Báo Alo Úc – Mấy mươi năm cuộc đời rồi mà tôi chưa biết đãi vàng là như thế nào. Được hay không được đều thú vị… Đoàn chúng tôi rời Melbourne trực chỉ thành phố vàng Ballarat và trên đường đi ghé một nhà vườn.
Tấm bảng lớn đặt ngay trước lối vào nông trại Naturipe ghi rõ: đã hết mùa cherry, còn quả đào chưa lớn. Kề bên là: táo 3.50 đô la/kg và dâu 11 đô la/kg. Đấy là giá cho quả hái mang về. Ăn tại chỗ thì thoải mái, ít nhiều gì cũng không mất tiền.
Vừa ăn dâu miễn phí vừa hái mua về – Ảnh: LDT
Bước qua cánh cửa nhỏ, khách đối mặt với một vườn cây bao la, tít tắp. Chớm thu, một số cây bắt đầu vàng lá. Những quả dâu lớn làm trĩu cành. Táo thì đầy ắp. Xanh có, đỏ có. Nhìn đống táo rụng vô số dưới đất mà thấy tiếc. Một đôi vợ chồng trẻ người Hàn cho đứa con nhỏ nghịch ngợm, chơi đá bóng táo. Một đôi vợ chồng Hoa lớn tuổi, vươn người trên xe đẩy chọn hái táo bỏ lên xe.
Táo chín rụng rơi đầy trong vườn – Ảnh: LĐT
Được ăn “chùa” nhưng khách nào cũng giống khách nào, săm soi chọn quả tươi, to, ngắt, phủi sạch rồi cho ngay vào miệng. Ăn kiểu này không biết có vệ sinh không nhỉ? Nhưng ai cũng ăn thì tôi cũng ăn. Dâu còn xơi được mấy quả, chứ táo thì một, hai là hết hơi… Len lỏi trong vườn hái trái kiểu này xem ra chỉ là phút thư giãn trước khi vào cuộc chơi lớn – đãi vàng.
Tròn mắt nhìn vàng
“Khoảng 20.000 người đã tới kiếm vàng trong những đường hầm của Goldfields Ballarat’. Đó là chuyện của năm 1851 mà tôi biết được khi vào Bảo tàng vàng, ngay lối lên Đồi Sovereign. 30 phút dạo quanh ngắn ngủi cũng đủ cho tôi nhìn thấy cơ man là vàng. Cám vàng. Bụi vàng. Hạt vàng. Thỏi vàng. Sách, dĩa, cốc rượu mạ vàng…. Nhiều cặp mắt tròn xoe khi nhìn thấy cục vàng nặng 4,4 kg.
Có những cục vàng dính liền trong vách đá song vẫn chói ngời, thu hút nhiều người chọn làm phông chụp ảnh… lấy hên. Nhiều hiện vật trưng bày trong bảo tàng giúp người xem hiểu biết thêm những ứng dụng của vàng trong suốt lịch sử.
Lạc bước trong mớ ứng dụng ấy, nhiều quý cô quý bà vẫn kịp tỉnh lại, dừng lâu trước những loại trang sức lóng lánh cổ xưa, lạ mắt..
Ngắm, tìm hiểu lịch sử khai thác vàng vàng trong Bảo tàng xong, chúng tôi thả bộ, đi đến Khu mỏ Sovereign Hill Quart Mine – nơi phục dựng phong trào tìm vàng tại Ballarat xưa kia.
Học đãi vàng
Giá vào tham quan “học nghề” đào đãi vàng của một lượt đi là 55.50 đô la. Không rẻ lắm nhưng khách vào cứ nườm nượp, nên có nhiều đoàn phải sắp hàng chờ. Thị trấn Ballarat của cách đây hơn 160 năm, giờ được thiết kế, tạo dựng lại y như thật. Những ngôi nhà gỗ mang dáng dấp miền Viễn Tây nằm liền kề nhau. Đây là tiệm chụp ảnh, có trưng bày những ảnh cũ xưa. Kia là Nhà hát Victoria mà ngay cửa vào có ghi yêu cầu: không mang đồ ăn thức uống vào trong rạp. Quán rượu tất nhiên không thể thiếu đối với người đào vàng.
Du khách chuẩn bị bước vào tour Hầm mỏ – Ảnh: LĐT
Thỉnh thoảng trên tường nhà có dán các tờ quảng cáo, chỉ chữ và tranh vẽ như: cuộc đua ngựa lúc 6h chiều ngày 13 tháng 9. 1855; tiệm làm răng của nha sĩ Mr. S. DeSaxe; Tiệm ăn tối Eagle… Lác đác cũng có vài lệnh truy nã dán xen kẽ. Các cư dân ngày ấy, giờ được nhân viên khu du lịch nhập vai, cũng xuất hiện trên phố khá nhiều.
Những phụ nữ xúng xính trong chiếc váy xòe dài rộng, cổ cao. Đàn ông thì quần bó, nón rộng vành kiểu Úc… Họ đứng, ngồi hai bên đường chính. Thỉnh thoảng lại đàn hát, diễn trò cho khách mua vui. Điểm thêm chút hương vị hồi ấy là những chiếc xe song mã chạy lóc cóc trên đường…
Du khách xem người xưa diễn lại một nét sinh hoạt trong cuộc sống cách nay hơn trăm năm – Ảnh: LĐT
Chúng tôi cũng như nhiều du khách khác chỉ dừng chân đôi chút cho thỏa sự tò mò rồi đi sâu vào trong khu vực hầm mỏ. Cô nhân viên Lauren xếp chúng tôi vào từng hàng ghế ngồi, đóng cửa rào lại và vói tay kéo cầu dao. Chiếc xe ròng rọc rùng rùng lao nhanh xuống dốc. Hai bên đường tối om, lại ẩm mốc và lạnh lẽo. Xuống đến độ sâu 20 m so với mặt đất, những ánh đèn dầu leo loét mới dần hiện ra.
Xe dừng. Khách nối đuôi theo Lauren, dò dẫm bước đi trong ánh sáng nhờ nhờ. Cái cảm giác của người thợ đào vàng trong bầu không gian tối tăm, ngột ngạt vì thiếu oxy dường như đã thấm vào tôi.
Cảm giác ấy càng tăng lên, khi ở một góc hầm, khách chen chúc đứng, ngồi, xem những thước phim tài liệu về công việc thường ngày của thợ mỏ dưới hầm… Đó là công việc đã bắt đầu có tính công nghệ cao thời ấy, với máy nghiền quặng ầm ầm, cùng những máy khoan rít lên dinh tai, nhức óc…
Chăm chú đãi vàng với hy vọng mong manh – Ảnh: LĐTĐến Úc, xem biển hát và săn tìm cá heo
Du khách chỉ “nhập hầm” để biết, để chia sẻ cùng thợ mỏ. Còn riêng cái việc tìm vàng bằng tay thì khách được trải nghiệm cụ thể y như người xưa. Từ trên cao, chúng tôi băng qua những túp lều tranh, xuống cầu thang gỗ để đến bên suối đãi vàng. Khách Tây, khách ta, già trẻ lớn bé đều nhanh tay tìm cuốc xẻng, thau chậu lọc cát. Họ hồ hởi xúc, đãi.
Một bé gái người Úc đang cầm xẻng, xúc giúp tôi 2 xẻng đất đá vào cái chậu bị móp méo khá nhiều. Tôi nghiêng chậu, hứng lấy dòng suối chảy qua ba tầng nấc, rồi lắc lắc, nghiêng chậu, cho nước chảy ra. Chỉ có những hạt sỏi đá sạch bóng hiện ra. Ánh vàng không thấy. Tôi bắt chước ông khách kế bên, dùng chậu xúc sâu xuống dáy suối. Lại động tác như cũ và “Vàng ơi, sao cứ mãi xa!”.
Một cô Tây cũng nhiều lần “dang dở” nên nhoài người, xúc đất giữa lòng suối. Cô rây rây và hét lên. Mọi cặp mắt dồn vào cái chậu của cô. Một tích tắc ngộ nhận. Ở trong đấy, có một hạt đá khá lóng lánh nhưng lại màu nâu sáng…
Toàn cảnh khu vực đãi vàng nhìn từ trên cao – Ảnh: LĐT
Đội ngũ đãi vàng cứ kiên trì làm việc. Đúng là như một trò chơi kiếm tìm mà tỷ lệ tìm và thấy gần như 0%. Sau 20 phút đãi vàng, tôi mới phát hiện ra bí quyết đi đãi vàng và tìm thấy vàng với tỷ lệ 100%. Đấy là lúc tôi tạt qua của hàng lưu niệm, mua lấy một lọ nhỏ lấp lánh những hạt bụi vàng li ti, giá 12,99 đô la, ha ha. Cũng có cái để mà kỷ niệm chuyến đi tìm vàng ấy chứ !.
LƯU ĐÌNH TRIỀU
Theo Tuổi Trẻ