Home Cộng Đồng Các siêu thị Úc hợp tác để đối phó cơn hoảng loạn mua sắm vì COVID-19
Cộng Đồng

Các siêu thị Úc hợp tác để đối phó cơn hoảng loạn mua sắm vì COVID-19

ACCC tạm thời cho phép các siêu thị hợp tác với nhau để bảo đảm người mua hàng có thể mua thực phẩm với giá hợp lý giữa đại dịch COVID-19, nhưng người mua hàng lo sợ giá cả sẽ vì vậy… tăng vọt.

Cơ quan giám sát cạnh tranh và tiêu dùng của Úc đã ‘tạm hoãn hiệu lực’ một quy tắc chính trong luật người tiêu dùng để giúp đối phó với hiện tượng mua sắm hoảng loạn trong đại dịch coronavirus.

Giải pháp cho hiện tượng mua sắm hoảng loạn?

Những tuần gần đây đã chứng kiến ​​các kệ hàng siêu thị trống rỗng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vì người tiêu dùng mua sắm tích trữ.

Thông thường các siêu thị và nhà cung cấp làm việc cùng nhau trên thị trường sẽ được gọi là thông đồng, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể trừng phạt hành vi này với các khoản tiền phạt khổng lồ.

Nhưng trong một biện pháp tạm thời, ACCC đã cho phép các siêu thị phối hợp với nhau “khi làm việc với các nhà sản xuất, nhà cung cấp và vận tải và hậu cần”.

Sự cho phép, được cấp vào chiều thứ Hai sau khi một lời yêu cầu từ nhiều phía vào thứ Sáu tuần trước, không cho phép các siêu thị đồng ý về giá bán lẻ cho các sản phẩm.

Sẽ áp dụng cho Coles, Woolworths, Aldi và Metcash, nhà điều hành các siêu thị IGA.

ACCC cho biết phán quyết tạm thời nhằm “bảo đảm nguồn cung và sự phân phối công bằng cho thực phẩm và các mặt hàng gia dụng khác cho người tiêu dùng Úc, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương hoặc sống ở vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa”.

Chủ tịch ACCC Rod Sims cho biết nhu cầu tăng đột biến là do hiện tượng mua sắm hoảng loạn.

“Các siêu thị của Úc đã trải qua nhu cầu mua sắm chưa từng có đối với các mặt hàng thiết yếu trong những tuần gần đây, cả tại cửa hàng và trực tuyến, dẫn đến tình trạng thiếu một số sản phẩm và gián đoạn dịch vụ giao hàng,” ông Sims cho biết.

Nhà đấu tranh cho quyền lợi người tiêu dùng Jonathan Brown cho rằng việc ACCC cho phép các siêu thị hợp tác sẽ tốt cho người tiêu dùng, miễn là chuyện này được giám sát chặt chẽ.

Túi tiền người tiêu dùng “thâm thủng” mùa COVID-19

Nhưng theo một số người tiêu dùng, chẳng hạn như bà Carly Sutton, cuộc khủng hoảng coronavirus không chỉ làm cổ phiếu sụt giá, mà còn dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao cho tất cả những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày.

Bà Sutton cho biết thường dành khoảng $70 đô la một tuần mua thực phẩm cho bản thân và bốn đứa con nhỏ, dựa vào việc mua một khay thịt lớn từ các cửa hàng bán sỉ như Costco để bỏ vào tủ đông xài dần, và giúp gia đình bà sống được cả tháng.

“Tôi có thể nói rằng một khay thịt thường là $80 đến $90 đô la, mà nay tôi nghĩ rằng nó có thể lên đến $130,” bà nói với ABC News, thêm rằng với sự tăng vọt giá cả như vậy, không cách nào bà có thể sống với ngân sách $70 đô la như trước.

Bà Sutton cũng cho biết các nhu yếu phẩm như tã trẻ em cũng đắt hơn, trong khi giá đã tăng gấp đôi đối với một số loại trái cây và rau quả như rau diếp và súp lơ.

Bên ngoài siêu thị, người tiêu dùng cũng đối mặt với giá cả tăng lên bất thường ở các tiệm thực phẩm tư nhân và các khu họp chợ.

Cô Han Loi, một cư dân hay đi chợ vùng Bankstown cho biết, ngày xưa nếu nấu một nồi phở cho cả gia đình, cô chỉ cần tốn khoảng $50 đô la tiền chợ. Nay đến $70 đô la vẫn chưa thấy đủ.

Ông An Hoang, một cư dân miền Tây Sydney khác thường đi chợ Cabramatta cho biết, cuối tuần rồi, giá cả đã tăng lên đáng kể, ông ví dụ một búp rau diếp xà lách nay có giá $7 đô la trong khi trước đó là $3, gừng mới đầu mùa thu đã có giá $60 đô la trong khi thông thường mùa này cao nhất $40 đô la, tôm luộc sẵn, thịt, rau củ… đều nhích giá lên.

Theo SBS

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *