(www.Alouc.com) – Câu chuyện xảy ra với nhà họ Ngô và nhiều ví dụ thực tế trong cuộc sống đều đã cho thấy, ở đời luôn có luật nhân quả. Vì thế, tham sân si là nên được xem là cái họa cần từ bỏ.
Luật nhân quả từ câu chuyện “sân si” trong gia đình họ Ngô
Chuyện kể rằng, vào thời nhà Minh (Trung Quốc) có người thư sinh tên Ngô Tử Điềm, vợ là Tôn thị.
Mẹ ruột của Ngô Tử Điềm mất sớm, chẳng bao lâu sau cha anh đi bước nữa. Vậy nhưng mẹ kế đối xử với Tử Điềm rất bất công, lại thường xuyên thiên vị em trai.
Kể từ ngày ấy, lòng chàng thư sinh dần sinh ra nhiều bất bình và oán hận. Sau khi lập gia thất, mẹ kế cũng chẳng hề đối xử tử tế với vợ của Tử Điềm.
Nhiều lần Ngô Tử Điềm cảm thấy vô cùng uất ức, muốn cùng mẹ kế nói lý lẽ. Nhưng mỗi lần như vậy, Tôn thị đều khuyên ngăn chồng không nên đi.
Khi cha qua đời, ruộng đất và ngân lượng để lại đều bị mẹ kế và em trai chiếm phần tốt nhất. Ngô Tử Điềm chỉ được thừa hưởng một mảnh ruộng xấu.
Tới nước này, chàng thư sinh cảm thấy trong lòng nhịn không nổi, một mực muốn đi tìm mẹ kế đôi co. Nhưng người vợ hiền thục lại một lần nữa ngăn cản chồng.
Chẳng bao lâu sau, con trai của mẹ kế vì ham mê cờ bạc nên đã bán sách gia sản, khiến hai mẹ con họ rơi vào cảnh túng quẫn chẳng khác nào ăn mày.
Sau khi em trai và mẹ kế rơi vào cảnh túng quẫn, vợ Ngô Tử Điềm đã khuyên chồng đón hai người về nhà mình ở. Về sau, vợ của Ngô Tử Điềm sinh được 3 người con trai. Người xưa có câu “Tam nam bất phú”, nhưng ba cậu quý tử nhà họ Ngô đều thi đậu tiến sĩ.
Người dân trong làng đều nói rằng, đó chính là “phúc báo” của gia đình Tử Điềm.
Đổi lại, nếu bạn là Ngô Tử Điềm, liệu bạn sẽ đối xử thế nào với em trai và người mẹ kế?
Cuộc đời không dài, hãy tận hưởng từng ngày hạnh phúc, an lạc!
Cổ nhân từng dạy, muốn trở thành người có văn hóa, việc đầu tiên phải làm chính là học cách chịu thiệt, học cách nhẫn nhịn. Chữ “nhẫn” ấy không chỉ cần thiết đối với người ngoài mà còn quan trọng với cả người thân
Bởi lẽ, người thân là gia đình, là ruột thịt, là máu mủ cả đời không thể bỏ rơi. Vì thế, ta hà cớ chi phải so đo, trách cứ? Đối với người thân mà quá sân si, sau cùng người chịu thiệt vẫn là mình.
Trong câu chuyện của Ngô Tử Điềm, vợ anh là một người hiểu lý lẽ, giúp được chồng tránh nhiều tai vạ. Cổ nhân có câu “thê hiền phu họa thiểu”, nghĩa là vợ hiền đức thì chồng bớt gặp họa, âu cũng là như vậy.
Đổi lại, nếu là chúng ta, liệu mấy người có thể hành xử được như Tôn thị? Có chăng, ta sẽ cười lên nỗi bất hạnh của “kẻ thù” mà nói rằng: “Đúng là ông trời có mắt, mấy người cũng có ngày hôm nay!”
Và liệu mấy người có thể buông bỏ mọi thù hận, mở rộng vòng tay đón những người năm xưa từng hành hạ mình về chung một mái nhà, rồi cùng họ vui vẻ ăn tất niên đón năm mới, sống một gia đình hòa thuận, êm ấm?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Người đời nói rằng gia đình Ngô Tử Điềm có tới 3 tiến sĩ thành danh, quả đúng là “ở hiền gặp lành”, là ân đức trời cho.
Lại nói, nếu sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ luôn so đo thiệt – hơn với họ hàng, những người con ấy sao có thể thấm nhuần đạo lý của sách thánh hiền, sao có thể lưu danh bảng vàng?
Vì vậy, sống ở đời không cần quá sân si. Thay vào đó, ta nên học được cách chịu thiệt.
Bởi người khác nợ bạn điều gì, ông trời sẽ trả cho bạn thứ khác tương xứng. Chẳng thế mà cổ nhân vẫn thường răn dạy hậu thế: “Chịu thiệt là phúc”.
Phúc phận ấy có được là bởi trời cao có mắt, là nhờ sự công bằng hiển nhiên của lẽ đời. Ngược lại, nếu bị danh lợi làm mờ mắt, con người ta vĩnh viễn sẽ không thấu hiểu được đạo lý, tâm trí cũng chẳng lúc nào được thanh thản.
Vậy chi bằng hãy cứ an lạc mà sống, tin vào sự công bằng của Trời Phật. Không oán hận, không sân si, niềm vui trong cuộc sống ắt sẽ chẳng thể mấy đi, mà tương lai còn được hồi đáp bằng hết thảy những gì tốt đẹp nhất.
Theo Trí Thức Trẻ