(www.Alouc.com) – Một cuộc điều tra của SBS phát hiện độc chì, đồng, thạch tín, thuốc trừ sâu bị cấm, DDT và nhiều chất độc khác trong thực phẩm nhập cảng đang bày bán ở Úc.
Khi mua nhầm thực phẩm đóng gói bị hôi thúi hay bị hư hỏng, người mua có thể chỉ đơn giản là đem bỏ nó đi.
Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề.
Các chuyên gia về tiêu chuẩn thực phẩm nhập cảng vào Úc chỉ ra mối quan ngại lớn hơn trong thực phẩm mà người tiêu thụ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, từ các loại hóa chất có hại cho sức khỏe, thuốc trừ sâu, tới kim loại nặng.
Họ nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, có nghĩa là dù Úc có các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của riêng mình, nhưng một số sản phẩm nhập cảng không nhất thiết phải có cùng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt ở nước xuất xứ.
Những sản phẩm bị Mỹ cấm có mặt ở Úc
Phóng sự đặc biệt của chương trình tiếng Punjabi của đài SBS phát hiện rất nhiều sản phẩm trong hơn 3 ngàn nhãn hiệu thực phẩm Ấn Độ bị từ chối ở Mỹ trong năm 2015 – 2016, nhưng lại đang được bày bán ở Úc.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, US Food and Drug Administration, USFDA, từ chối những sản phẩm này vì hàm lượng thuốc trừ sâu, các vấn đề sai trái hay mập mờ trên nhãn hiệu, nhiểm khuẩn salmonella, nhiễm độc melamine, ‘bẩn thỉu, xuất hiện thối rữa’ và chứa ‘chất độc có hại cho sức khỏe’.
Cuối năm 2013, một loạt gói hạt Haldiram tasty nuts bị thu hồi ở Úc vì nhiễm aflatoxin, một loại độc tố vi nấm có thể gây ung thư gan, trong khi các quan kiểm soát lương thực của Mỹ đã nhiều lần từ chối loại thức ăn nhẹ đóng gói sẵn này.
Dùng danh sách các sản phẩm bị từ chối ở Hoa Kỳ để tham khảo, SBS Radio mua hàng chục sản phẩm tại các cửa tiệm chuyên về thực phẩm Ấn Độ ở khắp Melbourne.
Sau đó, gửi 18 sản phẩm đến Viện Đo lường Quốc gia, National Measurement Institute, một phòng thí nghiệm chuyên kiểm nghiệm thực phẩm được công nhận bởi Hiệp hội Quốc gia các Chuyên gia Kiểm nghiệm, để tìm hiểu, liệu các sản phẩm này có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép hay liệu có nhiễm các hóa chất độc hại khác.
Các thử nghiệm cho thấy hai sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Úc, và một sản phẩm bị cấm đã bằng cách nào đó vượt qua sự kiểm tra của nhân viên quan thuế đối với các thực phẩm nhập cảng vào Úc.
Cuộc điều tra của đài SBS phát hiện gạo basmati hiệu Kohinoor có chứa Buprofezin, một loại thuốc diệt côn trùng không được phép vào Úc.
Cuộc điều tra này cũng cho thấy MDH, một thương hiệu gia vị Ấn Độ được nhiều người biết đến có chứa hàm lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn quy định bởi Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc – Tân Tây Lan, Food Standards Australia New Zealand, FSANZ.
Và mặc dù việc nhập cảng hạt của quả cau có tác nhân gây ung thư bị cấm ở Úc, nhưng lại có thể dễ dàng tìm thấy ở các cửa hàng tạp hóa Nam Á ở Melbourne.
Hầu hết các sản phẩm thực phẩm nhập cảng gửi đi kiểm nghiệm cũng chứa thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, và một số kim loại, trong đó có chì, asen, đồng, crôm và cadimi.
Những con số khiến người ta rùng mình
Cơ quan Thực phẩm Hoa Kỳ đã nhiều lần từ chối MDH, thương hiệu gia vị Ấn Độ.
SBS gửi sản phẩm MDH Tawa Fry Masala, mua tại một siêu thị ở Melbourne, đi kiểm tra.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm có chứa 0.22 mg thuốc diệt nấm Carbendazim trong mỗi kg, nhiều hơn gấp đôi giới hạn cho phép trong thực phẩm.
Sản phẩm có chứa 0.066 mg thuốc trừ sâu Imidacloropid trong mỗi kg, một lần nữa vượt quá giới hạn cho phép trong thực phẩm.
Giám đốc Trung tâm Kiểm định Nguy cơ cho Sức khỏe Con người Úc, Australian Centre for Human Health Risk Assessment, thuộc Đại học Monash, Giáo sư Brian Priestly xác nhận là loại gia vị MDH vừa nhắc không đáp ứng tiêu chuẩn Úc.
“Khi tôi đối chiếu với các quy định ở Úc về mức tối đa dư lượng hóa học còn lại trong thực phẩm, tức MRL, thì mức độ các bạn cho tôi thấy trong dữ liệu là cao hơn một chút.
“Nghĩa là đã không tuân thủ quy định.
“Tuy nhiên tôi cũng cho rằng không có một sự ảnh hưởng đáng kể nào lên sức khỏe vì mức độ này, vì chỉ nhỉnh hơn MRL một chút. Nhưng cao hơn thì là không tuân thủ quy định, phải nói là vậy.”
Ai nhập cảng những sản phẩm nguy hiểm này?
SBS cũng tìm thấy cả hai sản phẩm, gia vị MDH Tawa Fry Masala và bữa ăn ngũ cốc cho trẻ em Nestle Cerelac không đáp ứng được yêu cầu ghi nhãn bắt buộc, theo đó Úc đòi hỏi các nhà nhập cảng phải nói rõ về doanh nghiệp của mình
Kết quả mà Viện Đo lường Quốc gia Úc đưa ra cho thấy, ít nhất bốn sản phẩm khác có thể được coi là không an toàn do hàm lượng đồng và chì trong đó.
Bao gồm ngũ cốc dành cho trẻ em hiệu Cerelac Nestle, bột sữa công thức cho trẻ em đang lớn Complan sản xuất ở Ấn Độ, gạo basmati hiệu Indus nhập cảng từ Pakistan và bơ Verka Ghee từ Ấn Độ.
Verka Ghee là thương hiệu bơ được những người có nguồn gốc Nam Á sử dụng khi nấu những bữa ăn hàng ngày.
Viện Đo lường Quốc gia Úc tìm thấy mẫu ngũ cốc Cerelac cho trẻ em, sản xuất tại Ấn Độ và mua ở Melbourne, chứa hàm lượng chì cao khiến các chuyên gia thực phẩm của Úc quan ngại.
Đến nay, Úc không có tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá mức độ an toàn của hóa chất và kim loại nặng trong dạng thức ăn ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh.
Khi giấy trắng mực đen không có tiêu chuẩn quy định về hàm lượng chì trong ngũ cốc cho trẻ sơ sinh, công ty Nestle cho rằng sản phẩm của họ phù hợp với các quy định của Úc khi nói đến hàm lượng chì trong ngũ cốc, tức 0.2 mg trong mỗi kg.
Nhưng các chuyên gia nghĩ khác.
Sức khỏe của trẻ em bên bờ vực
Các chuyên gia nói rằng ngũ cốc cho trẻ sơ sinh, trong đó bao gồm nhãn hiệu Cerelac mà công ty Nestle quảng cáo dành cho trẻ sơ sinh 10 tháng tuổi đang bán trên thị trường, phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định dành sữa bột công thức trẻ sơ sinh, vì độc chì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ của trẻ em.
Giáo sư khoa học sức khỏe Marc Cohen từ Đại học RMIT, đồng thời cũng là một bác sĩ, cho biết nhiễm độc chì là một mối quan ngại lớn.
Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hợp Quốc WHO, nhân dịp tuần lễ Phòng chống ngộ độc chì, cho rằng, để được xem là an toàn, mức độ chì trong các sản phẩm dành cho trẻ em nên bằng số không.
Gạo basmati Kohinoor có thể mua được ở Melbourne chứa 0.014 mg thuốc trừ sâu Buprofezin trong mỗi kg.
Giáo sư Priestly nói rằng ông tin rằng thương hiệu gạo này đã không có sự kiểm định, vì hiện nay cũng không có quy định dư lượng tối đa giới hạn của Buprofezin trong các tiêu chuẩn thực phẩm của Úc.
Ông nói rằng, nếu một giới hạn không được đặt ra cho một loại thuốc trừ sâu có chất hóa học cụ thể hoặc cho một loại sản phẩm, người ta không kiểm tra và tất nhiên không thể phát hiện.
Aarkay International, công ty nhập cảng gạo basmati Kohinoor vào Úc, đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Sản phẩm chứa chất độc có thể truyền từ đời này qua đời khác
Kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm của bơ Verka Ghee tìm thấy sản phẩm này có chứa dấu vết của DDT, một chất diệt côn trùng gây ung thư, mặc dù nằm trong giới hạn cho phép.
Nhưng theo một số chuyên gia, thậm chí người tiêu thụ chỉ cần ăn vào một lượng rất nhỏ của DDT, chất này vẫn có khả năng gây hại.
Giáo sư Cohen cho biết các hóa chất như DDT rất độc và tồn tại lâu trong cơ thể người, có thể gây tác động qua nhiều thế hệ, có nghĩa là các bà mẹ mang thai nếu nhiễm độc có thể lây sang thai nhi của họ.
Verka Coop ở Ấn Độ từ chối bình luận về DDT trong sản phẩm của mình, chỉ nói với SBS bơ của họ đáp ứng các tiêu chuẩn của Úc và Ấn Độ.
SBS cũng gửi đi kiểm nghiệm một mẫu sữa bột trẻ em phổ biến của Complan, sản phẩm do công ty Heinz sản xuất ở Ấn Độ.
Kết quả cho thấy có 0.12 mg chì trong mỗi kg.
Trong khi hàm lượng chì được xem là an toàn ở Úc khi lên đến 0.2mg trong mỗi kg ngũ cốc, đến nay không rõ tiêu chuẩn Úc về chì trong thức uống trẻ em là bao nhiêu.
Công ty Kraft Heinz Ấn Độ nói rằng tất cả các kết quả hàm lượng các kim loại nặng trong sản phẩm của họ đều thấp hơn mức cho phép theo quy định an toàn thực phẩm của chính phủ Ấn Độ.
Họ cho biết công ty đã không được uỷ quyền xuất cảng sản phẩm của họ sang Úc.
Chỉ 5% thực phẩm nhập cảng vào Úc được kiểm tra
Tiến sĩ Kamaljit Singh Vilkhu, người đã làm việc trong vai trò nhà khoa học thực phẩm ở CSIRO 17 năm qua, bày tỏ quan ngại trước kết quả cuộc điều tra này.
Gần đây, ông đã thử nghiệm một số thực phẩm nhập khẩu tại một phòng thí nghiệm được chính phủ liên bang công nhận.
“Mức độ của các hóa chất này cao quá mức.
“Bạn thậm chí có thể cảm thấy, bạn có thể ngửi thấy mùi, bạn có thể nhận ra vị của của chúng. Đây cũng là kinh nghiệm cá nhân của tôi nữa.
“Đây là tình trạng đáng báo động đối với hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc từ Ấn Độ, khi nói đến dư lượng hóa học còn lại trong thực phẩm của các loại thuốc trừ sâu và các hóa chất diệt côn trùng.”
Tất cả các loại thực phẩm được gửi đi kiểm nghiệm trong cuộc điều tra này được coi là có nguy cơ thấp, hoặc là thực phẩm cần ‘giám sát’ tại Úc.
Nhà nghiên cứu Anthony Amis cho rằng giới chức Úc chỉ kiểm nghiệm một tỷ lệ nhỏ thực phẩm nhập cảng.
Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Nước chỉ đồng ý 5 phần trăm của tất cả các thực phẩm cần giám sát được kiểm nghiệm khi nhập cảng.
Bộ cho biết 98 phần trăm tất cả các thực phẩm nhập cảng đều đáp ứng các tiêu chuẩn Úc.
Năm ngoái, chương trình SBS Punjabi bắt đầu nhận được nhiều email, hình ảnh và các bài đăng trên mạng xã hội từ người nghe, phàn nàn về các loại thực phẩm đã mua tại các cửa hàng tạp hóa Nam Á trên khắp nước Úc.
Người tiêu thụ cho biết các loại thực phẩm này bị mốc meo hoặc có mùi hôi thúi.
Từ đó, chương trình tiếng Punjabi của SBS Radio đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng liền và phát hiện ra nhiều vấn đề sâu xa hơn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người nghiêm trọng hơn.
Đó là độc chì, đồng, thạch tín, thuốc trừ sâu bị cấm, DDT và nhiều chất độc khác trong thực phẩm nhập cảng đang bày bàn ở Úc.