Home Tin Nước Úc Bệnh viện “vàng” tại Úc
Tin Nước Úc

Bệnh viện “vàng” tại Úc

www.Alouc.com – Với phương châm “Hãy sai sót ở đây, đừng sai sót trên người bệnh”, một bệnh viện tư đã đầu tư vài chục mô hình, mỗi cái có giá nửa triệu AUD, vài trăm bộ phận rời, mỗi bộ phận có giá từ vài chục đến cả trăm ngàn AUD.

Tại Adelaide, chúng tôi được dẫn đến xem bên ngoài của một bệnh viện công đang được xây dựng, tổng chi phí là 2,6 tỉ AUD (43.108 tỉ đồng). Là một người Việt Nam, phản xạ trong đầu tôi là đắt quá mức, chắc chia chác nhiều, chứ bệnh viện mà làm sao đắt thế, nhất là khi biết nó có chưa tới 800 giường bệnh, trung bình 54 tỉ đồng cho 1 giường bệnh. Không lẽ nó được làm bằng vàng?

 

Để giải đáp cho những thắc mắc của chúng tôi, người của Thương vụ Úc giải thích, rằng đó sẽ là bệnh viện rất hiện đại, sử dụng robot để phục vụ, vận chuyển bệnh phẩm cũng như đồ ăn, quần áo, di chuyển người bệnh… Như để chứng minh cho điều đó, chúng tôi được dẫn vào bên trong của tòa nhà nghiên cứu, nằm ngay bên cạnh cái “bệnh viện vàng” ấy, tòa nhà được xây dựng với giá 280 triệu AUD.

Nhìn bên ngoài thì chẳng thể hiểu được tại sao mà mỗi giường bệnh có thể lên tới 54 tỉ đồng.

Đó là tòa nhà nhỏ hơn nhiều so với khuôn viên của cái “bệnh viện vàng”, được bố trí sát bên để tiện cho việc trao đổi, ứng dụng công nghệ cũng như tiện cho việc di chuyển của các nghiên cứu viên – bác sĩ, điều dưỡng, vì đó là Viện nghiên cứu về sức khỏe.

 

Người ta gọi đó là tòa nhà trái thơm, vì nhìn xa nó giống như trái thơm. Tuy nhiên, khi người của Thương vụ Úc giới thiệu, chúng tôi mới thấy mỗi mắt của cái “trái thơm” kia không giống nhau. Nó được thiết kế để tối ưu hóa việc tiếp nhận ánh sáng và thông gió. Nên mỗi miếng được thiết kế riêng, có góc độ khác nhau. Viện nghiên cứu ấy cũng mới chỉ hoạt động một phần nhỏ. Vì vậy chưa được trang bị nhiều.

bệnh viện

Tòa nhà trái thơm.

Ở Melbourne, chúng tôi đến thăm bệnh viện Quốc tế Epworth. Đó là một cơ sở trong chuỗi 8 bệnh viện tư với tổng cộng 1300 giường bệnh, hiện đang xây dựng thêm 2 bệnh viện để nâng tổng số giường lên thành 1600 giường bệnh. Cả chuỗi bệnh viện có 6000 nhân viên và cộng tác với 3000 bác sĩ chuyên khoa.

 

Tại đây, chúng tôi được dự một buổi sinh hoạt khoa học hàng tuần. Phòng họp rộng gấp đôi so với phòng họp dùng để sinh hoạt khoa học của bệnh viện của tôi, kê khoảng hơn 100 ghế. Họ cũng quay phim lại báo cáo khoa học và đưa lên website để những nhân viên không tham dự được có cơ hội xem lại. Mọi thứ giống như ở chỗ chúng tôi vẫn làm. Chỉ khác một chút, đó là nghiên cứu do chính họ thực hiện. Trung tâm nghiên cứu của bệnh viện đã thực hiện 250 nghiên cứu khoa học, và hiện có 12 nghiên cứu đang trong giai đoạn thực nghiệm.

Mô hình bệnh nhân ở trung tâm huấn luyện.

Nhưng đó chưa phải là điều gây ấn tượng nhất. Ở tất cả các bệnh viện và trường đại học chúng tôi đã đi qua đều có khu học tập simulation (mô phỏng). Ở đó, người học thực tập trên các mô hình được lập trình như thật. Thậm chí, ở nơi huấn luyện điều dưỡng trực đêm, người ta để đèn tối như đang đêm, những điều dưỡng phải học cả cách chiếu đèn pin để không làm bệnh nhân khó chịu. Ở Epworth, chúng tôi mới biết hệ thống này hoạt động như thế nào.

Học cách chăm sóc bệnh nhân vào ban đêm. Bước vào phòng này, có thể nghe thấy tiếng thở của từng bệnh nhân, với đủ kiểu thở bệnh lí khác nhau.

Các mô hình đều có máu chảy, tim đập, người bệnh có tiếng thở, ho, nói, giẫy… như thật. Có thể mô phỏng hàng loạt bệnh, chỉ cần điều khiển bằng một cái PDA hoặc máy tính. Các bác sĩ thực tập siêu âm, phát hiện bệnh (được người giảng cài chế độ sẵn). Nếu động tác thô bạo, bệnh nhân sẽ kêu đau và giẫy. Thậm chí, người giảng có thể nói và mô hình người bệnh phát ra tiếng nói đó, vặn vẹo người học.

Mô hình tay, có đủ mạch máu để điều dưỡng thực tập chích ven, bác sĩ tập chích vào động mạch.

Với phương châm “Hãy sai sót ở đây, đừng sai sót trên người bệnh”, một bệnh viện tư đã đầu tư vài chục mô hình, mỗi cái có giá nửa triệu AUD, vài trăm bộ phận rời, mỗi bộ phận có giá từ vài chục đến cả trăm ngàn AUD, nhiều phòng bệnh với trang bị cao cấp như thật, cả phòng mổ với đầy đủ phương tiện gây mê, hồi sức, phẫu thuật…cực kì đắt tiền. Hàng năm, trung tâm huấn luyện của Epworth này có 27.000 lượt người được huấn luyện, từ hộ lí cho đến các bậc đại Giáo sư.

Phòng cấp cứu.

Tại Epworth, khoa cấp cứu có 35 phòng riêng cho từng bệnh nhân, mỗi phòng có cửa kính trong suốt, nhưng khi cần chỉ bấm nút là kính trở thành mờ đục, ngăn cách bệnh nhân với bên ngoài. Phòng cấp cứu có máy CTScan riêng. Tại khoa hồi sức, có 26 phòng bệnh, mỗi phòng cho một bệnh nhân, trang bị thì có thể nói không thể tưởng tượng được. Không những thế, ở 2 khoa này còn có vài phòng cho bệnh nhiễm với áp lực không khí âm, tránh lây lan.

Tivi treo tường ở phía chân giường, nhưng máy tính được treo trần, có thể điều chỉnh để bác sĩ, điều dưỡng có thể xem và thao tác trên nó từ bất cứ góc độ nào.

Chưa hết, cả 2 khoa Cấp cứu, Hồi sức nơi chúng tôi đi thăm, một số phòng bệnh nhân có cửa sổ nhìn ra ngoài, dành cho những bệnh nhân dễ bị kích động, để họ có thể cảm nhận thiên nhiên, dịu tinh thần để bớt bị kích động. Ở khoa Ngoại thần kinh, tất cả phòng bệnh đều có cửa sổ nhìn ra ngoài. Máy tính được trang bị treo trần, để khi cần thiết có thể kéo xuống, bẻ các góc, làm sao cho bệnh nhân và người nhà xem được hồ sơ, phim ảnh của người bệnh.

 

Khi xem được những cái đó, tôi đã hiểu đâu là vàng ở trong cái bệnh viện gần 800 giường với giá 2,6 tỉ AUD.

Related Articles

Nước Mỹ nín thở chờ quay giải độc đắc 565 triệu USD

Giá trị giải độc đắc Mega Millions đã vượt nửa tỷ đô,...

Nhập viện vì nuốt nhầm sinh vật lạ dưới biển ở Úc

Một chàng trai 18 tuổi đã phải nhập viện sau khi nuốt...