Nếu chứng minh được chồng bị “bất lực”, các bà vợ có xuất thân quý tộc sẽ được toà án giáo hội cho ly hôn.
Từ đầu thế kỷ 12 tới thế kỷ 18, vợ chồng tại Pháp không được phép ly hôn vì lý do tôn giáo, trừ một số ngoại lệ trong đó có việc người chồng bị “bất lực”. Giáo hội tin rằng mục đích hôn nhân để duy trì nòi giống, người chồng nếu không làm tròn nghĩa vụ sẽ bị coi là chống lại giáo hội. Từ đây, chế định “xét xử ly hôn bằng tình dục” ra đời, xuất hiện không chỉ tại Pháp mà còn ở Anh, Tây Ban Nha…
Thời đó, nếu có đủ khả năng chi trả phí luật sư đắt đỏ, người vợ có thể khởi kiện chồng trước tòa án giáo hội với lý do “không động phòng” và có quyền đòi ly hôn. Người chồng phải chứng minh khả năng duy trì nòi giống của mình trước tòa. Đỉnh điểm của xu hướng tố cáo chồng bất lực đòi ly hôn là vào thế kỷ 16.
Không có thống kê cụ thể, nhưng theo nhiều sử gia, các tòa án giáo hội trong thời gian này phải đối diện với “làn sóng” cáo buộc của vợ đối với chồng.
Để xác minh sự thật, đầu tiên người của tòa án khám nghiệm cơ thể của vợ chồng. Sự riêng tư chốn phòng the bị công khai. Những người có liên quan cũng có thể bị tra hỏi, như hầu gái hoặc đầy tớ.
Nếu giai đoạn khám nghiệm bên ngoài chưa thể giúp tòa án đưa ra quyết định, thẩm phán sẽ cân nhắc phương án “xét xử bằng tình dục”, tức là cho hai tiếng bên nhau để người chồng chứng minh khả năng tình dục.
Hầu hết bên liên quan thường xuất thân quý tộc nên dư luận thời đó rất quan tâm tới mỗi phiên tòa. Mọi diễn biến đều được đám đông theo dõi, thể hiện qua các hoạt động ăn theo như buôn chuyện, đánh cược, vẽ biếm họa, phổ nhạc tục tĩu…
Kết thúc xét xử, tòa án có ba lựa chọn. Thứ nhất, nếu không thấy có dấu hiệu cho thấy người chồng bị bất lực, các bên phải tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân. Thứ hai, cuộc hôn nhân sẽ được chấm dứt, một hoặc cả hai bên sẽ được tòa cho phép đi bước nữa, người chồng phải trả lại của hồi môn. Thứ ba, trong những trường hợp hiếm hoi, tòa sẽ tuyên hai bên trải qua giai đoạn thử thách ba năm để hàn gắn tình cảm. Trong mọi trường hợp, bên thua sẽ phải trả toàn bộ phí luật sư cho bên thắng.
Một trong những phiên xét xử bằng tình dục được ghi chép rộng rãi nhất là phiên xét xử hầu tước vùng Gesvres vào thế kỷ 18. Người vợ khởi kiện, tố cáo rằng trong ba năm kết hôn, hầu tước không đả động tới cô.
Sau khi kiểm tra, nhóm chuyên gia nhận định người chồng nhiều khả năng bị vô sinh. Tưởng chừng hầu tước sẽ thua kiện song người vợ đột ngột qua đời. Vụ việc theo đó cũng tự động chấm dứt.
Tại một phiên tòa khác vào thế kỷ 17, vợ chồng hầu tước vùng Langey có tên René de Cordouan được các chuyên gia kết luận sức khỏe tình dục ở mức hoàn hảo, nhưng người vợ vẫn xin ly hôn, quả quyết chồng không hứng thú với chuyện sinh con.
Dù nhiều khả năng thắng kiện, cáo buộc của vợ khiến René de Cordouan thấy bị xúc phạm. Để chứng minh, René de Cordouan đòi tòa cho phân xử bằng tình dục. Nhưng có lẽ do áp lực phải chứng minh trước bồi thẩm đoàn, René de Cordouan đã không thực hiện được “vai trò của người chồng”. Người vợ được tuyên thắng cuộc và được phép ly hôn.
Mất thể diện, René de Cordouan buộc phải rời khỏi Paris. Hầu tước này sau đó lấy vợ hai và sinh được bảy đứa con.
Theo sự phát triển của lịch sử, việc phân xử qua những phiên tòa dạng này được phát hiện ẩn chứa nhiều sai lầm khiến đàn ông gặp nhiều bất công. Chế định “xét xử bằng quan hệ tình dục” cũng từ đó dần được bãi bỏ.
Theo Vnexpress
Leave a comment