Home Tâm Sự - Chia Sẻ Thành phố của những dòng sông – Nước Úc xa và gần
Tâm Sự - Chia Sẻ

Thành phố của những dòng sông – Nước Úc xa và gần

Đất đai nước Úc mênh mông, nhưng không phải vùng nào cũng sống được, bởi có những nơi hạn hán quanh năm. Ngược lại, có những chỗ thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước dồi dào, có đủ sông suối, ao hồ. Đó là những nơi con người đổ dồn đến sinh sống, tạo ra những đô thị sầm uất. Một trong những vị trí như vậy chính là thủ phủ tiểu bang NSW: Sydney, thành phố đông dân nhất của Úc

 

Sông Nepean và Hawkesbury
Sông Nepean và Hawkesbury

 

Có lẽ chẳng thành phố nào của Úc lại có nhiều sông như Sydney. Sông Paramata là sông lớn nhất, chia Sydney thành hai nửa Nam thành phố và North Sydney. Dòng Paramata không dài nhưng khoảng cách hai bờ rộng, màu xanh bạt ngàn, hùng vĩ ăn ra biển bởi Darling Harbour. Nếu bạn làm một chuyến phà từ Vịnh Harbour, ngược dòng sông, về một trung tâm CBD thứ nhì của đại Sydney, gọi tên là thành phố Parramata, mất 2 giờ đồng hồ. Trong thời gian này, bạn sẽ được ngắm toàn cảnh hai bên bờ, bờ Nam và bờ Bắc, với nhiều khu nhà ở, nghỉ dưỡng đều có kiến trúc hướng về phía sông. Người dân vùng sông nước sinh hoạt cũng khác, họ có thuyền bè để đi lại như trên cạn và sống hòa mình với thiên nhiên. Thỉnh thoảng, một năm một lần hoặc 2-3 năm một lần, các vị khách đặc biệt là những chú cá voi trắng cũng ghé vào vùng cửa sông liền với biển này.

Xa trung tâm là 2 con sông Nepean và Hawkesbury nối tiếp nhau vẽ ra một vành đai hình bán nguyệt với bán kính khoảng 60-70km, lấy điểm giữa là trung tâm thành phố. Sông Nepean bắt nguồn từ vùng núi và hồ Nepean, phía Nam Sydney và gần thành phố vệ tinh Wollongong, chạy đến dẻo Agnes Banks, thì đổi tên thành Hawkesbury. Dòng Hawkesbury chạy vòng lên bờ Bắc của Sydney và đổ ra vịnh Broken.

Sông Lane Cove khá dài, uốn khúc chạy vòng vèo qua vùng địa hình không bằng phẳng của Bắc Sydney. Ngoài ra nửa trên của Sydney còn có một số con kênh, khơi nước về khu du lịch Centre Coast, vùng cực Bắc. Nửa Nam Sydney thì có 2 con sông George và Cooks cùng đổ ra vịnh Botany, chỗ gần sân bay, nhưng điểm xuất phát khác nhau. George xuất phát từ hồ Chipping Northern, nơi có một đàn cò đông đúc sinh sôi nẩy nở, rồi chạy dọc theo đường Henry Lawson loằng ngoằng, đúng ra đây là đường men theo sông vì tất nhiên đường có sau khi đã có sông, một số đoạn còn khá hoang vu. Riêng với Cooks, đó là dòng sông mà mình có kỷ niệm không thể nào quên.

Năm 1994, mìnhđi du học và cũng là lúc tạo đường dây mang đĩa CD copy từ Việt Nam sang, để cùng bạn bè đi buôn, bị cảnh sát bắt, đưa ra tòa và bị phạt trên $2000. Đợt đầu trả $1000. Sáu tháng sau, đến hạn phải trả tiếp nửa còn lại thì mình quay lại tòa và hỏi: nếu tôi không có tiền nộp thì sao? Họ bảo nếu không có tiền nộp thì phải đi lao động công ích, ra cắt cỏ ngoài bờ sông. Bởi vậy mình có dịp ghé thăm Cooks River 13 ngày chủ nhật. Hôm nào trời mưa, được ngồi chơi chờ đến trưa, ăn xong mà chưa hết mưa thì được về sớm.

Thức đêm mới biết đêm dài, ra sông mới thấy sông thườn thượt, 13 lần đi cắt cỏ mà mỗi lần đi là một địa điểm mới, chẳng lần nào giống lần nào, mặc dù Cooks là con sông ngắn nhất của Sydney. Nhóm cắt cỏ khoảng 30-40 người, hầu hết là đực rựa chỉ có mấy chị em, tạm coi là toàn dân bất hảo, nói chuyện không có câu nào mà không đệm từ có phụ âm “f”. Sống với họ, mình được học hỏi nhiều điều, chẳng hạn như những từ chuyên môn về “chim bướm” được bồi dưỡng khá đầy đủ.
Bờ sông Cooks có nhiều bụi rậm, có cả rắn, còn thằn lằn thì to như con rồng đất. Các loại cây có trái đủ cả cam, quýt, chanh, đào, mận. Chúng đều là những cây mọc dại nên quả nhỏ và rất chua. Nhưng hóa ra tụi Tây không sợ ăn chua như mình, họ vẫn ăn bình thường, vô tư.

Hồi đó, dân châu Á còn ít, trong nhóm chỉ có mình và một tay người Thái. Họ cho ăn trưa những một giờ là hơi nhiều vì ăn đồ Tây rất nhanh. Dư thời gian, mình và tay người Thái hay ra gốc cây ngoài bờ sông ngồi. Nước sông khu vực hạ lưu chỉ chảy lững lờ, xa xa là một vài người câu cá. Tiếng Anh mình không nói được nhiều, bởi vậy chủ yếu ngồi nghe thằng Thái chém gió. Nó bảo, tao học tiếng Pháp từ nhỏ, tiếng Anh của tao cũng hoàn hảo. Nếu ở Thái Lan, tao chắc chắn có việc làm ở Bộ ngoại giao, mà phải vị trí cao. Mình mới hỏi, thế sao mày không về Thái mà ở đây làm gì. “Ở đây có freedom !”. Freedom là gì ? Thấy mình ngô nghê quá, nó bảo: mày mới sang Úc, mày chưa hiểu đâu.

Sau này đỡ ngu hơn, mình thử tự lý giải. Nước Úc freedom vì “trồng cỏ” như nó vẫn được ra sông cắt cỏ. Như nơi khác, tội phạm liên quan đến ma túy thì không dựa cột thì cũng tù rục xương. Nước Úc không có luật tử hình, dù có giết người cũng tù sơ sơ vì hiếm khi có án chung thân. Tuy nhiên, thằng Thái cũng giải thích, nó trồng ít nên không bị đi tù. Còn với mình, không có tiền nộp phạt thì phải ngồi bóc lịch bù vào, làm gì có chuyện ra gốc cây ngoài bờ sông. Ờ, hóa ra nước Úc thật sự vị tha. Bỗng dưng mình thấy sông nước của Úc quá đỗi mát mẻ, lung linh và quyến rũ.
(Theo fb Lương Văn Quang)

Nguồn: Xã luận