Home Cộng Đồng Trump ưu tiên ‘người Mỹ trên hết’, Việt Nam ưu tiên ai?
Cộng Đồng

Trump ưu tiên ‘người Mỹ trên hết’, Việt Nam ưu tiên ai?

Với phương châm “người Mỹ trên hết”, ông Trump thực hiện chiến lược cải cách thuế, giảm thuế lớn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong hơn 3 thập kỷ trở lại, trong khi đó, người Việt đang phải hứng chịu áp lực từ nhiều loại thuế phí gia tăng để bù đắp thiếu hụt ngân sách của Chính phủ.

Khác biệt trong điều hành chính sách giữa hai Chính phủ

Một trong những ưu tiên hàng đầu mà ông Trump nỗ lực thực hiện kể từ thời điểm lên nắm quyền là cải cách thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp và loại bỏ thuế di sản cho người dân – một loại thuế đánh vào di sản của người đã khuất.

Hình ảnh có liên quan

Còn ở Việt Nam mới đây vào hôm qua (13/4), Bộ Tài chính lại tiếp tục đưa ra đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở từ 700 triệu và ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Đáng chú ý, đề xuất được đưa ra không lâu sau khi có thông tin nhiều khả năng đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng/lít trước đó của Bộ này có nhiều khả năng được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới.

Bên cạnh đó, hàng loạt các phương án tăng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiền lãi tiết kiệm, thuế thu nhập cá nhân, thuế chi phí lãi vay… vẫn đang trong quá trình xem xét và thăm dò phản ứng dư luận.

Khác biệt thứ hai là trong khi Mỹ đang thực hiện chính sách bảo hộ thương mại nhằm gia tăng việc làm cho công dân Mỹ, thì Việt Nam xem việc ký kết được bao nhiêu Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc hay với nhiều nước khác như một thành tích mà không cân nhắc đến tính cần thiết của nó.

Hệ quả là có những FTA mà Việt Nam hoàn toàn bị các nước xuất siêu vào (như với Nga, Uzbekistan, Kazakhstan…) trong khi thuế xuất nhập khẩu ngày càng giảm, hàng ngàn dòng thuế bị đẩy về 0% theo tiến trình hội nhập. Điều này dẫn đến thiếu hụt nguồn thu lớn trong bối cảnh chi tiêu công vẫn cứ liên tục tăng đều. Để bù đắp khoản thiếu hụt này, Chính phủ tìm mọi cách tăng thu nội địa mà người dân là đối tượng chịu thuế chính.

Thứ ba, nếu như ông Trump sẵn sàng lên tiếng phản đối nạn ăn cắp bản quyền và chính sách trợ giá của Trung Quốc cho các công ty nội địa bán phá giá vào Mỹ, đồng thời không ngần ngại dùng biện pháp mạnh tay với Trung Quốc để ngăn chặn khoản thâm hụt thương mại lớn; thì ở Việt Nam, mặc cho nông sản trong nước bị rớt giá thê thảm, người nông dân nuốt nước mắt đổ bỏ, để phơi đồng củ cải, mía đường không buồn thu hoạch… nhập khẩu rau quả trong quý 1/2018 vẫn tăng mạnh với gần 8.000 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 1/2017, trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc và Thái Lan.

Đánh vào nền nông nghiệp, nông dân nghèo là đòn thâm hiểm mà Trung Quốc thường sử dụng. Và hơn bất cứ nơi đâu, Việt Nam đang hứng chịu hậu quả trầm trọng từ đòn hiểm của “người hàng xóm”.

Điều đó có thể dễ dàng thấy được qua các cuộc “giải cứu nông sản” xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, hay như tình trạng nông dân bị thương lái Trung Quốc ép giá, thu mua ào ạt lúc đầu nhằm kích thích nông dân nuôi trồng sau đó đóng cửa cửa khẩu khi vào mùa thu hoạch khiến họ điêu đứng…

Trong đáp trả thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, một lần nữa Bắc Kinh cũng sử dụng biện pháp tương tự nhắm vào nông dân Mỹ. Nhưng không may cho Trung Quốc, họ đang phải đối mặt với một Trump thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ công dân nước Mỹ.

Và đó là một tham khảo chính sách hữu ích cho Việt Nam nếu không muốn nền nông nghiệp trong nước tiếp tục bị tàn phá bởi nông sản giá rẻ và thương lái Trung Quốc.

Sự khác biệt thứ tư là trong khi Mỹ cương quyết nói không với các dự án, công ty gây tổn hại đến môi trường, bằng chứng là vụ xử phạt 20 tỷ USD đối với sự cố tràn dầu của BP tại vịnh Mexico năm 2010, hay như việc buộc hãng xe hơi của Đức Volkswagen phải bồi thường hàng chục tỷ USD vì gian lận khí thải; thì Việt Nam lại đánh đổi môi trường biển, rừng, nước, không khí bằng những đồng tiền “lobby” chính sách chảy vào túi các quan chức xét duyệt.

Vụ xả thải ra môi trường gây ô nhiễm toàn bộ vùng biển 4 tỉnh miền Trung của Formosa, công ty được mệnh danh là “Hành tinh Đen 2009” vì những “thành tích” trong lĩnh vực tàn phá môi trường, vẫn còn hệ lụy kéo dài đến ngày nay.

Theo Trí Thức VN