Home Tâm Sự - Chia Sẻ Sydney – Thành phố của những người vội vã
Tâm Sự - Chia Sẻ

Sydney – Thành phố của những người vội vã

Chuyến tàu điện lướt qua dãy nhà cũ kỹ của những khu vực ở Tây Sydney.
Như bao người ở thời hiện đại này, tôi cắm mặt mình vào màn hình điện thoại và headphone gắn vào tai, dù tôi chẳng thực sự nghe một bản nhạc nào.
Tôi cứ để yên như thế, như một tín hiệu phát ra cho cả thế giới biết, rằng: “Tôi không có hứng thú. Đừng bắt chuyện!”

Chuyến tàu nhanh chóng đưa tôi và những hành khách còn lại di chuyển vào trong trung tâm thành phố. Nhiệm vụ trong ngày của tôi đã xong, đã đến lúc về nhà, nấu bữa cơm nóng để đợi chồng về cùng ăn, chấm dứt một ngày với loài người đầy bận rộn ngoài kia.
Tàu chạm ga Town Hall, tôi lũ lượt theo dòng người đi ra khỏi toa tàu, nối đuôi nhau lên thang cuốn để ra khỏi đường hầm. Headphone vẫn gắn trên tai, tôi biết mình đang lắng nghe những âm thanh nhộn nhạo ngoài kia chứ chẳng phải một bản nhạc nào cụ thể.

Tôi đưa tay ra sau để kiểm tra cái khóa kéo trên ba lô như một thói quen khó bỏ. Có thể là tôi sợ mình quên cài lại ba lô sau khi đã mở ra, có thể là tôi sợ ai đó đã lén lút làm chuyện gì đó sau lưng tôi, chẳng thể cắt nghĩa được là tôi bất an điều gì. Chỉ cảm thấy mình lúc nào cũng phải gồng lên khi vào chốn đông người.

“Cô đừng lo, chiếc túi của cô được khóa rất cẩn thận.”

Tôi giật mình nhìn xem tiếng nói phát ra từ đâu. Một ông bác người Âu điển hình với vóc dáng to cao trong bộ vest tối màu. Tóc bác bạc trắng nhưng đã hói gần nửa đầu, trên tay bác cầm một cuốn sách và hộp đựng mắt kính. Bác đứng đó nhìn tôi mỉm cười thân thiện.

“Pardon me!” tôi hỏi lại bác.

“Tôi thấy cô đưa tay ra sau lưng kiểm tra chiếc khóa, nên tôi muốn nói với cô là yên tâm vì nó trông không có vẻ gì là bị hở ra cả.”

Tôi bật cười, “À, cảm ơn bác. Tôi vẫn có thói quen kiểm tra túi của mình khi vào chốn đông người.”

“Tôi có thể hiểu,” bác cười đáp lại.

Cuộc trò chuyện của tôi với người lạ bắt đầu như thế.

Sydney

Nhận ra tôi và bác cùng đi chung trên một con đường thêm một đoạn dài, thế là chúng tôi quyết định kéo dài cuộc trò chuyện thêm một chút. Bác tự giới thiệu mình tên Jim và bác vừa mới đi dự đám tang một người bạn cũ về.“Tôi đã không hề biết là ông ấy bệnh. Đã lâu lắm rồi chúng tôi không liên lạc với nhau.”

“Tôi chia buồn với bác.”

“Ồ không sao! Chúng tôi đã hát và đã cười rất nhiều ở đám tang của ông ấy. Chúng tôi từng hoạt động trong nhóm nhạc kịch cũ.”

Thế rồi bác kể cho tôi nghe họ đã hoạt động trong nhóm nhạc kịch như thế nào, rằng những người bạn gần chục năm không gặp, ngày hôm nay tề tựu lại để hát những vở nhạc kịch cũ, để khóc, để cười và để ôn lại những câu chuyện tưởng như chẳng còn ai nhớ nữa, nhưng mọi thứ bỗng hiện về rõ một mồn như nó chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.

“Ông ấy đã mang mọi người về lại với nhau,” tôi mỉm cười.

“Ồ! Đúng là như vậy, ông ấy đã làm khá tốt đấy chứ.”

Thế là, giữa con phố George đông nghẹt người qua lại, những mẩu chuyện nho nhỏ giữa tôi và bác như một điểm nhấn kéo cả một ngày dài lê thê tươi sáng thêm một chút. Chúng tôi đi ngang một quán cà phê kiểu cũ ở góc đường. Bác dừng lại vì muốn uống một tách cà phê trước khi quay trở về công ty làm việc, và quay sang toan nói lời tạm biệt.

Sydney

Bất chợt tôi thấy bác tần ngần, rồi bác bảo:

“You are more than welcome to join me if you are not on your way going somewhere else.”

Tôi đồng ý ngồi lại bầu bạn cùng bác, dù vẫn có chút e dè. Vậy là chúng tôi ngồi đó, giữa con phố Sydney tấp nập, nhìn dòng người qua lại và trò chuyện như những người bạn lâu năm.

Chúng tôi nói về sự vội vã của cuộc sống, về công việc của tôi, về tuổi trẻ của bác, về tất tần tật những thứ rất giản dị, mà ta không nghĩ mình có thể mở lòng để trò chuyện cùng một người lạ. Bác đặc biệt thích thú khi nghe câu chuyện vợ chồng tôi đã từng viết thư tay gửi nhau, và vẫn còn giữ thói quen viết cho những người thân ở Anh cho tới bây giờ.

“Tôi thực sự tin cháu sẽ còn tiến xa và sống rất tốt cuộc đời mình. Cháu biết đấy, không phải ai cũng có những suy nghĩ như cháu.”

“Tôi rất vui vì đã gặp cháu và có cuộc trò chuyện nhỏ này và rất mong có dịp lại trò chuyện với cháu một ngày nào đó.”

“Bác nghĩ có bao nhiêu phần trăm cơ hội để những người lạ gặp nhau và trò chuyện như bác và cháu đang làm đây?”

“Tôi nghĩ là nhiều, nhưng người ta quá vội vã để dừng lại nhìn nhau. Thế nên, có lẽ là 0%. Thứ mà cháu đang cầm đấy (điện thoại di động), bác không hề dùng. Bác chỉ dùng điện thoại nhà và máy tính để bàn thôi. Có lẽ vì vậy mà những người ở thế hệ của bác sống chậm hơn những người khác.”

Old man in the coffee shop

Bác bảo xã hội bây giờ sống nhanh và hối hả quá, bác là một thế hệ sắp qua đi, và vui với những gì cũ kỹ của mình. Những điều giản dị từ một xã hội xưa cũ, nơi mà người lạ vẫn còn cười chào nhau, chúc nhau một ngày tốt lành.

Ly cà phê cũng đã cạn, và thời gian cũng đã điểm, bác đứng dậy chúc tôi một ngày tốt lành trước khi chào tạm biệt.

Tôi và bác mỗi người đi lại về một hướng khác nhau, hòa vào dòng người tấp nập. Trên đường về, tôi vẫn nghĩ mãi, có bao nhiêu phần trăm ta ngồi lại trò chuyện cùng một người lạ giữa thế giới hiện đại này, nơi mà ai cũng tất bật đến nỗi chẳng đủ thời gian để ngước nhìn nhau…

Theo sbs.com.au