Để bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, các bạn cần đặc biệt lưu ý những điều sau đây để vừa có thể chế biến những món ăn ngon, vừa giữ gìn sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Nhiều thói quen trong khi chế biến đồ ăn hàng ngày của các mẹ đôi khi làm mất đi lượng dinh dưỡng lớn trong thực phẩm và gây nên những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của cả gia đình.
1. Nêm gia vị vào đồ ăn của trẻ dưới 1 tuổi
Nhiều người theo thói quen nêm nếm thường ngày cho người lớn mà không để ý rằng đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì không nên thêm gia vị vào thức ăn. Tuyệt đối không thêm muối vì chức năng thận của trẻ còn rất non yếu chỉ đào thải được 1gr muối/ngày và cũng không nên cho đường vào bữa ăn dặm vì ăn nhiều đường có thể dẫn tới béo phì.
2. Ăn nhiều cháo móng giò để tiết sữa
Hiện chưa có bằng chứng khoa học hay phân tích chính xác thành phần dinh dưỡng trong móng giò và cơ chế tác động của nó đến việc tiết sữa ra sao từ món ăn này. Thực tế lượng sữa tiết ra nhiều hay ít không phải hoàn toàn phụ thuộc vào ăn nhiều mà quan trọng nhất là bạn phải cho con bú thường xuyên và bú đúng cách, ngủ đủ giấc, tinh thần thoải mái. Bên cạnh đó các mẹ nên ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: sữa không đường, hoa quả không ngọt, nhiều rau xanh và cần thiết có thể bổ sung các thực phẩm chức năng cung cấp các vi chất dinh dưỡng thì chất lượng sữa của bạn sẽ rất tốt.
3. Sự thật về dứa và dưa hấu
Tất cả các loại hoa quả đều tốt cho sức khỏe, không có loại hoa quả nào là gây nóng nếu ăn với lượng vừa phải. Chẳng hạn nếu ăn nhiều quá nhiều dứa có thể dẫn tới nóng, nhiệt miệng. Riêng dưa hấu thì không hề gây nhiệt mà còn rất tốt cho sức khỏe. Dưa hấu chứa rất nhiều nước, đầy đủ các vitamin và khoáng chất và cũng không lo bị tăng cân như các loại hoa quả ngọt khác.
5. Chỉ uống sữa vào bữa sáng
Tuy là thực phẩm dinh dưỡng tốt nhưng sữa không thể thay thế cho bữa sáng của cả gia đình. Nếu chỉ uống sữa không thì sữa sẽ không được lưu lại lâu trong dạ dày dẫn tới việc hấp thu chất đạm trong sữa không được tốt. Buổi sáng, trước khi uống sữa, nên ăn 1 lượng tinh bột nhất định như 1 bát cháo/ súp nhỏ, vài lát bánh mỳ hoặc các loại bánh quy là tốt nhất.
4. Lầm tưởng thịt tôm nhiều canxi
Ăn tôm bỏ vỏ chỉ có thể bổ sung chất đạm vì thịt tôm không chứa nhiều canxi như nhiều người vẫn nghĩ. Lượng canxi chủ yếu ở trong càng tôm và vỏ tôm còn phần thịt tôm chỉ cung cấp chất đạm là chính. Nếu muốn cung cấp canxi cho cơ thể, bạn có thể chọn các loại tôm nhỏ để ăn được cả vỏ.
6. Rã đông sữa chua bằng lò vi sóng
Sữa tươi có thể cho vào lò vi sóng để rã đông (tức là làm bớt lạnh đi). Còn riêng sữa chua thì không nên cho vào lò vi sóng. Ở nhiệt độ trên 60 độ, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua có thể bị tiêu diệt. Khi đó, ăn sữa chua không còn tác dụng nữa. Cách tốt nhất để rã đông sữa chua là để ra nhiệt độ phòng từ 10-15 phút hoặc ngâm vào nước ấm khoảng 50 độ. Ngoài ra cũng cần hạn chế để sữa chua ở ngăn đông mà chỉ nên bảo quản ở ngăn mát để giữ được trọn vẹn chất dinh dưỡng của sữa chua.
7. Ăn thức ăn bị cháy xém
Nhiều người có thói quen nướng thức ăn cháy xém để đảm bảo chúng sẽ chín kĩ, mà không biết rằng khi thức ăn nướng quá lửa như vậy sẽ sản xuất ra nhiều hợp chất cacbon gây hại, có thể gây ung thưkhi tích tụ với nồng độ cao. Để ăn thức ăn nướng an toàn hơn, bạn nên bọc một lớp giấy bạc phía dưới để khói không bám vào đồ ăn và bị cháy.
Để bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho cả gia đình, các bạn cần đặc biệt lưu ý những điều trên đây, vừa có thể chế biến những món ăn ngon, vừa giữ gìn sức khỏe cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Ảnh: Internet
Theo Bestie