Trong 15 năm đầu đời, Ben Shenton sống trong một giáo phái với niềm tin rằng ngày tận thế sẽ đến và mẹ Anne Hamilton-Byrne sẽ cứu vớt cậu.
Đằng sau những tán lá và hàng rào dây thép gai quanh ngôi nhà ven hồ Eildon ở Úc, 7 đứa trẻ mặc trang phục và kiểu tóc vàng giống nhau đang tập yoga thì nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài.
Đó là ngày 14/8/1987, khi nhiều cảnh sát bất ngờ ập vào phòng và tập hợp lũ trẻ. Một lúc sau, chúng bị đưa đi khỏi khu nhà, trở về với thực tế mới mà Ben phải mất nhiều năm mới hiểu hết.
Trong những ngày sau đó, Ben học được rất nhiều về cuộc sống của mình. Cậu biết rằng người phụ nữ mà cậu tin là mẹ thực chất là Anne Hamilton-Byrne, thủ lĩnh giáo phái khét tiếng nhất trong lịch sử Úc có tên là “Gia đình”. Bà ta trốn đi sau khi cảnh sát đột kích vào ngôi nhà.
Tên của Ben đã bị thay đổi kể từ khi cậu 18 tháng tuổi. Mẹ ruột của cậu là Joy Travelly, một trong những phụ huynh đã bị Hamilton-Byrne “tẩy não”, đồng ý giao con để bà ta nuôi nấng. Các tín đồ như Travelly tin rằng Hamilton-Byrne là hiện thân của Chúa Jesus sẽ dẫn dắt những người sống sót khi ngày tận thế đến.
Hamilton-Byrne, một huấn luyện viên yoga, sáng lập giáo phái “Gia đình” vào năm 1963. Một năm trước đó, cô quen nhà vật lý Raynor Johnson và nhanh chóng khiến Johnson trở nên “mê muội”, tin rằng Hamilton-Byrne thực sự là hiện thân của Chúa Jesus.
Hamilton-Byrne phát triển các lớp yoga và thiền định của mình thành một nhóm tôn giáo. Các tín đồ của cô ta ban đầu gặp nhau trong phòng khách của Johnson mỗi tuần một lần, sau đó tăng lên ba lần một tuần. Họ thiết lập một trung tâm riêng ở đối diện nhà của Johnson để tổ chức các cuộc họp.
“Gia đình” bắt đầu tuyển mộ các bệnh nhân từ Bệnh viện Newhaven ở Kew, cơ sở chữa trị bệnh tâm thần tư nhân được điều hành bởi nhiều thành viên của giáo phái. Họ nhắm mục tiêu vào những bệnh nhân dễ bị tổn thương, cho họ dùng thuốc gây ảo giác LSD liều cao và điều trị bằng liệu pháp sốc điện.
Hamilton-Byrne cũng tìm kiếm những bà mẹ đơn thân xuất thân từ gia đình giàu có, những người coi cô ta như vị cứu tinh. Họ trao tiền mặt và cả con của mình cho giáo phái.
Năm 1968, Hamilton-Byrne bắt đầu nhận nuôi trẻ em thông qua các biện pháp bất chính hơn như lợi dụng luật sư, nhân viên xã hội và bác sĩ để nhận con nuôi chui. Họ giả mạo giấy khai sinh và nuôi hơn một chục đứa trẻ, khiến chúng tin rằng chúng là con đẻ của Hamilton-Byrnes.
Quản lý những đứa trẻ trong khu nhà của giáo phái là những “người cô” thường trừng phạt các em một cách tàn bạo. Mẹ ruột của Ben, Joy Travellyn, cũng nằm trong số những người cô này. Lũ trẻ bị cô lập, không được tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Hamilton-Byrne cho tất cả trẻ nhuộm tóc bạch kim và để kiểu tóc “bát úp” giống nhau. Từ khi mới sinh, những đứa trẻ đã bị cho dùng thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm – nhiều loại trong số đó thường được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Khi đến một độ tuổi nhất định, các em phải tiếp xúc với LSD liều cao.
Quy tắc của giáo phái là “không nhìn, không nghe, không biết”. Hamilton-Byrne giải thích rằng cô được một bậc thầy giác ngộ truyền lại những lời rao giảng và do đó cô cần làm những “công việc bí mật mà xã hội chưa sẵn sàng chấp nhận”.
“Những gì bà ta làm là bất hợp pháp”, Ben nói. “Nếu giới chức biết, họ đã bắt bà ta và các đồng phạm, đóng cửa cơ sở và tịch thu số tiền bà ta ‘moi’ được từ những thành viên giàu có nhờ những lời dối trá”.
Bất cứ ai truyền ra bên ngoài thông tin chi tiết về cuộc sống trong giáo phái sẽ bị trừng phạt nặng nề. Sau mỗi lần tương tác hiếm hoi với người ngoài, Ben phải ngẫm nghĩ lại cuộc trò chuyện để đảm bảo cậu đã không tiết lộ bất cứ điều gì bị cấm. “Không có người ngoài nào được mời vào nhà mà không có sự cho phép của Hamilton-Byrne”, Ben nói.
Thời khắc tự do hiếm hoi mà lũ trẻ có được là khi vào thư viện. Ben đọc về các trại tập trung thời Thế chiến II và nhận ra sự tương đồng giữa biện pháp giam cầm đó với cuộc sống của cậu.
“Chúng tôi không được rời khỏi khu nhà và phải giữ bí mật, không được phép đi bất cứ nơi nào mà không có người đi kèm”, Ben kể. “Đây không phải là điều những đứa trẻ khác phải trải qua. Chúng tôi nhận thức được cuộc sống của chúng tôi khác mọi người như thế nào”.
Nếu mắc lỗi, những đứa trẻ bị tra tấn bằng nước, đánh roi, bị bắt nhịn đói vài ngày hay bị hơ ngón tay trên nến. Trong khi những đứa trẻ khác chống đối và bị đánh đập dã man, Ben cố gắng tránh bị tra tấn bằng cách chỉ điểm “anh chị em” vi phạm nội quy. Không có gì đáng ngạc nhiên khi mối quan hệ của cậu với những đứa trẻ khác xấu đi.
“Tôi bị coi là kẻ mách lẻo và bị tẩy chay nhưng như vậy cũng đúng thôi. Tôi không có mảy may hy vọng nào gắn kết với các bạn”, Ben kể. Hơn nữa, Hamilton-Byrne cũng ngăn cản tình bạn giữa những đứa trẻ và nhanh chóng tách rời những đứa trẻ thân thiết. “Mặc dù có tên là ‘Gia đình’, giáo phái này không có đặc điểm nào giống vậy”, cậu nói.
Năm 1987, một đứa trẻ trong giáo phái là Sarah bị Hamilton-Byrne đuổi đi do có hành vi nổi loạn. Với sự hỗ trợ của một thám tử tư, Sarah đã đóng vai trò lớn trong việc khiến cảnh sát ở Victoria chú ý đến “Gia đình”. Cảnh sát mở cuộc đột kích vào ngôi nhà của giáo phái ngày 14/8/1987 và giải thoát tất cả trẻ em.
Hamilton-Byrne và chồng bà ta trốn ra nước ngoài trong 6 năm tiếp theo, nhưng bị FBI bắt vào tháng 6/1993 ở New York trong một cuộc điều tra phối hợp của Anh, Úc và Mỹ. Hai vợ chồng bị dẫn độ về Úc và bị buộc tội âm mưu lừa gạt, khai man khi đăng ký khai sinh ba đứa trẻ không có quan hệ huyết thống là con ruột.
Vợ chồng Hamilton-Byrnes nhận tội khai man và bị phạt 10.000 đô. Anne Hamilton-Byrne qua đời hồi tháng 6 ở tuổi 97.
Ben Shenton, hiện 47 tuổi, điều hành một tổ chức tên là Cứu Gia đình, chia sẻ những bài học rút ra từ trải nghiệm của mình. Bằng cách nêu bật những phương pháp tiêu cực thường được sử dụng để nuôi dạy trẻ em, Shenton hy vọng sẽ bảo vệ được thế hệ tương lai khỏi nghiện ngập và trầm cảm. “Mục tiêu của tôi là giải thích cho mọi người mục đích của một gia đình là gì”, ông nói.
Theo Vnexpress
Leave a comment