Home Tâm Sự - Chia Sẻ Học cách sống sót ở vùng hẻo lánh của Úc
Tâm Sự - Chia Sẻ

Học cách sống sót ở vùng hẻo lánh của Úc

www.Alouc.com – Nếu bạn lạc vào một vùng xa xôi, hẻo lánh của Úc bạn có biết phải làm gì không? Theo một chuyên gia, thay vì chỉ dựa vào thiết bị công nghệ, bạn nên học các kĩ năng cơ bản để sống sót trong rừng

 sinh tồn

Theo một chuyên gia người Úc, chúng ta đã quá dựa dẫm vào thiết bị công nghệ mà không biết rằng điều đó có thể khiến ta gặp nguy hiểm khi lạc ở các khu vực hẻo lánh. Thay vào đó, chuyên gia tin rằng mọi người nên học các kĩ năng cơ bản để sống sót trong rừng và hoang mạc.

Các cơ quan chức năng cho biết số người bị mắc cạn hoặc mất tích tại các vùng hẻo lánh của Úc đã tăng trong những năm gần đây. Ngyên nhân là do công nghệ xe hơi đã được cải thiện cho phép mọi người đi xa hơn và do số người nghỉ hưu đi du lịch quanh Úc đã tăng.

Trong hơn 30 năm qua, Bop Cooper đã dạy mọi người các kĩ năng sống sót cơ bản khi ở trong các rừng và hoang mạc. Anh nói con người đã trở nên quá lệ thuộc vào công nghệ đến nỗi không thể tự lực khi không có các thiết bị đó.

“Mọi người đang dần mất đi các kĩ năng tồn tại và sống sót trong rừng cũng như các kĩ năng thông thường,” Cooper nhận định. “Chúng ta có thể đi chơi với GPS và tìm đến các khu vực xa xôi một cách dễ dàng.”

 “Thế nhưng khi các thiết bị ngừng hoạt động, chúng ta không biết phải làm gì. Và di động của chúng ta thì nằm ngoài vùng phủ sóng.”

Tuy đồng tình rằng có các kĩ năng sống sót trong rừng bụi rất hữu dụng, cảnh sát vẫn khuyên người dân mang theo thiết bị như EPIRB (một thiết bị truyền tín hiệu giúp các dịch vụ truy tìm và giải cứu xác định được vị trí của người bị mất tích trong tình huống khẩn cấp). 

“Chỉ cần vài trăm đô là bạn có thể mua thiết bị này và lắp vào xe hoặc mang theo người. Thiết bị sẽ hoạt động mọi nơi,” Trợ lý ủy viên hội cảnh sát Murray Smalpage cho biết. “Và khi bạn ấn nút trên thiết bị, mọi người sẽ bắt đầu đi tìm bạn. Thời gian cần để tìm ra bạn sẽ quyết định liệu bạn có thể sống sót hay không.”

“Do vậy trong trường hợp việc truy tìm sẽ mất vài ngày, vài tuần hay vài giờ, nếu bạn biết các kĩ năng sống sót trong rừng thì chúng sẽ rất hữu dụng”

 “Thế nhưng trước hết bạn vẫn cần phải mang thiết bị để gọi và tìm trợ giúp.”

Các cuộc tìm kiếm thường rất tốn kém

 

Bop Cooper (đội mũ) dạy học viên cách nấu ăn trên than đá nóng (ABC)
Bop Cooper (đội mũ) dạy học viên cách nấu ăn trên than đá nóng (ABC)

Năm 2015, cảnh sát đã tiến hành khoảng 230 cuộc tìm kiếm người bị mất tích ở phía Tây Úc. Trong số đó, 1/3 vụ có người mất tích ở các vùng hẻo lánh.

Hơn 3 trường hợp đã chết khi được cảnh sát tìm ra.

Cảnh sát nói hầu hết mọi người mất tích thường là vì những lí do sau: có thể xe của họ bị sa lầy hoặc bị hỏng; có thể họ là những người thăm dò quặng vàng đi lạc, hoặc có thể họ mất phương hướng do mất trí nhớ hoặc các bệnh về tâm lí khác.

Trợ lý ủy ban Smalpage cho biết các cuộc truy tìm người mất tích ở các khu vực hẻo lánh của Úc thường tốn kém và tốn nhiều thời gian.

 “Với chúng tôi, khó khăn nhất là khi chúng tôi phải tìm người bị mất tích ở các vùng xa xôi với ít thiết bị công nghệ,” Smalpage chia sẻ.

“Ngoài ra, cái nóng, thời tiết, địa hình cản trở và khả năng cung cấp các đồ hậu cần để hỗ trợ những người tìm kiếm cũng là những thách thức.“

Các cuộc tìm kiếm người mất tích cũng thường rất tốn kém.

Thuê máy bay tìm kiếm thường mất gần $5000/h. Do đó, mỗi cuộc tìm kiếm có thể tốn gần 1 triệu đô.

“Số tiền này dùng để chi trả nguồn hỗ trợ hậu cần, tiền thuê trực thăng, thuê máy bay, tiền quá giờ. Thế nên những cuộc truy tìm này rất tốn kém,” Smalpage cho biết.

Thế nhưng cảnh sát bang Tây úc cho biết họ sẵn sàng chi trả miễn là họ có thể tìm và đưa người mất tích về nhà.

Tất nhiên nếu người bị mất tích mang theo các thiết bị liên lạc và nghe theo các lời khuyên đề phòng, các cuộc truy tìm sẽ đỡ tốn kém và phiền nhiễu hơn nhiều

Nhớ mang theo nước, đèn hiệu khẩn cấp và ngồi trong xe

Bob Cooper cảm thấy rất buồn mỗi khi nghe tin có người chết trong rừng bụi. (Ảnh được cung cấp: Bob Cooper)
Bob Cooper cảm thấy rất buồn mỗi khi nghe tin có người chết trong rừng bụi. (Ảnh được cung cấp: Bob Cooper)

Tony Bullen của Bộ Mỏ và Dầu Mỏ Tây Úc (DMP) đang tiến hành một chương trình cung cấp thông tin an toàn cho những người đào quặng vàng.

Những người đào quặng vàng thường có nguy cơ gặp rủi ro do họ dành nhiều thời gian (có thể từ vài tuần tới vài tháng) ở các khu vực hẻo lánh có nhiều đá gồ ghề để đào các quặng vàng hiếm.

 “Tôi cảm thấy đau đầu và nhức óc mỗi lần nghe nói có người mất tích ở các vùng xa xôi do không nghe theo lời khuyên cần thận trọng khi tới các khu vực này,” Bullen chia sẻ.

“Càng ngày càng có nhiều người sở hữu xe 2 cầu và có nhiều thời gian rảnh để đi thăm dò các quặng vàng hơn. Thế nên số người đi tìm quặng vàng đang tăng, và mỗi năm lại có khoảng 4 đến 5 người bị mất tích hoặc gặp tình huống khó khăn. “

DMP, Worksafe (Chỗ làm an toàn) và Cảnh Sát Tây Úc đang thực hiện các chiến dịch để khuyến khích mọi người mang theo nước, EPIRB và luôn ở trong xe nếu có chuyện gì xảy ra.

Thế nhưng theo Bop Cooper, ưu tiên hàng đầu là huấn luyện mọi người các kĩ năng sống sót trong rừng và hoang mạc.

“Có rất nhiều người trẻ tuổi hiện nay thiếu các kĩ năng cơ bản để sinh tồn trong rừng,” Cooper nhận xét.

“Họ thường coi con người và thiên nhiên như 2 thái cực, nhưng nếu chúng ta dạy họ cách quan tâm tới môi trường và cách tồn tại trong tự nhiên, tôi nghĩ họ sẽ lưu tâm tới rừng cũng như bản thân họ hơn.”

Theo AustraliaPlus