Home Tin Nước Úc Kết hôn giả ở Úc – ‘Thế giới ngầm’ cay đắng và câu chuyện của người trong cuộc
Tin Nước Úc

Kết hôn giả ở Úc – ‘Thế giới ngầm’ cay đắng và câu chuyện của người trong cuộc

Mọi cuộc mua bán trong vấn đề này đều được ‘giao dịch’ trong bóng tối. Cách duy nhất để tiếp cận thị trường ‘đen’ là phải trở thành ‘người trong cuộc’, tức là một khách hàng.

Có những đôi vợ chồng người Úc gốc Việt ly dị nhau trên giấy tờ. Nhờ có quốc tịch Úc, ông chồng và bà vợ cùng nhận kết hôn giả để thu lợi từ 60.000 đến 80.000 USD/người. Những người làm nail như tôi không biết để dành cả đời có được số tiền đó không.

— Chị Nguyễn Thị Thu Hương —

Cay đắng kết hôn giả: Thế giới ngầm ở Úc - Ảnh 1.
Nhà báo Olivia Nguyen ngồi với người đàn ông tên N. môi giới kết hôn giả trong quán cà phê tại Melbourne – Ảnh: SBS

Cuối tháng 6, tôi đến Cabramatta, một khu vực ngoại ô cách trung tâm thành phố Sydney (Úc) khoảng 30km về phía tây. Ở đây, tôi gặp Nguyễn Thu Hương (32 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi), đã trở thành công dân Úc cách đây hơn 4 năm nhờ… kết hôn giả.

Đã sắp xếp hẹn từ trước, tôi gặp Hương ở một nhà hàng Việt tại Cabramatta. Không khó nhận ra đây là một khu người Việt vì có rất nhiều bảng hiệu bằng tiếng Việt và nhiều người dùng tiếng Việt trao đổi rôm rả với nhau. Hương đang làm nghề nail ở trung tâm Sydney.

Chuyện từ người trong cuộc

Hương đặt chân đến nước Úc theo diện du học sinh cách đây 8 năm và xác định ngay từ đầu là tìm cách trở thành công dân Úc để có cuộc sống ổn định và nhận được những phúc lợi của Chính phủ Úc, sau đó tìm cách bảo lãnh người thân ở Việt Nam sang.

Ở quê nhà, bạn trai cô vẫn đợi cô.

Thông qua sự giới thiệu của bạn bè ở Úc, Hương tìm được mối làm “chồng”, đó là một người Úc bản xứ với cái giá 60.000 đôla Úc (AUD). Hương nhờ các luật sư gốc Việt tư vấn hồ sơ nộp cho cơ quan di trú của Úc.

“Ở đây có luật bất thành văn là nếu anh nhờ luật sư tư vấn làm hồ sơ di dân theo diện kết hôn, tuyệt đối không được nói kết hôn giả vì luật sư lo ngại có thể bị lộ và bị điều tra” – cô nói.

Để chuẩn bị hồ sơ, Hương và “chồng” đã đi chụp ảnh cưới nhiều nơi, thuê hẳn một công ty dịch vụ tổ chức tiệc cưới chuyên nghiệp cùng khách mời dự đám cưới là người Việt và người Úc.

Hương cho biết theo quy định ở Úc, nộp hồ sơ di trú theo diện kết hôn không cần phải đi phỏng vấn trực tiếp, chỉ cần viết một bản tường trình thật đầy đủ, tức là một hồ sơ đẹp để qua mắt cơ quan di trú.

Chẳng hạn, trong bản tường trình, hai người sẽ nói rõ quen nhau khi nào, cầu hôn ra sao, mối quan hệ chung với bạn bè hai bên, thư từ qua lại, những hình ảnh hẹn hò, đồ đạc chung trong nhà, tài khoản ngân hàng chung, những giấy tờ, hóa đơn…

Nếu hồ sơ không đủ sức thuyết phục, lúc đó cơ quan di trú sẽ phỏng vấn qua điện thoại hoặc đến địa chỉ nhà mà cả hai đăng ký để kiểm tra đột xuất.

Hồ sơ của Hương được duyệt nhanh chóng. Cô lần lượt được cấp thẻ tạm trú, thường trú, và cách đây hơn 4 năm đã trở thành công dân Úc.

Cách đây hơn 2 năm, sau khi ly dị “chồng”, Hương đã về Việt Nam kết hôn với bạn trai lâu năm. Người bạn trai này cũng đã sang Úc đoàn tụ với cô theo diện kết hôn thật.

Cay đắng kết hôn giả: Thế giới ngầm ở Úc - Ảnh 3.

Khu người Việt ở Cabramatta, Sydney trong bức ảnh chụp ngày 22-6- 2019 – Ảnh: QUỲNH TRUNG

“Giao dịch” trong bóng tối

Cách đây 2 năm, trong vai một sinh viên Việt Nam có thị thực sắp hết hạn, nhà báo người Việt Olivia Nguyen của Đài SBS (Úc) đã gặp người chuyên môi giới kết hôn giả để tường tận hơn những ngóc ngách của “thế giới ngầm”.

Mọi cuộc mua bán trong vấn đề này đều được “giao dịch” trong bóng tối. Cách duy nhất để tiếp cận thị trường “đen” là phải trở thành “người trong cuộc”, tức là một khách hàng.

Sau khi tìm kiếm rất nhiều thông tin ở một group nói tiếng Việt trên Facebook, cô Olivia Nguyen đã chọn cách này.

Cô đóng vai một sinh viên đang học tại thành phố Melbourne, tự xưng là Anna, chuẩn bị xong khóa học trong tháng 7-2017 nhưng vẫn muốn ở lại Úc thêm sau đó để có được cuộc sống tốt hơn.

Với vỏ bọc đáng tin cậy, cô được một cô gái người Việt cho thông tin liên lạc của một người đàn ông Campuchia tên N. với lời nhắn ông này biết rất rõ cách để giúp cô ở lại Úc.

N. là một người Úc gốc Campuchia, và chỉ sau 20 phút trò chuyện qua điện thoại, nhà báo Olivia Nguyen nhận ra ông là một chuyên gia mối lái và đã từng kết nối nhiều cặp đôi trước đó.

N. đưa ra mức giá 100.000 đôla Úc nhưng cô nhà báo muốn trả rẻ hơn với giá 60.000 đôla.

“Thế thì khó. Thực sự khó” – người đàn ông tỏ vẻ dè dặt.

Thấy N. chần chừ, cô Olivia Nguyen cố gắng thuyết phục: “Thị thực sinh viên của tôi sẽ hết hạn tháng 7 tới, những người môi giới khác không thể tìm ngay cho tôi một người chồng. Nếu ông có thể làm việc này nhanh chóng, giúp tôi kết hôn đầu năm tới để có visa, khi ấy tôi sẽ cố gắng có tiền”.

Nghe vậy, N. tỏ ra hài lòng và trấn an cô là ông có hẳn một danh sách “những anh chàng tuyệt vời” để cô chọn lựa và sẽ dễ dàng nhận được thẻ tạm trú theo diện kết hôn trước tháng 7 năm sau.

Cuộc điện thoại của họ kết thúc với một cuộc hẹn mặt đối mặt tại quán cà phê ở Sunshine, Melbourne để bàn bạc chi tiết hơn.

Người đàn ông khoảng 40 tuổi xuất hiện tại quán cà phê trong trang phục áo đồng phục của nhân viên một hãng sản xuất xe hơi lớn, có phần đáng tin cậy.

“100.000 AUD là giá thị trường – ông N. lạnh lùng đáp – Nhưng tôi có thể bớt cho cô một ít nếu cô giới thiệu dịch vụ của tôi với bạn mình”.

Khi nữ nhà báo bày tỏ lo ngại việc giao tiền mặt không có hóa đơn hay bằng chứng nào sẽ rủi ro, ông N. thuyết phục cô rằng cô yên tâm chờ đợi. N. cũng nói cô có thể thảo bản hợp đồng ở dạng cho vay, nhưng sẽ phải thỏa thuận với người chồng giả kia.

Tất cả những điều này khiến nhà báo Olivia Nguyen nhận ra mọi khâu dàn xếp hôn nhân giả để lấy visa này không hề có sự chứng thực của pháp luật và một rủi ro rất lớn là phía đối tác có thể ôm tiền bỏ chạy.

Xét duyệt gắt gao hơn

Gần đây, đặc biệt là sau phóng sự về đường dây kết hôn giả do Đài SBS thực hiện năm 2017, các cơ quan chức năng Úc đã siết chặt quy định di trú và cẩn trọng hơn trong việc xét duyệt hồ sơ để tránh trường hợp kết hôn giả nhằm trục lợi những chính sách an sinh xã hội rất tốt của nước này.

“Bây giờ họ kéo dài thời gian xét duyệt hồ sơ. Ví dụ như họ thường ngâm hồ sơ di trú theo diện kết hôn đến 1 năm, 2 năm. Trong thời gian đó, nếu những cặp đôi này không có con, họ có thể đặt nghi vấn kết hôn giả và kiểm tra” – Hương chia sẻ.

Úc trừng phạt tội kết hôn giả thế nào?

Theo trang Visa Solutions, nếu nhà chức trách phát hiện một cuộc hôn nhân là giả, cả chồng và vợ đều đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng. Người nhập cư sẽ bị trục xuất về nước và bị tịch thu visa.

Họ cũng bị liệt vào danh sách “đen” và không còn cơ hội trở lại Úc sau đó. Họ cũng có thể đối mặt với các hình phạt và khoản tiền phạt hình sự lên tới 300.000 AUD cùng một thời hạn tù nhất định.

Nhân viên cơ quan di trú có thể tiến hành kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào và có một loạt biện pháp khác nhau để phát hiện hôn nhân giả.

Vào bất cứ giai đoạn nào họ cũng có thể yêu cầu nộp bổ sung giấy tờ và tiến hành thẩm vấn sâu hai vợ chồng. Họ cũng có thể tới nhà, nói chuyện với bạn bè hay người chủ nơi làm việc của cặp vợ chồng đó.

>>> Xem ngay: Kết hôn giả là gì? Được và mất khi làm kết hôn giả ở Úc

Theo Báo Tuổi trẻ

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...