Home Cộng Đồng Việt Nam là ‘cường quốc’ về sử dụng bia rượu?
Cộng Đồng

Việt Nam là ‘cường quốc’ về sử dụng bia rượu?

Theo dự kiến của Tổ chức Thương mại thế giới, năm 2025, trung bình mỗi người dân Việt Nam sẽ tiêu thụ 8,6 lít cồn/năm.

Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết hiện chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, nhưng chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29 trên thế giới.

Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ngày càng tăng báo động. Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD/ năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm, trong khi chi tiêu cho y tế cùng thời kỳ chỉ bình quân 113 USD/người.

Viet Nam la 'cuong quoc' ve su dung bia ruou? hinh anh 1
Sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh:Liêu Lãm

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, tỷ lệ sử dụng rượu bia tăng nhanh hàng năm. Cụ thể, giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ số cồn trung bình 3,8 lít/năm nhưng đến 2005- 2008 đã tăng gấp đôi là 6,6 lít.

“Dự tính, vào năm 2025, Việt Nam tăng mức độ tiêu thụ số cồn khoảng 7 lít cồn/năm. Tuy nhiên, con số này theo dự kiến của Tổ chức Thương mại thế giới có thể còn cao hơn nữa, ở mức 8,6 lít cồn/năm. Đây là con số quá cao so với dự kiến, báo động về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam”, bà Hạnh nói.

Đặc biệt, các nhà làm luật cho rằng xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng với gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau 5 năm, tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%.

Bà Hạnh khuyến cáo không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe trong sử dụng rượu bia. Hiện nay, một số ý kiến cho rằng nếu uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu, bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gram cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh 70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu bia. Thiệt hại của rượu bia lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh của rượu bia mang lại. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong số 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, tim mạch, ung thư…

Sử dụng rượu bia có mối quan hệ trực tiếp với 7 loại ung thư như vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng. Loại đồ uống này cũng có mối liên hệ với khoảng 30 bệnh ung thư khác nhau như tuỵ, máu, tế bào bạch hầu, gây rối loạn chuyển hóa nguyên nhân tạo nên các bệnh tiểu đường, mỡ máu,…

Theo Zing