Reuters dẫn lời bà Ardern nói tại một cuộc họp báo ngày 16-9: “Tôi đã thảo luận về thoả thuận với Thủ tướng Úc Scott Morrison tối qua… Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ không được phép ở lãnh hải New Zealand theo chính sách khu vực phi hạt nhân năm 1984. Chắc chắn chúng sẽ không được cấp phép đi vào lãnh hải của chúng tôi”.

Trước đó, một thoả thuận hợp tác an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison công bố với nội dung Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và khả năng triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc.

Thoả thuận được cho là nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: Ground News

Bà Ardern nói rằng thoả thuận trên giữa Mỹ, Anh và Úc không làm thay đổi mối quan hệ an ninh và tình báo của New Zealand – thành viên nhóm “Ngũ Nhãn” gồm cả Mỹ, Anh, Úc và Canada – cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa New Zealand với Úc về các vấn đề quốc phòng.

Theo Reuters, bà Ardern – đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai – đã theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn mà không trung thành với bất kỳ nhóm lớn nào.

Trong khi đó, giới chức Pháp ngày 16-9 bày tỏ sự giận dữ về thông báo chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh cho Úc. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Pháp Florence Parly chỉ trích việc Mỹ “loại một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi mối quan hệ đối tác với Úc”.

Ông Le Drian cho rằng việc Úc hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm trị giá 36,5 tỉ USD của Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ là hành động hủy hoại lòng tin.

Cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud cũng lên tiếng trên mạng xã hội Twitter rằng Pháp vừa “bị đâm sau lưng”.

Theo Người lao động