồng. Năm 1992, bà về nước, còn ông Phong 4 năm sau mới về. “Cho tới trước những ngày mất, anh Phong cũng không trăng trối lại một điều gì”, bà Hải nói.
Bà Hải hiện đã kết nối với mẹ của Risch, mong được một lần nói lời xin lỗi thay chồng mình. “Nhà có thêm người thêm vui. Lỗi của người lớn không nên để con trẻ phải chịu. Tôi mong anh em chúng từ giờ sẽ nhận nhau”, bà Hải nói thêm.
Về phần Risch, dù không gặp được cha nhưng được kết nối với các thành viên nhà nội, cô đã mãn nguyện. Cô hiện có cuộc sống bình yên cùng chồng người Uzbekistan, là một kỹ sư xây dựng và con gái 5 tuổi. Trong tổ ấm của cô còn có mẹ và 3 em. Cô mong muốn đến Việt Nam một lần nhưng vì điều kiện kinh tế nên ý định đó chưa thể thực hiện ngay. Thay vào đó, người cô mới được nối lại của Risch đang sinh sống tại Ba Lan dự định sớm sang thăm cháu.
Trong cuộc trò chuyện đầu tiên giữa cô gái Nga và nhà nội của mình, Risch hỏi: “Cháu có giống cha không?”. Anh Dũng trả lời: “Cháu có nét giống tôi hơn là bố”. Risch cười, bao năm qua cô chỉ biết mình hay được khen giống bố và bố cô rất đẹp trai…
Theo Vnexpress
Leave a comment