Trong xã hội ấy, phụ nữ luôn là người sai và họ chỉ được phép im lặng.
Sania Khan, một nhiếp ảnh gia đám cưới người Mỹ gốc Pakistan đã ly thân với chồng vào đầu năm nay. Bất chấp áp lực từ phía gia đình và sự khắc nghiệt của xã hôi, cô quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân địa ngục với người chồng “độc hại”.
Người phụ nữ 29 tuổi muốn làm lại từ đầu, xây dựng chương mới cho cuộc đời mình. Cô đã tìm được chỗ đứng riêng ở Chicago Mỹ, cách chồng cũ hơn 1.100km. Trên tài khoản TikTok cá nhân, Sania Khan đã kể lại tất cả những thăng trầm trong cuộc sống của mình, từ nỗi đau khi phải rời bỏ cuộc hôn nhân mà lẽ ra “cô không nên bước vào” cho đến sự tủi nhục khi đối diện với tư tưởng hà khắc của xã hội.
Sania Khan là một người có nhiều hoài bão nhưng cuộc đời đầy bất hạnh
Sự ra đi đột ngột
Trong một bài đăng, nữ nhiếp ảnh gia nói về thực tế trong xã hội Nam Á mà mình sinh ra và lớn lên: “Phụ nữ luôn phải im lặng. Đó là thứ khiến cuộc đời của chúng ta rơi vào những địa ngục không lối thoát“.
Với tính cách độc lập và được tiếp thu tư tưởng tiến bộ, Sania Khan đã dũng cảm bước ra khỏi cuộc hôn nhân ngục tù. Nhưng đau lòng thay cô đã bị bắn chết khi ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn còn dang dở. Gã chồng cũ Raheel Ahmad từ nơi ngàn dặm xa xôi, âm thầm đến căn hộ của cô Sania Khan ở Chicago để thực hiện tội ác man rợ vào cuối tháng 7 vừa qua.
Tại hiện trường vụ việc, cảnh sát phát hiện 2 người nằm bất động trong tình trạng bị súng bắn vào đầu. Người vợ tử vong ngay tại hiện trường còn gã chồng qua đời ở bệnh viện. Cảnh sát kết luận rằng nữ Tiktoker đã bị chồng sát hại trước khi gã này kết liễu cuộc đời mình.
Cái chết của nữ nhiếp ảnh gia đã gây chấn động trong cộng đồng người Pakistan ở Mỹ. Nhiều phụ nữ Nam Á từng ly hôn cho biết họ cũng phải đối mặt với sự kỳ thị và cô lập giống như nạn nhân Khan khi cố gắng rời bỏ người chồng bạo lực.
“Tôi có thể nhìn thấy bản thân mình bên trong cô ấy”, “Chồng cũ sẽ không ngần ngại giết tôi cùng các con“, những người phụ nữ Nam Á nói về thực tế khắc nghiệt dành cho họ.
Sania Khan và người chồng tàn bạo
Các chuyên gia cho hay, cái chết của cô Khan và những bài chia sẻ trên mạng xã hội đã bóc trần sự thật đáng xấu hổ về một xã hội đầy gia trưởng và phân biệt giới tính.
“Trải qua việc ly hôn đối với phụ nữ Nam Á được mặc định là sự thất bại của đời người. Bạn sẽ bị cộng đồng cô lập và không có bất kỳ sự hỗ trợ về mặt tinh thần nào“, chia sẻ trước kia của Sania Khan sau khi hôn nhân đổ vỡ.
Một người phụ nữ không được phép nói “KHÔNG”
Trong cộng đồng Nam Á, áp lực kết hôn vượt ra khỏi phạm vi cá nhân. Một số người chia sẻ rằng, khi họ lớn lên, bắt buộc phải đồng ý với việc hôn nhân bị sắp đặt vì lợi ích của gia đình.
“Phụ nữ phải hy sinh tình cảm và thể chất của bản thân vì lợi ích cho người khác. Đây là một gánh nặng không đáng có đối với phụ nữ“, Rachna Khare, người đứng đầu một tổ chức chuyên hỗ trợ phụ nữ cho hay.
Một phụ nữ Punjabi nói rằng khi cha mẹ bắt đầu tìm cách sắp đặt hôn sự của cô, người phụ nữ này đã tìm mọi cách ngăn cản. Cô chia sẻ với NBC News: “Việc một cô gái nói ‘Không’ với một người con trai là điều không chấp nhận được, nhất là trong gia đình tôi“.
Cuối cùng, cô nhắm mắt kết hôn với một người đàn ông mà cô nghĩ là bạn bè thân thiết của mình. Nhưng cô gái trẻ nhanh chóng bị vỡ mộng. Sau hôn lễ, chồng cô lộ bản chất là một người vũ phu, luôn tìm cách hành hạ vợ.
Sự ra đi của Khan đã khoét sâu thêm nỗi đau của những người phụ nữ không có quyền lựa chọn cuộc sống của mình
Bị tổn thương sâu sắc, cô quay về với gia đình, mong nhận được vòng tay bao bọc của cha mẹ. Nhưng gia đình và cộng đồng của cô đang sống đều cho rằng việc phụ nữ bị bạo hành là chuyện quá bình thường và khuyên cô nên trở về đoàn tụ với chồng.
Sinh ra trong gia đình có cha mẹ chia tay, Khan từng cho biết cô đã tận mắt chứng kiến sự kỳ thị trong cộng đồng Nam Á dành cho những người phụ nữ chọn chấm dứt hôn nhân khi không thể sống chung với chồng thêm được nữa.
Neha Gill, giám đốc điều hành của Apna Ghar, một tổ chức có trụ sở tại Chicago, phân tích rằng có rất nhiều áp lực văn hóa và suy nghĩ từ người ngoài tác động đến bên trong một gia đình. Do đó, danh dự và hình ảnh của gia đình thường được đặt lên trên sự an toàn và hạnh phúc của một cá nhân.
Đại diện Apna Ghar, một tổ chức chống bạo hành gia đình ở Chicago, cho biết họ có kế hoạch tổ chức một buổi gặp mặt trực tuyến để kỷ niệm một tháng ngày mất của Khan vào cuối tháng 8. Còn các bạn học cũ tại trường trung học của Khan – Trường Nghệ thuật và Khoa học Chattanooga – đã thành lập một học bổng tưởng niệm mang tên cô.
“Chúng tôi luôn nói với phụ nữ hãy tự bảo vệ mình, nhưng điều quan trọng là phải nuôi dạy những người con trai biết tôn trọng phụ nữ. Việc dạy dỗ đó cần bắt đầu từ ngay trong nhà nhà và mỗi hộ gia đình phải là người thực hiện thay đổi đó“, Bisma Parvez (35 tuổi), một phụ nữ Hồi giáo người Mỹ gốc Pakistan, bày tỏ.
Theo Kenh14
Leave a comment