Home Tin Nước Úc Úc: Trùm ma túy vô tình giúp cảnh sát bắt 800 tội phạm
Tin Nước Úc

Úc: Trùm ma túy vô tình giúp cảnh sát bắt 800 tội phạm

Trùm ma túy Ayik giới thiệu cho hàng nghìn đồng bọn cài ứng dụng nhắn tin mã hóa do FBI điều hành, khiến 800 tên sa lưới.

Truyền thông Úc hôm 8/6 cho hay trùm ma túy Hakan Ayik đã được các đặc vụ ngầm nhắm mục tiêu để lừa y giới thiệu đồng bọn cài đặt ứng dụng nhắn tin mã hóa ANOM do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xây dựng, cho phép cảnh sát bí mật theo dõi các cuộc trò chuyện, giao dịch của giới tội phạm.

“Hắn ta được nhắm tới vì có chỗ đứng trong thế giới ngầm. Hắn được các tội phạm tin cậy và có thể giới thiệu thành công ứng dụng này”, một điều tra viên cấp cao Úc tiết lộ.

Giới chức Úc cho biết Ayik, 42 tuổi, sau đó đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch của cảnh sát khi anh ta bắt đầu tải ANOM và tích cực giới thiệu cho đồng bọn.

Trùm ma túy Hakan Ayik. Ảnh: BBC.

Theo các quan chức Úc, có khoảng 12.000 thiết bị đã cài ANOM, trong đó người dùng mới được yêu cầu nhập mã giới thiệu với người dùng hiện tại, tạo ra yếu tố đáng tin cậy cho tội phạm khi sử dụng ứng dụng. Các sĩ quan cảnh sát từ đó có thể đọc hàng triệu tin nhắn bàn bạc về các âm mưu giết người, kế hoạch buôn bán ma túy quy mô lớn và nhiều hoạt động phạm pháp khác.

“Chúng tôi đã ‘đi guốc trong bụng’ của những kẻ tội phạm có tổ chức”, lãnh đạo cảnh sát Úc Reece Kershaw nói.

Trùm ma túy Ayik hiện chưa bị bắt và được cho là đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát kêu gọi Ayik nhanh chóng đầu thú để đảm bảo an toàn cho bản thân, khi hàng loạt tên tội phạm đã nhận ra chúng bị cảnh sát nắm thóp chỉ vì nghe Ayik cài ứng dụng ANOM.

“Về cơ bản Ayik như thể là người tích cực giới thiệu ANOM cho các nhóm tội phạm và băng đảng”, Giám đốc Cảnh sát Liên bang Úc Jared Taggart nhận định.

Ứng dụng ANOM là một phần trong chiến dịch Lá chắn Trojan được cảnh sát Úc và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thành lập năm 2018. Đây là một trong những chiến dịch kiểm soát mạng lưới tin nhắn mã hóa chuyên dụng lớn nhất thế giới.

Calvin Shivers, trợ lý giám đốc FBI, cho biết họ đã cung cấp những chiếc điện thoại được thiết kế riêng cho các tổ chức tội phạm ở hơn 100 quốc gia trong 18 tháng qua, tạo điều kiện giám sát hoạt động của chúng. Các băng đảng tin rằng hệ thống này an toàn, bởi ngoài ứng dụng ANOM đã được mã hóa, điện thoại không có bất kỳ tính năng nào khác, như gọi điện, camera, gửi email hay định vị GPS. Điện thoại ANOM được bán trên chợ đen với giá khoảng 2.000 USD.

Sau gần hai năm theo dõi, lực lượng hành pháp nhiều nước đồng loạt “cất vó”, bắt hơn 800 nghi phạm tại Úc, New Zealand, châu Âu, châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông. Họ cũng thu giữ 148 triệu USD tiền mặt cùng hơn 8 tấn chất cấm sau khi khám xét hơn 700 địa điểm.

Theo Vnexpress

Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...