Tại Trung Quốc, tình trạng quấy rối tình dục đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khiếm thị, là hậu quả của chế độ phụ hệ, hành vi đổ lỗi cho nạn nhân và thái độ bảo thủ.
Khi Xiao Jia bị mất thị giác ở tuổi thiếu niên, cô được định hướng để trở thành một nhà trị liệu massage – một nghề nghiệp “đáng kính”. Về sau cô nhận ra đây là một ngành công nghiệp đầy rẫy sự lạm dụng và gây hấn, nơi phụ nữ ít được bảo vệ.
Người khiếm thị được khuyến khích làm việc trong các tiệm massage ở Trung Quốc vì người ta tin rằng họ rất nhạy cảm với xúc giác.
Nó cũng được coi là một lựa chọn thiết thực tại một quốc gia thường tách biệt những người khuyết tật với phần còn lại của xã hội từ khi còn nhỏ như Trung Quốc. Tại đây, có rất ít ngành nghề sẵn sàng tiếp nhận nhân viên khiếm thị.
Nhưng đối với nhiều phụ nữ mù, nghề này thực tế đầy rủi ro.
Tình trạng quấy rối tại Trung Quốc
Xiao cho biết cô thường bị sờ soạng bởi những khách hàng nam. Họ cũng có đòi hỏi về tình dục và cố gắng ép cô chạm vào họ theo cách không thích hợp.
“Lần nghiêm trọng nhất (một khách hàng) rất dữ dằn, anh ta đưa tôi vào một phòng riêng và đóng cả 2 cửa, rồi yêu cầu tôi xoa bóp một bộ phận của anh ta”, cô chia sẻ với AFP.
Người phụ nữ 28 tuổi cho biết thêm: “Anh ta nói nếu tôi không đồng ý thì sẽ đập phá cửa hàng. Lúc đó anh ta đang say và nói rằng đã dùng ma tuý. Tôi rất sợ”.
Xiao Jia bị mất thị lực từ khi còn là một thiếu nữ. Ảnh: AFP/ Greg Baker. |
Đã 14 năm kể từ khi Xiao mất thị lực do gen di truyền, và đây không phải là tương lai mà cô hình dung.
Các nhà hoạt động nhân quyền ước tính 40% phụ nữ đã phải đối mặt với quấy rối tình dục ở Trung Quốc – chế độ phụ hệ, hành vi đổ lỗi cho nạn nhân và thái độ bảo thủ đồng nghĩa với việc trình báo tội phạm tình dục và kết án họ gặp khó khăn.
Luật sư Li Ying cảnh báo rằng con số thực tế phụ nữ từng bị quấy rối tình dục có thể còn cao hơn nhiều.
Luật sư Li cũng cho biết rằng phụ nữ khiếm thị trong ngành massage thậm chí còn dễ trở thành đối tượng bị tấn công hơn.
Nhiều người trong nghề đã chia sẻ với các tổ chức từ thiện rằng họ phải chịu đựng hành vi lạm dụng thể xác hoặc tấn công tình dục. Nhưng những vụ việc như vậy hiếm khi được báo cáo với chính quyền, do đó không có tài liệu chính thức về mức độ quấy rối cao như thế nào.
Quấy rối liên tục
Li là luật sư đầu tiên khởi kiện theo luật quấy rối tình dục mới của Trung Quốc, và cô cũng đã thắng vụ kiện ấy.
Cho đến năm 2018, không có định nghĩa pháp lý nào về quấy rối tình dục và không có quy định về cách xử lý các trường hợp như vậy trong trường học và nơi làm việc.
Nhưng phụ nữ khiếm thị thường “dễ tổn thương hơn”, Li cảnh báo.
“Chúng tôi nhận thấy rằng trong ngành dịch vụ nói chung, mọi người dễ bị quấy rối tình dục hơn, và bản chất của việc massage khiếm thị càng khiến tỷ lệ này cao hơn”, cô cũng nói thêm.
Nhà trị liệu Ming Yue – biệt danh của nhân vật, người đã làm việc tại hơn 10 phòng khám khác nhau – nhớ lại việc từng bị khách hàng sờ mó và lạm dụng.
Sự việc đầu tiên xảy ra khi cô mới 18 tuổi và một khách hàng nam đã cố gắng chạm vào ngực và chân của cô trong quá trình massage.
Người phụ nữ 24 tuổi, bị nhiễm trùng mắt dẫn đến mù loà ở tuổi thiếu niên, giải thích: “Tôi không biết phải làm gì. Tôi chưa bao giờ trải qua điều này trước đây và cũng không ai từng dạy tôi cách để xử lý”.
Đối với Miaomiao – biệt danh của nhân vật, việc quấy rối tình dục bắt đầu từ khi cô còn là một thực tập sinh thiếu niên tại một tiệm massage.
Một số khách hàng cố tình không mặc đồ lót để “lừa” cô chạm vào bộ phận sinh dục của họ, trong khi những người khác chỉ đơn giản là cố gắng bắt cô làm vậy.
Nhưng chẳng ai trong số những người phụ nữ chia sẻ với AFP nộp đơn khiếu nại tới cảnh sát – hầu hết là vì sợ hãi.
“Tôi không kể với ai – nói với họ chẳng giải quyết được gì mà còn khiến mọi thứ tồi tệ hơn”, Miaomiao – người mất thị lực vào năm 8 tuổi do thoái hoá – giải thích.
Li cho rằng hội nhập và bảo vệ pháp lý là cần thiết cho sự thay đổi. Cô đồng thời đề xuất các nhà chức trách cam kết đối xử bình đẳng với người khiếm thị và cung cấp “nhiều nguồn lực hơn, thay vì cô lập họ”.
Thay đổi nhận thức
Một báo cáo năm 2018 của Liên Hợp Quốc về người khuyết tật cho thấy gần một nửa số người khuyết tật ở Trung Quốc đi học tại một trường được chỉ định – một con số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các quốc gia được khảo sát.
Parissara Liewkeat, thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Trung Quốc, cho biết khả năng cao là hầu hết mọi người chưa từng tiếp xúc với một người khuyết tật nào.
Điều này tạo ra sự “thiếu hiểu biết”. Các nhà hoạt động kêu gọi sự giáo dục tốt hơn cho người khuyết tật để giúp thay đổi nhận thức và mở rộng lựa chọn nghề nghiệp cho họ.
Zhou Haibin, người sở hữu tổ chức Easy Inclusion Consulting giúp cung cấp cơ hội thực tập và việc làm cho những người có nhu cầu khác nhau, cho biết: “Khi rời khỏi tiệm massage khiếm thị và làm những vị trí khác, họ thường chỉ tìm được những công việc với ít cơ hội thăng tiến và lương thấp”.
“Các nhà tuyển dụng nhận được rất ít sự hỗ trợ từ bên ngoài và không biết cách điều chỉnh để phù hợp với nhân viên khuyết tật”, Zhou bổ sung.
Xiao Jia tổ chức các lớp trang điểm và yoga cho phụ nữ có tổn thương về thị giác, đồng thời khuyến khích họ khám phá các lựa chọn khác với những nghề nghiệp đã định sẵn. Ảnh: AFP/ Greg Baker. |
Xiao Jia quyết định thành lập tiệm massage của riêng mình để kiểm soát tình hình, nhưng nó vẫn không dập tắt được sự lạm dụng từ khách hàng.
Hiện cô làm việc trong một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người khuyết tật – bao gồm cả những phụ nữ gặp khó khăn tương tự cô. Tổ chức có cung cấp đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, tài chính và nhân quyền.
“Chúng tôi dạy phụ nữ khuyết tật về bình đẳng đối với người khuyết tật và bình đẳng giới, để họ hiểu rằng khuyết tật không phải là lỗi hay khiếm khuyết của họ”, cô chia sẻ.
Xiao cũng tổ chức các lớp trang điểm và yoga cho phụ nữ có tổn thương về thị giác, đồng thời khuyến khích họ khám phá các lựa chọn khác với những nghề nghiệp đã định sẵn.
Cô giải thích: “Nếu thái độ của mọi người thay đổi, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho người khiếm thị – chúng tôi có thể trở thành giáo viên dạy trang điểm, giáo viên yoga, và thậm chí chúng tôi có thể làm rất nhiều công việc mà người ta khó tin là người khiếm thị có thể”.
Theo Zing
Leave a comment